Heo bị dịch tả châu Phi, người nuôi có thể nhận hỗ trợ từ ngân hàng

12/06/2019 - 06:00

PNO - Dịch tả heo Châu Phi gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đang lên kế hoạch hỗ trợ người nuôi heo.

Những giải pháp hỗ trợ được các ngân hàng tính đến sẽ là giãn thời gian cho vay, không tính lãi đối với phần dư nợ bị thiệt hại… để hỗ trợ người nông dân.

Trong cuộc họp chia sẻ thông tin hoạt động 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện các tổ chức tín dụng tại các tỉnh đang rốt ráo hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi.

Theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp – nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 thì trong trường hợp xảy ra dịch bệnh lan rộng, các khách hàng vay vốn chăn nuôi chưa trả đúng hạn sẽ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và xem xét cho vay mới.

Heo bi dich ta chau Phi, nguoi nuoi co the nhan ho tro tu ngan hang
Nhiều ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ người vay nuôi heo bị dịch tả châu Phi

Trường hợp dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại về vốn vay thì các tổ chức tín dụng cho vay sẽ đánh giá khả năng trả nợ, chính quyền cấp tỉnh tập hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Chính phủ để tiến hành khoanh nợ không tính lãi đối với phần dư nợ bị thiệt hại.

Thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm đối với các mô hình chăn nuôi truyền thống và tối đa 3 năm đối với các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hoặc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Phần lãi không thu được thì các ngân hàng thương mại sẽ được ngân sách địa phương và Trung ương cấp bù.

Từ tháng 02/2019, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh đang có dịch nắm sát tình hình cho vay đối với ngành chăn nuôi heo trên địa bàn và dư nợ bị thiệt hại để kịp thời thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp xử lý nợ vay.  

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại tại các tỉnh/thành phố đang có dịch số tiền 357 tỷ đồng (thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng; cho vay mới: 275 tỷ đồng).

Không chỉ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại, trước hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt tại các tỉnh Tây Nguyên, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã chủ động làm với UBND tỉnh Gia Lai (tỉnh có thiệt hại lớn nhất) để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu.

Ngoài hỗ trợ trên 6.450 khách hàng vay với số tiền gần 1.900 tỷ đồng thông qua các biện pháp cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng. Ngân hàng Nhà nước còn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét công bố thiên tai trên diện rộng, đồng thời tổng hợp thiệt hại về vốn vay của người dân, gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định khoanh nợ cho các hộ dân theo đúng trình tự quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI