Thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội: nhạy cảm và phức tạp

20/05/2017 - 00:30

PNO - Với những động thái vừa qua, có vẻ như nhà chức trách ở Việt Nam đang quyết liệt với việc tận thu thuế của những hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo,…

Thu thue kinh doanh tren mang xa hoi: nhay cam va phuc tap
Việc thu thuế trên Facebook hiện nay rất phức tạp. Ảnh: Internet.

Cụ thể là hồi thượng tuần tháng 5-2017, Cục Thuế TP.HCM cho biết trung tâm dữ liệu của họ đang lọc thông tin các tài khoản trên Facebook có kinh doanh để tính toán thu thuế.

Tuy nhiên, cơ quan Thuế trấn an rằng họ chỉ nhắm tới các tài khoản cá nhân trên Facebook có kinh doanh với doanh số lớn và chưa đăng ký kê khai thuế.

Thật ra, việc thu thuế trên Facebook này nằm trong chính sách thu thuế kinh doanh thương mại điện tử nói chung mà ngành Thuế TP.HCM đang có kế hoạch phối hợp với các ban ngành có liên quan để thực hiện.

Việc này đã được Tổng cục Thuế khẳng định là có cơ sở. Bản thân ngành Thuế trung ương cũng đang nghiên cứu việc quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Không ai có thể phủ nhận được hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội đang ngày càng rôm rả tưng bừng hoa lá hơn.

Bên cạnh việc chào bán hàng hóa trên các khu chợ online, những người bán hàng ngày càng thích kinh doanh trên mạng xã hội hơn.

Thậm chí nhiều công ty, trang web thương mại điện tử cũng tham gia, tạo những tài khoản trên mạng xã hội để chào hàng, thường là dẫn khách hàng về trang chính của mình để dạo chợ và mua sắm.

Việc kinh doanh trên Facebook rất đơn giản. Bạn có thể dùng tài khoản cá nhân của mình hay ngon lành hơn nữa thì lập nhóm hay tạo các trang Fanpage để kinh doanh.

Mặc dù đặc thù của Facebook là không hỗ trợ giao dịch trực tiếp, nhưng người mua kẻ bán giờ đây đã được trợ giúp bởi vô số dịch vụ chuyển phát hàng hóa, kể cả chuyển phát nhanh, trên quy mô toàn quốc và đặc biệt là dùng phương thức thanh toán linh hoạt được người mua ưa chuộng nhất hiện nay là chỉ phải trả tiền khi nhận hàng (Cash On Delivery, COD).

Ở đây, chúng ta không nên (và thật ra là không thể) đụng chạm gì tới những người bán hàng rong trên mạng xã hội.

Đó là những người bán hàng nghiệp dư, thời vụ, thỉnh thoảng có gì mới bán, hay có dư xài thì rao bán bớt, cũng như chỉ kiếm chút tiền chợ độ nhật qua ngày.

Thu thue kinh doanh tren mang xa hoi: nhay cam va phuc tap
Bán hàng qua mạng xã hội quá dễ dàng nên ngày càng có nhiều người chọn kinh doanh qua hình thức này.

Thật sự thì họ cũng giống như những người đăng rao vặt, đơn giản dùng mạng xã hội làm chỗ rao hàng, ai cần thì liên hệ riêng, giao dịch chẳng hề xảy ra trên mạng. Vậy thì cơ sở đâu để mà tính thuế?

Nhưng thực tế là trên nền mạng xã hội lâu nay đang diễn ra những hoạt động bài bản, quy mô lớn, làm ăn tới nơi tới chốn có thu nhập hàng tháng vài trăm triệu đồng hay cả tỷ đồng và hơn thế nữa.

Đây là những người có tóc mà ngành thuế nên nắm. Tất nhiên làm cách nào để có thể thu thuế được những nhà buôn chính hiệu này là tài ba của cơ quan thuế. Chỉ có thể nói trước là vô cùng nhiêu khê và cái gì cũng phải đúng pháp luật hiện hành.

Hình thức thanh toán bằng tiền mặt và theo kiểu "tiền trao cháo múc" COD càng dễ dàng tiện lợi cho người mua kẻ bán bao nhiêu thì càng gây khó cho việc quản lý thu thuế bấy nhiêu.

Đây cũng là một thực trạng chung ở những nền kinh tế chưa thanh toán, giao dịch qua ngân hàng mà vẫn còn xài tiền mặt cho nó chắc ăn.

Nguyên tắc pháp luật chung của thế giới là hễ có làm ăn, thu lợi là phải làm các nghĩa vụ thuế má.

Việc kinh doanh trên mạng xã hội về bản chất chỉ là một hình thức giao dịch, giống như mở một quầy hàng bán lẻ.

Vì thế, giải pháp căn cơ vẫn là làm sao nắm được một cách bài bản tận gốc của người bán hàng. Không làm được như vậy thì đành bó tay thôi. Chẳng nhà chức trách nào có quyền và có thể cấm người ta rao hàng trên mạng xã hội hay buôn bán trao tay nhau.

Trang Chron của báo Houston Chronicle (Mỹ) trả lời bạn đọc về chuyện thuế má cho các giao dịch trên Internet nói rằng: Việc đóng thuế thu nhập là bắt buộc đối với bất cứ hoạt động kinh doanh nào, bao gồm cả trên Internet.

Riêng thuế bán lẻ thì vẫn là một chủ đề tranh luận nóng bỏng dựa theo đặc thù pháp luật của từng nước. Theo truyền thống, tất cả các hoạt động kinh doanh đều phải đóng thuế bán lẻ theo luật sở tại.

Thu thue kinh doanh tren mang xa hoi: nhay cam va phuc tap
Về bản chất, việc kinh doanh trên MXH chỉ là một hình thức giao dịch.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh online có đặc thù riêng tùy thuộc vào thực tế người kinh doanh có hay không có "cơ sở vật lý" (gọi là "brick and mortar" hay "gạch vữa") ở nơi diễn ra kinh doanh.

Suy cho cùng, chuyện thuế má cứ chiếu theo luật định của từng nước mà thi hành. Đối tượng khó cựa quậy nhất vẫn luôn là những người kinh doanh online có quốc tịch và đang cư trú ở nước mà họ hoạt động kinh doanh.

Ngay cả mạng xã hội cũng phải làm nghĩa vụ thuế ở những nước mà họ có hoạt động kinh doanh thu lợi.

Theo hãng BBC News (9-10-2016), mạng truyền thông xã hội Facebook của Mỹ năm 2015 đã đóng 4,16 triệu bảng Anh ở Anh về khoản thuế doanh nghiệp khi mạng xã hội này mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở Anh.

Chủ yếu đây là khoản thuế từ doanh thu quảng cáo mà Facebook kiếm được từ các khách hàng ở Anh.

Ngành thuế ở TP.HCM nói rằng trước mắt sẽ nhắc nhở và vận động những người kinh doanh trên mạng xã hội – chủ yếu là những người kinh doanh lớn và thường xuyên – đăng ký và thực thi các luật định về nghĩa vụ thuế.

Thu thue kinh doanh tren mang xa hoi: nhay cam va phuc tap
 

Chắc chắn là không dễ chút nào. Giải pháp tốt vẫn nhất là chiếu theo luật định mà áp dụng những biện pháp chế tài giống như hoạt động kinh doanh truyền thống. Một mặt ngành chức năng có cơ chế và quy trình tạo thuận lợi cao nhất cho những người muốn đăng ký kinh doanh trên mạng xã hội.

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm rà soát, phát hiện những thương vụ kinh doanh thuộc phạm vi phải chịu thuế để xử lý đúng người, đúng việc.

Có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng và nhẹ nhàng cho tất cả nếu như tất cả coi việc kinh doanh trên mạng xã hội đơn giản là một hình thức để bán hàng bên cạnh các hình thức truyền thống.

Tất nhiên do đặc thù của mạng xã hội nên đòi hỏi phải có cách tiếp cận vấn đề cho phù hợp. Chỉ cần vậy thôi.

Chuyện chẳng có gì để mà ầm ĩ. Một khi luật lệ đã có đủ thì cứ như vậy mà thực thi, không nên phát sinh ra những gì khác biệt tạo thêm rối rắm và gây tranh cãi.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI