Tự tử vì khủng hoảng kinh tế

08/04/2013 - 19:15

PNO - PN - Ngày 5/4/2013, cái chết của vợ chồng Romeo Dionisi (62 tuổi) và Anna Maria Sopranzi (68 tuổi) ở thị trấn Civitanova Marche đã khiến người dân Ý rúng động. Họ tự tử vì không thể sống với chưa tới 500 euro/tháng. Đây không phải trường...

Người ta tìm thấy cặp vợ chồng này treo cổ trong nhà để xe, lưu lại bút tích cầu mong sự tha thứ của người thân. Romeo từng là thư ký của một công ty giày da trước khi mất việc. Anna là một nghệ nhân đã nghỉ hưu. Lương hưu của Anna, không quá 500 euro/tháng, không đủ cho họ trang trải sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

Ivo Costamagna, Chủ tịch Hội đồng thị trấn Civitanova Marche nói với phóng viên CNN qua điện thoại: “Thị trấn lâu đời và thịnh vượng của chúng tôi chịu tác động rất lớn từ khủng hoảng kinh tế. Những người như Romeo không chấp nhận sống nhờ tổ chức từ thiện hoặc trợ cấp xã hội. Romeo chỉ muốn có lại công việc của mình”.

Ý đang trong tình trạng bất ổn kinh tế sâu sắc và hỗn loạn chính trị, nên không thiếu những phận người phải chật vật đấu tranh sinh tồn. Vụ tự tử của Romeo Dionisi và Anna Maria Sopranzi khiến người dân khắp nước Ý đau lòng và hoài nghi nhiều hơn về thực trạng đời sống hiện nay. Nỗi buồn thêm chồng chất bởi anh ruột của bà Anna đã nhảy xuống biển Adriatic tự tử ngay sau khi biết tin em gái treo cổ.

Tu tu vi khung hoang kinh te

Ông bà Romeo và Anna khi còn sống - Ảnh: NYDaily news

Ngày 6/4, Thị trưởng Tommaso Claudio Corvatta tuyên bố, thị trấn sẽ để tang một ngày cho ba nạn nhân tự tử nói trên. Thị trưởng Corvatta cũng chia sẻ trên trang web của mình là cái chết của họ ảnh hưởng tới cộng đồng “trong một thời điểm kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn”.

Ý đang trong đà suy thoái dài nhất trong vòng 20 năm nay. Khi nền kinh tế Ý tiếp tục chịu thử thách, tỷ lệ tự tử tăng lên trong mấy năm gần đây. Một trong những nỗ lực của chính phủ là cắt giảm chi tiêu, như trường hợp Romeo là một trong số hàng ngàn esodati - “người bị thả nổi “ - những người mất việc mà không có lương hưu, sau khi chính phủ Ý vừa tăng tuổi nghỉ hưu cách nay 16 tháng.

Hồi tháng 5/2012, Generoso Armenante, một cựu nhân viên bảo vệ 49 tuổi cũng lẳng lặng treo cổ tự vẫn sau khi dùng bữa trưa với vợ. Armenante mất việc từ hơn một năm trước. Trong thư tuyệt mệnh, ông viết: “Tôi quyết định kết thúc cuộc đời thất bại này. Tôi không thể sống mà không làm việc”. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Ý, trong nửa đầu năm 2012, có ít nhất 34 chủ doanh nghiệp tự tử vì lý do kinh tế.

Cảm giác thất bại và cô đơn là đỉnh điểm của nỗi tuyệt vọng trong cộng đồng kinh doanh vừa và nhỏ tại Ý. Giovanni, mới 40 tuổi, nhưng đã nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời, sau khi không thể trả khoản nợ 25.000 USD. Một người thợ sửa ống nước hành nghề tự do thì tâm sự, ông chỉ dừng lại việc tự tử khi nhớ đến đứa con trai duy nhất bị tàn tật và một người vợ có tiền sử bất ổn tâm lý.

Antonella Sgavo, một quan chức thành phố Civitanova Marche nói rằng, chính phủ cần phải tiếp cận kịp thời những người có nhu cầu: “Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến hình thức nghèo mới, nó ảnh hưởng đến nhiều gia đình, thậm chí là những người sống bên cạnh nhà mình, nhưng nhiều khi mình không kịp nhận biết”. “Thảm kịch này khiến tôi rất sốc và không thốt nên lời. Chúng ta đều phải chấp nhận, đó là bi kịch xã hội có thật và cần được khẩn cấp giải quyết” - Pier Luigi Bersani, lãnh đạo Đảng Dân chủ trung tả nói.

VĨNH LINH (Theo CNN, NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI