Mảnh đất màu mỡ cho cái ác

18/08/2019 - 17:14

PNO - Chúng ta, lẽ nào chịu im lặng trước điều xấu và trước cái ác, để chúng trở thành mảnh đất màu mỡ. Và tiếp tục nhìn cái ác sinh sôi?

Một dòng trạng thái tôi viết về tình trạng tác giả của lời thơ được phổ nhạc, trở thành ca khúc nổi tiếng, được biểu diễn và ghi âm, ghi hình phổ biến không chỉ trong nước nhưng trên những tác phẩm đồng tác giả đó, người thưởng ngoạn chỉ biết tên nhạc sĩ phổ nhạc; đã được nhiều bạn, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ, tương tác và chia sẻ, cả bằng bình luận lẫn tin nhắn.

Hóa ra, không ít trường hợp, không chỉ là tác giả của thơ, của văn, mà nhiều tác giả của cả những loại hình nghệ thuật khác (nhạc, họa, kịch bản sân khấu, điện ảnh, lời bình cho phim tài liệu, phim quảng cáo…) cũng bị tước đi quyền lợi tinh thần lẫn quyền lợi vật chất. Hoặc không ít trường hợp, tác phẩm là công trình sáng tạo của nhiều người, như vở diễn, bộ phim… khi tác phẩm đó được diễn, được chiếu, được phát sóng hay đoạt giải ở những hội diễn, những liên hoan đình đám và được khen, được thưởng, nhưng đã có không ít trường hợp nhà hát hay nhà sản xuất, nhà phát sóng, chẳng những quên quyền lợi vật chất của tác giả mà còn quên đi cả lời dễ nói nhất - lời cảm ơn!

Những đồng tác giả đó chẳng những bị đối xử thiếu tình mà còn bị xâm hại quyền lợi được ghi rõ trong điều luật của luật pháp. Họ có bất bình không? Có. Trong tâm trạng chịu đựng và câm nín, họ có ấm ức không? Có.

Manh dat mau mo cho cai ac
Sự im lặng là mảnh đất màu mỡ cho cái ác. Ảnh minh hoạ

Một tác giả kiêm đạo diễn tên tuổi viết bình luận: “Lâu nay đâu chỉ có những quan lại chính trị biến chất mới tham lam mà ngay cả không ít người làm nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ danh tiếng cũng tham lam mà trộm trí tuệ kẻ khác để leo cao hơn nấc thang danh vọng…”.

Không phải không có những tác giả thẳng thắn vạch mặt chỉ tên kẻ lấp liếm lợi danh.

Không phải không có những người làm nghệ thuật lên tiếng đòi lại quyền lợi chính đáng bị tước đoạt của mình.

Nhưng xem ra con số người trực diện đấu tranh, đòi quyền lợi cho bản thân mình và đòi cái lẽ công bằng cho nhiều người, chỉ là con số ít. Đa phần ngại. Ngại va chạm. Ngại ồn ỉ. Ngại mất lòng. Ngại mất thời gian….Và nhất là, ngại “đấu tranh” sẽ không biết “tránh đâu”.

Chính những rào cản tự thân đó, chính sự im lặng chịu đựng đó mà những điều khuất tất còn đất để bám vào và dễ dàng sinh sôi.

Những khuất tất, lúc đầu có thể là do vô ý hay cố tình vô ý nhưng dần dần cái sự khuất tất để trục lợi, lại có ý thức, có chủ định.

Sự nhập nhèm khuất tất dần dần thành vi. Hành vi xấu này dễ sẽ ăn sâu vào trí não, vào việc làm. Từ việc xấu thoạt đầu được cho là be bé, cho tới việc gây ra những điều xấu lớn là khoảng cách gần, rất gần. Và đích tới cái ác sẽ không khó nếu không gặp phải bức tường của sự trung thực và lòng quả cảm.

Cuộc sống muôn nẻo, với đủ gam màu, tươi sáng lẫn tăm tối. Khi sự thật ngủ yên thì dối trá mặc sức càn quét nhằm trục lợi và đẩy nhân loại vào hiểm họa khôn lường.

Hơn 2000 năm trước triết gia Aristoteles đã cảnh báo: “Sự chịu đựng và sự thờ ơ là những đức hạnh cuối cùng của một xã hội đang giãy chết”.

Còn gần chúng ta hơn nhà bác học Albert Einstein cũng đã cảnh tỉnh: "Thế giới sẽ bị huỷ diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn nhưng không làm gì cả". 

Và chúng ta, lẽ nào chịu im lặng trước điều xấu và trước cái ác, để chúng trở thành mảnh đất màu mỡ. Và tiếp tục nhìn cái ác sinh sôi?

Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI