Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm: Đam mê làm nên chuyện

10/12/2017 - 17:43

PNO - Nâng hai người bay cao khoảng 4m; nâng và điều khiển người bay vòng tròn quanh mình 360 độ; tách rời đầu và cơ thể, để đầu cách xa cơ thể hơn 0,5m, cơ thể vẫn cử động, miệng vẫn cười...

Nâng hai người bay cao khoảng 4m; nâng và điều khiển người bay vòng tròn quanh mình 360 độ; tách rời đầu và cơ thể, để đầu cách xa cơ thể hơn 0,5m, cơ thể vẫn cử động, miệng vẫn cười... Những tiết mục ảo thuật tưởng chỉ có ở chương trình giải trí nước ngoài lại đang được biểu diễn tại các sân khấu Việt Nam và do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn. Ngạc nhiên hơn, “chủ nhân” của những tiết mục ảo thuật đỉnh cao đó chỉ biết và làm ảo thuật nhờ... học lóm.

Ao thuat gia Hoang Nghiem: Dam me lam nen chuyen
 

Tốt nghiệp đại học nhưng chọn nghề... hát rong

Từ khi còn là học sinh trung học, cậu bé Hoàng Nghiêm đã mê mẩn với những màn ảo thuật dạo đầu của các nhóm sơn đông mãi võ. Có lẽ nhận thấy niềm đam mê trong cậu thiếu niên cứ canh đúng giờ là có mặt chỉ để tròn mắt với những trò ảo thuật, một thành viên của nhóm sơn đông mãi võ đã dạy cho Nghiêm vài trò đơn giản như xòe bài, giấu giấy, trứng trong chiếc chén úp... Tưởng chỉ vậy là đủ vui để cậu bé có thể biểu diễn “lấy le” với bạn bè, ai dè từ đó Hoàng Nghiêm đã nuôi ước mơ trở thành ảo thuật gia. Ước mơ lớn đến mức có bao nhiêu tiền Hoàng Nghiêm chỉ để dành mua vé xem các nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng thời bấy giờ là Z27, Tony Quang biểu diễn. 

Có một điều rất đặc biệt ở cậu bé Hoàng Nghiêm là khi xem các nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng biểu diễn, Hoàng Nghiêm có thể phát hiện được những bí mật của từng màn ảo thuật để về nhà mày mò tự tập. 

Gia đình không khá giả lại chỉ muốn con tập trung học hành, không bị phân tán vì những trò “nghịch ngợm vô bổ” nên cậu bé Nghiêm chẳng bao giờ được ba mẹ cho tiền mua dụng cụ làm ảo thuật. Không có tiền mua thì Nghiêm tự làm. Bắt đầu từ sợi dây “ma thuật”, bị cắt đôi nhưng khi mở ra vẫn liền lạc, Nghiêm tự chế bộ bài làm ảo thuật bằng cách mua bộ bài nhỏ, ra tiệm photocopy lớn hơn, về cắt dán vào bìa cứng rồi hí hoáy tô màu; rồi mày mò “chế” đạo cụ dù, gậy... theo cách riêng và sự am hiểu những nguyên tắc cơ bản về ảo thuật đã được học từ nhóm sơn đông mãi võ. 

Ảo thuật có một sức hút ma thuật lạ kỳ với Hoàng Nghiêm, dù bước sang ngã rẽ nào vẫn đủ sức kéo chân anh trở lại. Tốt nghiệp cấp III, phần vì ở Việt Nam không có trường đào tạo ảo thuật, phần vì mong muốn của ba mẹ, Hoàng Nghiêm thi đậu và theo học ngành Quản lý văn hóa (Đại học Văn Hóa TP.HCM). Ngỡ ảo thuật chỉ còn là giấc mơ thời thơ bé, dè đâu, tốt nghiệp, về làm ở trung tâm văn hóa quận không bao lâu, Hoàng Nghiêm “khăn gói” đầu quân cho Đoàn văn công Đồng Tháp để được trở lại với ảo thuật.

Ao thuat gia Hoang Nghiem: Dam me lam nen chuyen

Màn biểu diễn tách rời đầu và cơ thể hay người bay trên không, xoay 360 độ của Hoàng Nghiêm luôn làm người xem kinh ngạc

“Đang đi làm có thu nhập ổn định, quyết định bỏ hết để bắt đầu cuộc sống rày đây mai đó, có lúc tôi ngỡ mình đã sai đường. Theo Đoàn văn công Đồng Tháp đi diễn từ Cà Mau đến tận Hà Nội, có lúc một tháng hơn hai mươi ngày tôi cùng đoàn rong ruổi khắp nơi. Diễn xong, đêm về ngủ tạm nhà dân hoặc các điểm trung tâm văn hóa... Lương công nhân thời điểm đó khoảng một triệu đồng/tháng còn tôi chỉ lĩnh hơn 300.000 đồng. Tiền bồi dưỡng đêm tính theo quy định cũng không thêm được bao nhiêu. Gia đình tìm đủ mọi cách kêu tôi về. Không ít lần tôi cũng dao động. Có những lúc, suốt thời gian đi lưu diễn tôi chỉ mong mau được về nhà và nghĩ lần này sẽ về luôn, không xuống đoàn nữa. Nhưng về nhà nghỉ vài ngày, tôi lại nôn nao mong đến đợt biểu diễn mới. Sau nhiều lần như vậy tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể bỏ ảo thuật. Vậy sao không dồn công sức, tâm huyết cho đam mê”, Hoàng Nghiêm nhớ lại.

Ảo thuật không chỉ là trò diễn

Quyết định dấn thân, Hoàng Nghiêm không khỏi chạnh lòng với cảm giác ảo thuật Việt Nam chưa phong phú. Sức hút của các tiết mục với chim bồ câu, dù, gậy... nhạt dần. Trăn trở, Hoàng Nghiêm ngộ rằng nếu muốn tiếp tục gắn bó lâu dài với ảo thuật thì phải thay đổi. 

Xem các màn ảo thuật của thế giới, Nghiêm bắt đầu mày mò tìm cách biểu diễn những màn phức tạp, đòi hỏi dụng cụ hỗ trợ chuyên nghiệp, hiện đại hơn (hình thức ảo thuật này được gọi là ảo thuật đồ lớn - PV). “Vật cản” lớn nhất khi đó không phải là độ khó của các tiết mục mà là tiền đâu để đặt mua những dụng cụ diễn từ nước ngoài?

“Đã có thể tự chế tạo những dụng cụ ảo thuật đơn giản, sao không thử làm những dụng cụ phức tạp hơn?”, nghĩ là làm, Nghiêm bắt đầu từ tiết mục cắt người làm ba khúc của ảo thuật gia David Copperfied. Cũng từ những kiến thức cơ bản đã có về ảo thuật, cộng thêm khả năng đặc biệt trong phán đoán các bí mật, Nghiêm phác thảo bản vẽ rồi nhờ người bạn chuyên về cơ khí thực hiện. Thành công với tiết mục ảo thuật có dụng cụ hỗ trợ đầu tiên như chắp thêm cánh cho anh chàng ảo thuật gia tay ngang tiếp tục thử thách mình với những tiết mục khó hơn như người bay trên không, người bay xoay 180 độ, 360 độ, người độn thổ, di chuyển các bộ phận trên cơ thể người... 

Nghe qua có vẻ con đường ảo thuật gia Hoàng Nghiêm đi khá dễ dàng, nhưng thực tế, để có được thành công của ngày hôm nay, anh phải trải qua không ít lần thất bại. Với ảo thuật đồ lớn, ba yếu tố quan trọng đầu tiên được Nghiêm xác định là độ chính xác về kích thước, tạo hình có thể đánh lừa thị giác khán giả và tốc độ phù hợp khi thực hiện các động tác của trò diễn để người xem có thể tin. 

Khó nhất là tìm được những bí mật của dụng cụ ảo thuật, khi biết rồi, điều quan trọng tiếp theo là có được một ê-kíp đủ đam mê để thực hiện, bởi làm đạo cụ ảo thuật vừa tốn công lại khá tốn kém. Không ít lần, phải bỏ dụng cụ ảo thuật chỉ vì chênh lệch với kích thước chuẩn chừng 1cm, hoặc tạo hình chưa đủ sức thuyết phục để hình thành một trò diễn hoàn hảo. Không kể công sức, mỗi lần thất bại, vài triệu đồng để trả giá cho bài học kinh nghiệm là chuyện thường tình. 

Ao thuat gia Hoang Nghiem: Dam me lam nen chuyen
 

Thế nhưng, nhắc lại chuyện cũ và được hỏi về những tổn thất vật chất khi mày mò làm dụng cụ ảo thuật, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm mới nhận ra mình từng dồn gần như tất cả thu nhập để làm đạo cụ. Cách đây bảy tám năm, ngay cả khi đã chế tạo dụng cụ ảo thuật thành công, việc thu tiền hoàn vốn là điều không dễ do ảo thuật ở Việt Nam ít được chú ý, không có nhiều sân khấu cho bộ môn nghệ thuật này, nhất là với những tiết mục có đạo cụ hỗ trợ cồng kềnh. 

Đến nay, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm đã có hơn 100 tiết mục ảo thuật đồ lớn, trong số đó có hơn 50% do anh tự nghĩ ra, phát triển thêm từ các tiết mục của các ảo thuật gia nổi tiếng. Không hài lòng với những gì làm được, ba năm trở lại đây, khi không còn loại dụng cụ ảo thuật nào có thể làm khó mình, Hoàng Nghiêm lại suy nghĩ phải làm sao để khán giả đến xem ảo thuật được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đầy cảm xúc, có thể khóc cười với các nhân vật, tình huống câu chuyện... chứ không chỉ là những trò diễn đơn lẻ. 

Anh thử nghiệm bằng sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, diễn viên phụ diễn... để mỗi màn ảo thuật như một câu chuyện hoàn chỉnh. Được khán giả hưởng ứng, anh lại tìm cách kết nối các trò diễn, lên kịch bản dài hơi hơn cho những câu chuyện vốn rất quen thuộc với khán giả: Điệp viên 007, Điệp vụ báo hồng, Nghìn lẻ một đêm, Công chúa ngủ trong rừng, Ninja hậu đậu...  

Hoàng Nghiêm là một trong số ít các ảo thuật gia có thể sống khỏe bằng nghề và bán các dụng cụ ảo thuật. Dẫu vậy, nỗi niềm lớn nhất của anh vẫn là làm sao để ảo thuật Việt Nam phát triển, được đông đảo khán giả đón nhận; ảo thuật gia sống được bằng nghề. Anh đang ấp ủ kế hoạch chinh phục một lĩnh vực mới: đưa ảo thuật vào các vở diễn sân khấu mà đích ngắm đầu tiên là những vở diễn dành cho thiếu nhi, nơi ảo thuật có thể bay bổng cùng trí tưởng tượng trẻ thơ.

 Nguyễn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI