Lo chất cấm lên bàn ăn

30/10/2015 - 09:11

PNO - Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, nhiều chất cấm sử dụng trong chăn nuôi theo thực phẩm ung dung lên bàn ăn trong khi cơ chế kiểm soát còn bất cập.

Bộ cấm, bộ cho...

Salbutamol, clenbuterol và ractopamine là ba chất thuộc nhóm Beta-agonist đứng đầu danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nếu như trước đây đơn vị này thường phát hiện tồn dư chủ yếu là chất clenbuterol (loại chất ngăn chặn heo tích lũy mỡ và tạo nạc, có thể gây tử vong cho người) trong thịt heo bán trên thị trường thì hiện nay loại chất tồn dư chủ yếu là salbutamol.

Sở dĩ có tình trạng này là do Thông tư 24 của Bộ Y tế không quy định salbutamol là chất cấm mà là một thành phần để sản xuất dược phẩm. Ngay cả clenbuterol cũng đang theo tiêu chuẩn quốc tế là chỉ cấm sử dụng trong thịt bò, ngựa, chưa cấm trên thịt heo, gà.

Tình trạng này dẫn đến một thực tế nhiều đơn vị núp bóng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành dược phẩm, y tế nhưng tuồn những chất này vào hoạt động chăn nuôi nhằm tăng lợi nhuận.

Lo chat cam len ban an
Heo nhiễm chất cấm rất khó nhận biết bằng mắt thường

Nhiều bà nội trợ tỏ ra bất an với cơ chế quản lý loại độc chất này vì thịt vẫn là thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu bữa ăn của họ. Chị Nguyễn Thùy Trang, ngụ tại đường Pasteur (Q.3) lo ngại, với những chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe như vậy mà đơn vị này cấm sử dụng, đơn vị kia lại cấp phép, liệu có quản lý được đường đi của những chất đó?

Gốc rễ nằm ở chỗ thiếu sự “thông nhau” khi quản lý. Salbutamol, clenbuterol, ractopamine vốn là các chất làm dãn cơ, được dùng để điều trị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hàng năm vẫn được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu phục vụ sản xuất dược phẩm.

Nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang khi cách đây ít ngày xuất hiện thông tin Bộ Y tế cho phép nhập khẩu 68 tấn salbutamol. Đại diện Bộ NNPTNT còn cho rằng Bộ Y tế chưa quản lý chặt các loại chất này khiến tình trạng nhập khẩu và sử dụng chưa đúng mục đích.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết từ đầu năm đến nay mới cấp phép nhập khoảng 3,5 tấn, dựa trên nhu cầu thực tế điều trị bệnh trên người và chỉ cấp phép cho những đơn vị đủ điều kiện và kiểm soát chặt chẽ. Ông Phong đưa ra khả năng chất này được lạm dụng trong chăn nuôi có thể từ các nguồn nhập lậu.

Phát hiện có độc thì thịt đã được bán sạch

Ông Phan Xuân Thảo cho rằng, nguy cơ nguồn thịt nhiễm chất cấm đến tay người tiêu dùng là rất lớn. Điều này xuất phát từ một thực tế là thời gian xét nghiệm và công bố kết quả mất từ ba-bảy ngày, trong khi thịt của chủ hàng thường được tiêu thụ ngay trong đêm (tại các chợ đầu mối), đến khi phát hiện tồn dư chất cấm thì hàng hóa cũng đã được bán hết ra thị trường. Phía cơ quan thú y cũng e ngại chuyện tạm giữ lô hàng vì lo sợ không phát hiện chất tồn dư sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI