Nga muốn hợp tác vũ trụ với Mỹ: Thoái thác ngôi đầu?

13/04/2016 - 08:40

PNO - "Về công nghiệp vũ trụ thì Nga vẫn ở vị thế hàng đầu. Nhưng hiện tại ngành công nghiệp vũ trụ cũng nảy sinh một số vấn đề phức tạp"

Bất chấp những khó khăn và va chạm trên trái đất, câu chuyện về vũ trụ vẫn là lĩnh vực Nga và Mỹ có thể tìm thấy tiếng nói chung, theo AP, ngày 12.4, dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga muon hop tac vu tru voi My: Thoai thac ngoi dau?
Trạm không gian quốc tế ISS

Ông Putin đã nói chuyện qua video với các phi hành gia Nga và Mỹ trên Trạm không gian Quốc tế (ISS) ngày 12.4, cũng là ngày Nga kỷ niệm Ngày hàng không vũ trụ thế giới, 55 năm ngày con người bay vào vũ trụ.

Tổng thống Putin cho rằng: “Điều cần chú trọng là bất chấp những khó khăn chúng ta phải đối diện ở trái đất, con người trong không gian cũng phải gắn kết vai kề vai, tay trong tay, giúp đỡ lẫn nhau và hoàn thành nhiệm vụ rất cần thiết không chỉ cho đất nước chúng ta, mà cho cả loài người”.

Ngày 12.4.1961 là thời điểm nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, trên con tàu Phương Đông. Tới năm 2011, khi tròn 50 năm ông Gagarin bay vào không gian, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đồng thuận sáng kiến của Nga và chọn ngày 12.4 làm kỷ niệm Ngày hàng không vũ trụ thế giới.

Theo Sputnik, Tổng thống Nga nói thêm rằng vũ trụ “là một lĩnh vực rất quan trọng trong sự hợp tác của chúng tôi với Mỹ, cũng như với các nước khác”.

Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga và Mỹ đang tồn tại nhiều bất đồng về chính trị. Mối quan hệ giữa hai cường quốc và cũng là hai nước có ngành kỹ thuật không gian tiên tiến bậc nhất thế giới này được cho đang ở mức tệ nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, việc người lãnh đạo Nga đánh tiếng hợp tác với Mỹ khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ.

Tuy nhiên, lý do cho động thái này được tiết lộ trong bài phỏng vấn trên tờ Svobodnaia Pressa (SP- Nga) mới đây. Theo đó, Anh hùng Nga, phi công vũ trụ Andrey Borisenko nói: "Về công nghiệp vũ trụ thì Nga vẫn ở vị thế hàng đầu. Nhưng hiện tại ngành công nghiệp vũ trụ cũng nảy sinh một số vấn đề phức tạp. Sở dĩ như vậy là vì những khó khăn kinh tế.

Nhưng không phải chỉ mình Nga phải đối mặt mà cả toàn thế giới. Lấy ví dụ, các đối tác của Nga ở Mỹ cũng gặp những vấn đề tương tự. Công nghiệp chế tạo động cơ của Nga hiện đang ở trình độ cao nhất. Người Mỹ vẫn phải mua động cơ của Nga, bất chấp các biện pháp cấm vận vì Ukraine."

Ông Andrey Borisenko cho rằng, việc Nga không còn hợp tác với Ukraine là một tổn thất lớn. Để có thể thay thế vai trò của Ukraine, Nga cần phải có một khối lượng sản phẩm chuyên dụng rất lớn. Và Mỹ có thể đáp ứng được những điều kiện này. Như vậy, bản thân Nga cũng phải thừa nhận rằng Mỹ cũng có những thành tựu vượt trội so với Nga

Về phần mình, Mỹ cũng không thể thiếu Nga trong công cuộc chinh phục vũ trụ. Trước đó, Robert Work, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 8/4 xác nhận việc Lầu Năm Góc sẽ cần tới 18 động cơ RD-180 nữa của Nga dùng cho các tên lửa mang vệ tinh quân sự lên vũ trụ trong vòng 6 năm tới.

Ông Robert Work nói: "Chúng tôi không thấy có cách nào có động cơ mới trong ít nhất là 6 năm nữa... Do đó, trong giai đoạn quá độ, chúng tôi tin chắc rằng chúng ta cần các động cơ RD-180."

Xét trong điều kiện hiện tại, cái bắt tay Nga - Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ có lẽ không phải là một điều quá xa vời.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI