Bắt trẻ đồng xanh: 'Hỗn xược' và cứu rỗi

26/05/2019 - 14:00

PNO - Trong lịch sử văn chương hiện đại, chưa có cuốn sách nào gây nhiều mâu thuẫn, phẫn nộ và cũng khao khát được sống tương tự nhân vật như cuốn sách này.

“Mất dạy!”, “Hỗn xược!”, “Vô đạo đức!” - người ta đã hét toáng lên như thế về Bắt trẻ đồng xanh. Trong lịch sử văn chương hiện đại, chưa có cuốn sách nào gây nhiều mâu thuẫn, phẫn nộ và cũng khao khát được sống tương tự nhân vật như cuốn sách này.

Báng bổ, chối bỏ hay tiếng nói từ lòng nước Mỹ

Trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX của nhật báo Le Monde (Pháp), 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay của  tạp chí Time (Anh)… chưa bao giờ thiếu cái tên Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye). Thế nhưng, nếu hỏi rằng cuốn sách nào báng bổ mọi giá trị văn hóa nhất nước Mỹ trong chiều dài cả thế kỷ, hẳn nhiều người cũng chẳng ngại ngần mà thốt lên: Bắt trẻ đồng xanh

Bat tre dong xanh: 'Hon xuoc' va cuu roi

Năm 1951, Bắt trẻ đồng xanh ra đời, ngay lập tức khiến người ta “lộn ruột”. Không chỉ vì ở thời điểm đó, sự cởi mở trong tâm trí xã hội Mỹ vẫn chỉ là cánh cửa khép hờ, nhất là với những biệt tố; không chỉ vì sự nổi loạn của thanh niên ở giai đoạn đó là một thùng thuốc nổ chực chờ được châm ngòi trong một xã hội đã quá nhiều bất ổn; không chỉ vì tính dục cũng như sự gọi tên thẳng thắn về nó trong xã hội vẫn là điều không được phép… Nói như những người Công giáo với cơ sở phê phán dựa trên Tân ước, Bắt trẻ đồng xanh là cuốn sách vô đạo đức.

Sự tẩy chay dành cho cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất của J.D.Salinger mạnh mẽ tới mức cho đến 9 năm sau ngày cuốn sách ra đời, năm 1960, một giáo viên đã bị bỏ tù và không thể kể hết bao nhiêu giáo viên khác bị sa thải chỉ vì nhắc đến cuốn sách này với sinh viên của mình. Các thư viện trên toàn nước Mỹ nhận “lệnh” không được để xuất hiện cuốn sách này. 16 năm sau nữa, năm 1976, một nhóm luật sư tại Oklahoma (Mỹ) đã mở chiến dịch kêu gọi các hiệu sách thành phố ngừng bày bán cuốn sách này. Không chỉ kêu gọi bằng các văn bản, bài viết, họ còn thực hiện các cuộc biểu tình. 

Cho đến nay, mỗi năm cuốn sách bán được trung bình khoảng 250.000 bản, được mua bản quyền và xuất bản tại hàng trăm nước trên thế giới. 

Sự cấm đoán càng được thực hiện một cách cực đoan hơn khi năm 1980, vụ ám sát John Lennon diễn ra khiến cả thế giới chấn động. Chapman, sau khi nã những phát súng chí mạng vào John Lennon, đã thản nhiên ngồi xuống bên cạnh, lấy từ trong người ra cuốn Bắt trẻ đồng xanh đọc, đợi cảnh sát đến. Ba tháng sau vụ ám sát John Lennon, tháng 3/1981, một thanh niên đã ám sát bất thành Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và y tự nhận mình chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cuốn sách này. Năm 1989, gã đàn ông Robert John Bardo giết chết nữ diễn viên - người mẫu Mỹ Rebecca Schaeffer và cuốn Bắt trẻ đồng xanh một lần nữa xuất hiện tại hiện trường gây án, trong người của kẻ sát nhân.

Bat tre dong xanh: 'Hon xuoc' va cuu roi
Bìa sách Bắt trẻ đồng xanh bản tiếng Anh

Trong rất nhiều giai đoạn, với thời gian cùng sự đấu tranh của những tiếng nói độc lập và sự đồng lòng của thanh niên Mỹ, cuốn sách bắt đầu được “xét lại”. Năm 1981, cuốn sách được đưa vào giảng dạy trong một số trường học một cách khá dè dặt. Dẫu vậy, vào năm 1990, 39 năm sau khi Bắt trẻ đồng xanh ra đời, hàng ngàn phụ huynh ở Washington, khi đó đã bắt đầu chấp nhận tiếng nói nổi loạn của giới trẻ, thực hiện một cuộc phản đối tập thể khi cho rằng cuốn sách có quá nhiều nội dung tục tĩu. Thậm chí cho đến nay, rất nhiều bang của Mỹ vẫn cấm cuốn sách này trong môi trường học đường. 

... và cuộc đời bí ẩn của nhà văn được săn đón nhất thế giới

Có lẽ “lỗi lầm” lớn nhất mà Bắt trẻ đồng xanh mắc phải, là để cho nhân vật chính Holden Caulfield - 16 tuổi - lên án thói đạo đức giả bằng những tiếng chửi thề liên tục. Holden Caulfield gọi thầy hiệu trưởng của mình là “thứ chày vồ quái đản”, cậu cũng không ngần ngại miêu tả bộ phim mình xem “chán bỏ mẹ đi được”… và đặc biệt là cậu bỏ học. Nói đúng hơn, Holden Caulfield bị đuổi học và cậu hài lòng với kết quả ấy. Đây thật sự là một cú tát vào hệ thống giáo dục Mỹ thời điểm đó, bởi Holden Caulfield cho thấy cậu từ chối hệ thống giáo dục ấy, bên cạnh việc cậu hoài nghi những giá trị mà xã hội Mỹ khi ấy rao giảng. 

Sự phản kháng của Holden Caulfield, qua thái độ, hành động lẫn ngôn từ, khiến nhiều người sợ hãi - cả những người sau này thú nhận rằng trong họ từng có những tiếng nói như Holden Caulfield. Chấp nhận Holden Caulfield là chấp nhận đi ngược lại những gì họ đã được giáo dục và đó là điều không được phép.

Dĩ nhiên, việc luôn có mặt trong danh sách những cuốn sách “phải đọc” của nhiều cuộc bình chọn không chỉ vì Bắt trẻ đồng xanh là tác phẩm đầu tiên, hiếm hoi giúp mỗi người tìm thấy bản-thân-mình-thời-trẻ, mà còn vì lối văn chương lôi cuốn, cách kể chuyện tài tình của nhân vật chính. 

Đến nay, vẫn chưa ai tìm được câu trả lời cho việc J.D.Salinger luôn từ chối khi các hãng phim đề nghị được chuyển thể cuốn sách, cũng như không ai lý giải được lối sống khép kín, luôn tránh né truyền thông của ông. Goldwyn, Jerry Lewis, Billy Wilder, Elia Kazan, Steven Spielberg... là những tên tuổi không nhỏ của điện ảnh thế giới nhưng cũng chẳng thể có được cái gật đầu của J.D.Salinger dù đã làm mọi cách.

Bat tre dong xanh: 'Hon xuoc' va cuu roi
Nicholas Hoult (trái) hóa thân thành tác giả J.D.Salinger (phải) trong phim Rebel in the Rye

Trước khát khao của khán giả, nhiều nhà làm phim đành chọn cách nhắc đến cuốn sách trong phim của mình hoặc xây dựng một số nhân vật mang tính cách nổi loạn, bất cần, luôn phản kháng na ná Holden Caulfield. Bù lại, năm 1997, bảy năm sau khi J.D.Salinger qua đời, một tác phẩm điện ảnh kể về cuộc đời ông, từ niên thiếu cho đến khi nổi tiếng được thực hiện - phim Rebel in the Rye

Riêng với âm nhạc, năm 1992, ban nhạc Green Day viết ca khúc Who Wrote Holden Caulfield. Bắt trẻ đồng xanh còn truyền cảm hứng cho nhiều nhạc phẩm như The Catcher in the Rye của nhóm Guns N’ Roses, If You Really Want to Hear About It của nhóm The Ataris... 

Tại Việt Nam, Bắt trẻ đồng xanh xuất hiện lần đầu tiên qua bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng, xuất bản năm 1964 - 1965. Bản dịch này được nhà xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Nhã Nam tái bản, sửa chữa năm 2008. Ngoài ra, một bản dịch khác của cuốn sách do Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh chuyển ngữ cũng được nhà xuất bản Phụ nữ phát hành năm 1992 và nhà xuất bản Văn học tái bản năm 2005. Tuy nhiên, theo nhiều dịch giả, các bản dịch hiện đang phát hành trên thị trường đều không thể hiện hết được văn phong của J.D.Salinger.

Thiên Lanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI