Sống lại một thời “tử tế”

02/07/2013 - 18:45

PNO - PN - Hai chữ “tử tế” đã được nhắc đến nhiều, khi Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ khởi động. Tử tế về ý thức và sự cầu thị của người dựng. Tử tế về kịch bản, về thông điệp muốn gửi đến người xem. Tử...

Tử tế cũng là cách nói của Lưu Quang Vũ, như những mẩu chuyện người ta kể về cố tác giả này. Cuộc sống đầu thập niên 1980 đầy những khó khăn và nghịch cảnh. Bạn bè rủ vượt biên, Vũ im lặng, rồi lắc đầu: “Hãy ở lại đi. Hãy cố viết để chứng minh: chúng ta là những người tử tế trong số những người tử tế”

Song lai mot thoi “tu te”

Một cảnh trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt năm 1989 của Nhà hát kịch VN

Tử tế... nhọc nhằn

Người trong nghề nhận xét: trong cuộc đời lắm rủi ro của mình, Lưu Quang Vũ chỉ gặp may một lần duy nhất. Ông bước vào nghề tác giả sân khấu và đạt tới đỉnh cao trong thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa, nghệ thuật cũng như người xem đều có nhu cầu nhìn lại, bàn lại về những hạn chế và trì trệ của cơ chế bao cấp, của cách tư duy khô cứng từng phủ bóng lên cuộc sống suốt một thời gian dài.

Ông không phải là bố tôi, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Mùa hạ cuối cùng... - khá nhiều vở diễn sẽ xuất hiện tại Liên hoan đều từng có một thời gian dài lận đận khi đưa lên sàn. Đơn cử, ở thời điểm Ông không phải là bố tôi ra đời, chỉ duy nhất Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh “dám” mang kịch bản này về tập nội bộ cho sinh viên. Câu chuyện khá đơn giản: một người cha không dám nhận vợ con vì những khắc nghiệt của miền Bắc sau 1954. Một người con nhận cha rồi lại không nhận - khi phát hiện bố mình cũng chỉ là “phế phẩm” suốt một thời. Một ông cán bộ tuyên huấn, chuyên rao giảng những điều vá trời lấp bể - để rồi cuối cùng ngộ ra ngồi vót tăm tre là việc hữu ích nhất mà mình làm được cho cuộc đời. Vậy nhưng, khi làn sóng đổi mới dâng cao, vở diễn chỉ có thể đến với khán giả qua con đường... sân khấu truyền hình. (Thậm chí, mãi tới năm 2003, một đơn vị sân khấu trong Nam được yêu cầu “tạm dừng” khi đang dựng kịch bản này).

Mùa hạ cuối cùng lại là một câu chuyện khác. Dưới chủ đề về những tiêu cực trong giáo dục, Lưu Quang Vũ nhắc tới một thông điệp sâu hơn: sự khủng hoảng, mất lòng tin của thế hệ trẻ khi nhìn vào cách sống của một thế hệ đi trước. NSND Phạm Thị Thành, người dàn dựng kịch bản này năm 1984, kể: người vào vai cậu học sinh Hữu Châu là NS Đức Hải. “Trong vở diễn, có cảnh Châu đang ngồi xem truyền hình bỗng đứng phắt dậy, giơ tay hướng về khán giả: Dừng lại! Giả dối! Tất cả đều là giả dối! Dưới khán phòng, người xem lặng đi, quên cả vỗ tay”.

Và sự tử tế sau... 25 năm

“Tôi vẫn nhớ về đợt mang Lời thề thứ 9 đi xuyên Việt vào năm 1988. Đó là thời điểm gia đình anh Vũ vừa mất.” NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, kể. “Mỗi đêm diễn, bàn thờ được đặt giữa sân khấu. Diễn viên, đạo diễn rồi người xem lần lượt nối nhau lên thắp hương, rồi đêm diễn mới bắt đầu. Cứ nhắc đến Lưu Quang Vũ, gần như mỗi khán giả khi đó đều nghĩ về sự tử tế và nhân ái của anh, về một tác giả luôn đứng ra bênh vực, bảo vệ những người phải chịu thiệt thòi bởi những bất công trong xã hội”.

Cuối năm 2012, Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại Lời thề thứ 9 và có gần 40 đêm diễn. Như lời anh, trong chuyến lưu diễn xuyên Việt sau đó, anh và các đồng nghiệp cũ đã sống lại phần nào không khí của... ngày xưa. “Khán giả xem, vỗ tay từng đợt, khóc, cười. Rồi một đêm, Thủ tướng bất ngờ tới dự. Thủ tướng nói đơn giản: đi công tác về, qua cầu Thăng Long, thấy băng rôn về vở diễn của Lưu Quang Vũ treo ngang đường. Kịch Lưu Quang Vũ thì phải đi xem, vậy thôi”

Chí Trung chia sẻ một lý do về việc dựng lại kịch bản của Lưu Quang Vũ: để diễn viên rèn nghề và nâng cao ý thức cho mình. “Khi dựng Đời cười, chúng tôi nhận ra mình kiếm tiền khá nhanh, nhưng cũng đánh mất dần diễn viên. Bởi, với hài kịch, chỉ hai ba câu từ miệng diễn viên, hiệu quả gây cười đã đến với khán giả. Từ đó, thói quen diễn những kịch bản lớn, có chiều sâu về nội tâm cũng mất dần...”

Liên hoan sân khấu các vở diễn của Lưu Quang Vũ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám. Dù đến 30/6, danh sách các vở diễn mới được chốt lại, nhưng sự náo nức của người trong nghề và cả những khán giả lớn tuổi đã bắt đầu ngay từ bây giờ.

Chiêu Minh

Một số vở diễn đã đăng ký tham dự Liên hoan cho tới thời điểm này: Hồn Trương Ba - da hàng thịt (NH Kịch VN), Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Mùa hạ cuối cùng (NH Tuổi Trẻ), Trái tim trong trắng (NH cải lương Trần Hữu Trang), Nàng Sita (NH chèo Hà Nội), Ông vua hóa hổ (NH chèo Hải Phòng)...
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa