Quả ngọt từ sự kế thừa

10/10/2016 - 06:54

PNO - Từ thập niên 1950, nhà vật lý người Mỹ từng đoạt giải Nobel Richard Phillips Feynman đã đặt câu hỏi: “Những cỗ máy chúng ta có thể phát minh ra nhỏ đến mức nào?”.

Đến năm 1984, loài người chứng kiến sự ra đời của ngành công nghệ nano. Hiện tại, chúng ta đã có câu trả lời đầy tự hào cho câu hỏi đó: một cỗ máy phân tử - thành tựu của ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2016. Đây là cỗ máy nhỏ nhất thế giới, kích thước bằng 1/1.000 sợi tóc.

Thiết bị này như một robot siêu nhỏ có thể tiêm vào mạch máu bệnh nhân để tìm kiếm tế bào ung thư, hoặc chuyển một loại thuốc nào đó đến nơi cần điều trị trong cơ thể. Sáng tạo ra cỗ máy này là ba nhà khoa học: Jean-Pierre Sauvage (Pháp), J. Fraser Stoddart (mang hai quốc tịch Anh-Mỹ) và Bernard L. Feringa (Hà Lan).

Cỗ máy phân tử chỉ đang được phát triển ở giai đoạn đầu và các nhà khoa học không ngừng bất ngờ trước những khả năng của nó. Ngoài hai công dụng trên, cỗ máy còn “biến tấu” ra thiết bị máy vi tính phân tử có thể đặt trong cơ thể người, có công dụng phát hiện bệnh trước khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào.

Qua ngot tu su ke thua
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2016 - Ảnh: Daily Mail

Trong buổi lễ công bố giải thưởng, Ủy ban Nobel đã đánh giá cao tính ứng dụng lâu dài của công trình này: “Phát minh hôm nay là tiền đề trong lĩnh vực y tế, năng lượng và công nghiệp mà những thế hệ tiếp nối sẽ tạo ra nhiều công cụ hữu ích phục vụ nhân loại”.

Khoa học là sự phát triển liên tục, xuyên suốt mà từng mắt xích đều không thể thiếu. Một khi những mắt xích ấy gắn kết chặt chẽ, có sự kết nối lâu dài thì thành công là của cả tập thể không ngừng đóng góp trí tuệ và sức lực. Chuỗi sáng tạo cỗ máy phân tử - robot siêu nhỏ không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage đã đặt nền móng cho “quả ngọt” của bộ ba bằng thành công trong việc kết nối hai phân tử hình vòng, tạo thành một chuỗi catenane vào năm 1983. Jean-Pierre lại làm tiếp việc chưa ai có thể làm là liên kết các phân tử với nhau bằng liên kết vật lý thay vì liên kết hóa học quen thuộc. Đây là tiền đề để nhà khoa học Fraser Stoddart nâng lên một tầm cao mới vào năm 1991.

Fraser Stoddart luồn một vòng phân tử trên một trục sợi phân tử, sau đó chứng minh phân tử hình vòng có thể di chuyển theo trục dọc. Nhờ đó, Bernard Feringa phát triển một động cơ phân tử vào năm 1999, nhưng tốc độ quay của động cơ đầu tiên không đạt mức mong muốn. 15 năm sau, cả ba đã thành công với chiếc động cơ có thể quay đến 12 triệu vòng/giây. Hoàn thiện “đứa con chung”, ba nhà khoa học này đã được tôn vinh là bậc thầy kiểm soát chuyển động ở cấp phân tử.

Nhận tin vui, nhà khoa học Fraser Stoddart đã dành tặng hai cộng sự cùng chia sẻ giải Nobel lòng tri ân sâu sắc. Lời ông nói như chạm đến trái tim của mọi người: “Đây không chỉ là gia đình khoa học mà như một gia đình cùng huyết thống. Chúng tôi rất thân thuộc và gần gũi nhau”.

Alison Stoddart, con gái của Fraser Stoddart cũng là một nhà hóa học, đã “hạnh phúc ngất ngây” khi cô biết tin bố mình cùng cộng sự được vinh danh. Alison cho biết, Jean-Pierre Sauvage là người bạn thân thiết của gia đình cô. Tình yêu khoa học của cô không chỉ thừa hưởng từ bố mà còn nhờ sự tiếp lửa từ gia đình khoa học ngày đêm hợp lực, tận hiến của bố cô và các cộng sự. Họ tôn trọng thành quả lao động của nhau, lắng nghe sự khác biệt, dung hòa cái tôi và lý tưởng chung. Họ cùng chung đam mê và giờ là cùng nhau bước lên đỉnh vinh quang.

Anh Thông (Theo AP, Daily Mail, TIME)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI