Ban Ái hữu nghệ sĩ: Trụ sở thành quán cà phê máy lạnh, tiền cho thuê đi đâu?

13/05/2019 - 06:57

PNO - Hơn một năm nay, tầng trệt và lầu 1, trụ sở Ban Ái hữu nghệ sĩ (AHNS) thuộc Hội Sân khấu TP.HCM (HSK) tại 133 Cô Bắc, Q.1, TP.HCM trở thành quán cà phê máy lạnh.

Tấm biển “Nhà truyền thống sân khấu” vẫn treo phía ngoài mặt tiền tầng 2 và toàn bộ ngai thờ Tam vị Thánh tổ của giới sân khấu đã được dời từ tầng 1 lên. Việc cho thuê nhà thờ Tổ, cộng những bất cập trong cách sắp xếp, điều hành thu chi, hoạt động của Ban AHNS được đẩy đến đỉnh điểm sau vụ gia đình nghệ sĩ Tí Nị bị từ chối khi xin được quàn linh cữu nghệ sĩ Tí Nị ở Viện Dưỡng lão.

Thắc  mắc, bức xúc với nhiều vấn đề của Ban AHNS không phải là chuyện mới, nhưng khi những vấn đề này được NSƯT Kim Tử Long đặt ra trong cuộc gặp gỡ giữa văn nghệ sĩ với lãnh đạo TP.HCM thì chúng đã trào dâng thành làn sóng.

Việc nhà thờ Tổ của giới sân khấu trở thành điểm kinh doanh cà phê máy lạnh khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy sốc. Ngạc nhiên là, các thành viên Ban chấp hành (BCH) HSK cũng chỉ biết trụ sở Ban AHNS bị cho thuê khi việc đã rồi. NSƯT Kim Tử Long, Ủy viên BCH HSK, bức xúc: “Vì sao việc cho thuê trụ sở Ban AHNS lại không được bàn bạc công khai để lắng nghe ý kiến nghệ sĩ? Giá cho thuê mặt bằng là bao nhiêu? Số tiền cho thuê được sử dụng như thế nào? Ai quản lý?”.

Ban Ai huu nghe si: Tru so thanh quan ca phe may lanh, tien cho thue di dau?
Một phần nhà thờ Tổ ngành sân khấu đã trở thành quán cà phê

Nhiều năm nay, việc công khai tiền cho thuê các mặt bằng thuộc HSK quản lý, gồm một phần trụ sở 5B Võ Văn Tần, 2 tầng trụ sở 133 Cô Bắc, nguồn đóng góp của các Mạnh Thường Quân và các khoản chi phí cho Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, hỗ trợ nghệ sĩ nghèo… dường như chỉ là chuyện nội bộ của Ban AHNS. Các nghệ sĩ trong BCH HSK như NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSND Hồng Vân, NSƯT Mỹ Uyên đều cho biết, trong những cuộc họp mình có tham dự, vấn đề tài chính chưa bao giờ được công bố công khai. NSƯT Kim Tử Long từng đặt vấn đề trong cuộc họp BCH thì câu trả lời cũng chỉ là những con số chung chung.

Chủ tịch HSK - NSND Trần Ngọc Giàu - nói: “Vì không thuộc ngân sách nhà nước, nên việc thu chi của Ban AHNS do các thành viên trong ban tự quản lý và có bộ phận kế toán riêng. Thỉnh thoảng, Trưởng ban AHNS (đồng thời là Phó chủ tịch HSK - bà Nguyễn Hồng Dung) có công bố số thu chi của Ban AHNS cho thường trực BCH HSK. Nhưng đó là thông báo con số tổng chứ không có báo cáo chi tiết”. Do chỉ được báo cáo miệng nên ông Giàu cũng không thể nhớ con số chính xác và đề nghị phóng viên trao đổi trực tiếp với bà Nguyễn Hồng Dung.

Rất lạ với cảm giác Ban AHNS là một tổ chức riêng biệt, tự hạch toán thu chi mà không liên quan đến hoạt động của HSK, trong khi cả trụ sở 5B Võ Văn Tần, 133 Cô Bắc đều là tài sản công và chi phí đảm bảo hoạt động của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ còn có thêm nguồn hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước. Mọi con số dường như đều là “bí mật”, dẫn đến bao đồn đoán về giá thuê thực sự của mặt bằng 133 Cô Bắc.

Tháng 6/2018, trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nguyễn Hồng Dung cho biết, tổng chi mỗi tháng ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này ít hay nhiều hơn số thu từ việc cho thuê các cơ sở do HSK quản lý? Mỗi năm, Ban AHNS nhận được bao nhiêu tiền, quà từ các Mạnh Thường Quân và cho thuê tài sản của HSK để chăm sóc, nuôi dưỡng các nghệ sĩ ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ và hỗ trợ nghệ sĩ nghèo? Các nguồn thu đã được chi cụ thể ra sao? Trước những thắc mắc, bức xúc ấy, những người có trách nhiệm ở HSK và Ban AHNS vẫn im lặng!

Ngày 24/4, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Hồng Dung để tìm hiểu về những khoản thu chi của Ban AHNS. Bà Dung cho biết, sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, sẽ có một buổi họp để công bố thông tin công khai với câu lạc bộ Phóng viên sân khấu. Nhưng đến ngày 9/5, đại diện HSK mới liên lạc lại và yêu cầu Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi văn bản về những vấn đề cần được giải đáp, có liên quan đến Ban AHNS, để Ban AHNS… xin ý kiến chỉ đạo của Ban thường trực HSK, trong cuộc họp vào cuối tuần này.

Trụ sở 5B Võ Văn Tần và 133 Cô Bắc đều là tài sản công. Đóng góp của các Mạnh Thường Quân là tấm lòng của văn nghệ sĩ, công chúng dành cho những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đã cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu. Hơn nửa thế kỷ qua, Ban AHNS đã là nơi chốn nương tựa của nhiều nghệ sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật. Nhiều thế hệ nghệ sĩ gắn bó với Ban AHNS (tên gọi ban đầu là Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế) như soạn giả Trần Hữu Trang, Tư Chơi, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, Năm Phỉ, NSND Kim Cương… đã dùng uy tín, tên tuổi của mình để vận động và vận hành nguồn thu chi của Ban AHNS một cách minh bạch, hiệu quả và luôn công khai. Nhưng giờ thì mọi thứ lại đang mờ mịt và phải chờ “xin ý kiến chỉ đạo”. 

Lý giải cho việc thiếu kiểm soát và buông lỏng trách nhiệm giám sát thu chi, dẫn đến bức xúc của nghệ sĩ và công chúng, Chủ tịch HSK - NSND Trần Ngọc Giàu - phân trần: “Do từ khi ra đời đến nay, Ban AHNS đã hoạt động rất hiệu quả, chưa từng xảy ra điều tiếng, nên tôi luôn tin tưởng vào sự minh bạch, trong sáng của các thành viên điều hành. Khi nghe có những ý kiến thắc mắc, tôi đã nhắc Trưởng ban AHNS gửi văn bản chi tiết việc thu chi cho Thường trực BCH HSK, đồng thời công khai minh bạch. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được báo cáo này”.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI