Mỹ “nhắc khéo” Nhật chuyện bình đẳng giới

26/07/2013 - 17:55

PNO - PN - Dù những lời đồn về việc tiến cử bà Caroline Kennedy (ảnh) đã râm ran từ vài tháng qua, nhưng quyết định hôm 24/7 của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc bổ nhiệm bà Caroline Kennedy làm nữ Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Nhật...

Trong số các nước phát triển, Nhật luôn bị điều tiếng về vấn đề bình đẳng giới. Theo một số bảng xếp hạng, Nhật chỉ ở mức cùng với El Salvador hay Azerbaijan về vấn đề này. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phụ nữ Nhật chỉ chiếm 12% trong số các vị trí quản lý, trong cuộc bầu cử Hạ viện 480 ghế, chỉ có 38 ứng cử viên giành thắng lợi, tại các cuộc họp nội các chỉ có ba nữ trong số 44 thành viên.

Một cuộc điều tra của chính phủ Nhật hồi tháng 12/2012 cho thấy, 51% những người được hỏi ý kiến cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà làm mẹ. So với năm 2009, tỷ lệ này đã tăng 10%, đáng ngạc nhiên là phần tăng thêm này lại chủ yếu rơi vào nhóm phụ nữ trẻ tuổi 20.

Không phải Nhật Bản không có những phụ nữ tài năng. Bà Makiko Tanaka, con gái cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka từng là nữ ngoại trưởng đầu tiên của Nhật (2001-2002). Bà Makiko từng chấp nhận rời chức vụ chứ không chịu rút lại những lời chỉ trích dành cho Thủ tướng Junichiro Koizumi. Năm ngoái, bà Makiko Tanaka lại gây sốc một lần nữa ở cương vị Bộ trưởng Giáo dục, khi từ chối đơn xin thành lập của ba đại học mới. Nhưng, những người như Makiko Tanaka không nhiều.

My “nhac kheo” Nhat chuyen binh dang gioi

Trong chính sách chuyển hướng sang châu Á của Mỹ hiện nay, Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á nên Tổng thống Barack Obama phải lựa chọn một đại sứ Mỹ vừa là người thân tín, vừa có ảnh hưởng với công chúng Nhật. Bà Caroline Kennedy là một trong số 20 nhân vật tiếng tăm nhất của đảng Dân chủ ủng hộ ông Obama, hơn nữa, với danh tiếng của dòng họ, bà có một sức mạnh không thể phủ nhận đối với trọng trách này.

Ở Nhật Bản vào những năm 1960, cha mẹ bà Caroline - cặp đôi Jacqueline và John Kennedy - được coi là hình ảnh đại diện cho nước Mỹ. Một nhà quan sát còn lưu ý, Caroline và chồng là Edwin A. Schlosseberg đã chọn Tokyo và Osaka, Hawaii chứ không phải châu Âu cho kỳ nghỉ trăng mật của họ năm 1986.

Tuy không phải là chính trị gia, nhưng Caroline Kennedy từng tốt nghiệp Đại học Harvard và sau đó là Trường luật Colombia, bà từng viết sách, làm biên tập viên và hoạt động từ thiện.

Ai cũng hiểu, nếu được phê chuẩn, bà Caroline sẽ phải tự khẳng định mình bằng hành động chứ không phải bằng giới tính hay nguồn gốc xuất thân, nhưng đây sẽ là cơ hội để bà chứng minh giá trị bản thân. Cũng có thể, đây là mở đầu cho sự quay lại của dòng họ nổi tiếng này trên chính trường.

 Thảo Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI