Nội lực mạnh mẽ của điện ảnh Hàn

18/01/2014 - 19:30

PNO - PNO - Bộ phim Hàn Quốc mới nhất vừa ra rạp Việt - 11 A.M. - chưa hẳn là xuất sắc, song người Hàn đã ngày càng chứng tỏ họ có thể làm tốt những đề tài tưởng như chỉ Hollywood mới độc quyền.

edf40wrjww2tblPage:Content

11 A.M. là phim điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc về đề tài du hành thời gian. Các yếu tố khoa học, tình cảm, hành động kết hợp khá nhuần nhuyễn trong một mạch phim chặt chẽ, lôi cuốn, đúng chất giả tưởng và pha thêm rùng rợn. Đạo diễn không chập chững chạm vào một chủ đề xa lạ, mà rất tự tin và chắc tay kiểm soát tác phẩm. Khuyết điểm lớn nhất là bộ phim không xây dựng được một nhân vật được yêu mến hay đồng cảm đến mức người xem phải lo sợ cho sự sống chết của anh ta trong tình cảnh thập tử nhất sinh...

Nhưng 11 A.M. khi công chiếu ở thị trường nội địa đã đánh bại The hunger games 2: Catching fire để dẫn đầu doanh thu phòng vé. Cũng như trong danh sách 10 phim ăn khách nhất xứ kim chi năm qua, phim nội chiếm 8 phim. 210 triệu lượt khán giả đã đến rạp, tổng doanh thu phim nội chỉ tính riêng thị trường trong nước là 894,5 tỷ won. Trung bình mỗi người Hàn Quốc năm 2013 đến rạp chiếu phim 4,1 lần, chỉ thua mỗi người Mỹ (4,3 lần). Những con số mà nhiều nền điện ảnh khác chỉ có thể nhìn vào mà thèm thuồng, trong đó có Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc, sau khi làn sóng truyền hình đã càn quét các nước châu Á, không tỏ ra lệch lạc - chỉ tuyền phim giải trí như nhiều người ác cảm với các bộ phim truyền hình đẫm nước mắt thường quy kết - mà đồng bộ, dựa trên nền tảng được xây dựng từ thuở đầu tư cho nhiều thế hệ xuất ngoại du học những năm 1990...

Noi luc manh me cua dien anh Han

Để rồi họ có Old boy được Cannes vinh danh, có những bộ phim táo bạo của của Kim Ki Duk; ở dòng giải trí, họ có phim kinh dị và cổ trang đã trở thành thương hiệu riêng, có phim thành công doanh thu mà nội dung vẫn được đánh giá cao như Miracle in Cell No. 7 (Phòng giam hạnh phúc - ảnh) - dẫn đầu lợi nhuận phòng vé năm rồi... Và với Snowpiercer mang tầm vóc Hollywood trong phục trang, bối cảnh, sự xuất hiện cùng đẳng cấp của diễn viên nội với các diễn viên Hollywood..., "chuyến tàu băng giá" đã thật sự chở điện ảnh Hàn tiến một bước mới lên đẳng cấp một ngành công nghiệp phát triển toàn diện.

Dù "đạo diễn quái dị" Kim Ki Duk có chỉ trích rằng dân nước mình không thực sự yêu điện ảnh, vì phim của ông chỉ được trao giải và tán thưởng ở nước ngoài, trong khi chiếu trong nước một số cảnh gây sốc đã bị cắt. Nhưng nếu ở một quốc gia khác, liệu đạo diễn Kim có được tự do sáng tạo và tìm được cảm hứng dồi dào đến thế?

Sau khi chính phủ Hàn Quốc dỡ bỏ một phần chính sách bảo hộ điện ảnh năm 2006, để phim ngoại được nhập rộng rãi hơn, nhiều nghệ sĩ Hàn đã xuống đường biểu tình để phản đối. Đáp lại, Tổng thống khi ấy Roh Moo Hyun phát biểu: “Trước đây, chúng ta thực hiện chính sách bảo hộ vì lúc ấy điện ảnh Hàn Quốc còn rất yếu, giống như một đứa bé đang chập chững tập đi cần người vịn. Thế nhưng đứa bé ấy bây giờ đã trưởng thành, nó cần phải bước đi độc lập chứ không thể vịn mãi như thế. Dĩ nhiên, chúng ta biết đứa bé chưa thật sự khỏe mạnh nên chính phủ cũng đã đề ra nhiều kế hoạch hỗ trợ tích cực khác”.

Cố Tổng thống Roh Moo Hyun đã đúng. Hiện nay, "đứa bé" ngày nào có vẻ như không chỉ đi vững mà còn bắt đầu trưởng thành và chạy.

ÁI NGUYÊN
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI