Nhật bắt tay Nga - Mỹ để đối phó với Trung Quốc

01/05/2013 - 13:02

PNO - PN - Ngày 30/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc chuyến thăm Nga với thỏa thuận với Tổng thống Vladimir Putin là hai nước sẽ nối lại cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Nhật và Nga cũng nhất trí thành lập một mô...

Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, việc hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình, dù thế chiến II đã kết thúc 68 năm là một điều “bất thường”. Nhận thấy quá trình đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa hai nước “thực tế đã dừng lại”, Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật đã yêu cầu bộ ngoại giao hai nước vượt qua “những khác biệt hiện có” liên quan đến các hòn đảo tranh chấp thông qua đối thoại. Ông Abe cũng xác nhận: “Chúng tôi thống nhất sẽ nối lại các cuộc đàm phán đó và sẽ đẩy nhanh quá trình này”. Tổng thống Nga nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ giải quyết được mọi vấn đề ngay ngày mai sau khi nó đã tồn tại suốt 68 năm”.

Giới quan sát phương Tây cho rằng, Nhật muốn tăng cường hợp tác với Nga vì lo ngại trước sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Nối lại đàm phán về tranh chấp lãnh thổ với Nga, Nhật có thể yên tâm về người láng giềng phía Bắc. Ngược lại, Nga muốn tăng cường hợp tác với Nhật vì không muốn chính sách châu Á của mình bị mối quan hệ với Bắc Kinh chi phối.

Nhat bat tay Nga - My de doi pho voi Trung Quoc

Trước đó, ngày 29/4, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington “phản đối bất cứ hành động đơn phương hay cưỡng bức nào nhằm tìm cách làm suy yếu quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản” đối với quần đảo Senkaku. Ông Hagel nói thẳng, vì Mỹ công nhận Senkaku thuộc quyền của Nhật Bản nên nó nằm trong các nghĩa vụ của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Bộ trưởng Hagel cũng nhấn mạnh, phải giải quyết cuộc tranh chấp, mà theo ông là thách thức chủ chốt đối với an ninh khu vực này, một cách hòa bình thông qua sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Trong khi đó, Hãng Kyodo của Nhật đưa tin, vào tháng 6/2013 một tàu khu trục có sân đỗ trực thăng, một tàu hộ tống, một tàu khu trục Aegis được trang bị đầy đủ cùng với 1.000 lính của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chịu trách nhiệm bảo vệ các hòn đảo biên giới sẽ đến vùng biển ngoài khơi California (Mỹ) để tham gia tập trận. Cuộc diễn tập mô phỏng cuộc đổ bộ lên một hòn đảo bị chiếm đóng trong sự phối hợp chặt chẽ với các tàu hải quân Mỹ và các lực lượng hải quân Mỹ. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã từng tham gia một cuộc diễn tập tương tự với quân đội Mỹ ở California vào tháng 2/2013.

 Thu Anh
(Reuters, Kyodo, RIA Novosti)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI