Việc nghe lén của NSA “tổn hại” đến chính sách đối ngoại của Mỹ

27/10/2013 - 07:51

PNO - PNO - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến châu Âu để đàm phán về vấn đề hòa bình Trung Đông, Syria và Iran, trong bối cảnh Washington đang phải hứng chịu sự phẫn nộ của các nước, trong đó có nhiều đồng minh quan trọng, liên quan...

edf40wrjww2tblPage:Content

Viec nghe len cua NSA “ton hai” den chinh sach doi ngoai cua My

Người biểu tình tập trung gần tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington hôm 26/10 đòi điều tra các chương trình “giám sát” của NSA - Ảnh: AP

Tổng thống Barack Obama đã biện minh cho mạng lưới giám sát của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo của Nga, Mexico, Brazil, Pháp và Đức, nhưng sự giận dữ quốc tế về những tiết lộ mới cho thấy vụ scandal này không có dấu hiệu chấm dứt nhanh chóng.

Về lâu dài, những tiết lộ của cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden về chiến thuật hoạt động của NSA, được cho là bao gồm việc nghe lén điện thoại di động của 35 nhà lãnh đạo thế giới, có nguy cơ làm tổn hại đến chính sách đối ngoại của Mỹ tại một loạt các khu vực.

Phương pháp thu thập dữ liệu của NSA đang khiến cho các đồng minh của Mỹ rất bất bình. "Mức độ nghe lén khiến chúng ta bị sốc", cựu Ngoại trưởng Pháp Bernard nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. "Thành thật mà nói, chúng ta cũng nghe trộm. Ai cũng đều lắng nghe những người khác. Nhưng chúng ta không có những biện pháp như Mỹ, và điều này khiến chúng ta phải ghen tị”, ông Kouchner nói.

Vậy nơi nào trên thế giới không bị NSA nghe trộm? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra, vì việc nghe lén các nước đồng minh đã đi quá xa sự cần thiết.

Quan hệ ngoại giao được xây dựng trên niềm tin. Nếu sự tín nhiệm của Mỹ bị đặt câu hỏi, việc này sẽ khiến Washington khó khăn hơn trong việc duy trì các liên minh, làm ảnh hưởng đến dư luận thế giới và thậm chí các giao dịch thương mại.

Việc đồng minh theo dõi lẫn nhau không phải là chuyện gì mới. Bà Madeleine Albright, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới chính quyền Clinton, nhắc lại một trường hợp tại Liên Hiệp Quốc khi một đại sứ của Pháp hỏi bà, tại sao bà đã nói điều gì đó trong một câu chuyện riêng tư dường như bị người Pháp nghe lén.

Viec nghe len cua NSA “ton hai” den chinh sach doi ngoai cua My

Cựu nhân viên NSA Edward Snowden nhận giải thưởng Sam Adams ở Moscow (Nga) ngày 11/10/2013 - Ảnh: AP

Bà Albright nói tiết lộ của Snowden đã làm tổn thương các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Tuần trước, chính phủ Pháp đã phản đối tiết lộ NSA thu thập 70,3 triệu cuộc gọi điện thoại và email tại Pháp trong khoảng thời gian 30 ngày.

"Nếu chúng ta bước vào đàm phán mà có cảm giác đối tác biết trước mọi điều chúng ta muốn để có biện pháp đối phó, thì làm thế nào chúng ta có thể tin nhau nữa?”, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đặt câu hỏi.

Đối với hai nhà phân tích Henry Farrell và Martha Finnemore tại Đại học George Washington (Mỹ), thiệt hại từ những tiết lộ về NSA có thể "làm suy yếu khả năng hành động của Washington".

Những tiết lộ vừa qua “có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố” của Washington, bà Kiron Skinner, giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế và Chính trị tại Đại học Carnegie Mellon cho biết. Việc giám sát quá rộng của NSA đi ngược lại các tuyên bố của chính quyền Obama rằng Washington thực hiện biện pháp thu thập thông tin tình báo này nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh phương Tây trước nguy cơ khủng bố, bà nói.

"Nếu Washington tự làm suy yếu vai trò lãnh đạo của mình hoặc của các đồng minh, khả năng tập thể của phương Tây trong việc chống chủ nghĩa khủng bố sẽ bị tổn hại", bà Skinner cho biết. Bà khẳng định: "Các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không có động lực đưa quân đội của mình vào chỗ nguy hiểm, nếu họ không thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ".

VIỆT HƯNG (Theo AP, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI