Nhận biết thịt bơm nước

07/09/2013 - 11:00

PNO - PN - Liên tiếp những vụ bơm nước vào gà, vịt, heo, bò... bị các cơ quan chức năng phát hiện nhưng nguồn thịt này vẫn lách được sự kiểm soát để bán ra thị trường.

Nhan biet thit bom nuoc

 Sau gà vịt, đến lượt thịt bò cũng bị bơm nước (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trước đây, việc bơm nước vào thịt chỉ phổ biến ở gà, vịt, gần đây, thịt heo và bò cũng bị bơm nước. Chiêu thức quen thuộc của các lò mổ là cố định phần mõm gia súc trước khi giết, sau đó dùng vòi bơm nước vào dạ dày heo, bò. Nước sẽ đi khắp cơ thể vật nuôi, khiến trọng lượng của chúng tăng đáng kể, với heo là từ 4-7kg/con, bò có thể tăng từ 10 -15kg. Nếu tiêu thụ trót lọt, mỗi con bò bơm nước người bán thu lời bất chính hai - ba triệu đồng.

Ông Hồ Mộng Hải, chuyên viên Cục Chăn nuôi phía Nam, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho biết, đến nay vẫn chưa có quy chế xử phạt hình thức gian lận thương mại này, cũng chưa có bất cứ một khung hình phạt nào để xử lý vi phạm. Mua phải thịt gia súc, gia cầm bị bơm nước, người tiêu dùng không những bị móc túi, mà trong thịt bị bơm nước cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều điểm giết mổ dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, khi bơm vào vật nuôi khiến thịt có thể nhiễm các loại vi sinh, khuẩn ecoli, các loại kim loại nặng…

Ông Hải cũng xác nhận, các loại thịt này càng để lâu, nguy cơ mất an toàn càng lớn, vì nước trong thịt là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật sinh sôi nảy nở. Điều đáng nói, người tiêu dùng sẽ rất khó phát hiện vì trong cơ thể vật nuôi cũng có một tỷ lệ nước nhất định, lượng nước được “bơm” vào lại ngấm sâu trong các mô mềm nên rất khó nhận biết. Với thịt gia cầm, có thể phân biệt bằng cảm quan: người mua quan sát phần đùi, lườn, nếu thấy căng mọng bất thường thì nên nghi ngờ, hoặc có thể dùng móng tay bấm vào phần dưới cánh một lực đủ làm thủng da và lớp màng dưới da, nếu thấy có nước rỉ ra thì đó là thịt bị bơm nước.

Đối với thịt heo, bò, việc nhận biết khó hơn, ngay cả khi thịt đã thái nhỏ. Nếu là thịt bơm nước, phải sau 10 - 15 phút, nước mới chảy ra, đọng dưới đáy túi chứa. Bề mặt thịt bơm nước thường ướt nên người bán luôn thủ sẵn khăn để lau, trong khi thịt không bơm nước để ở nhiệt độ thường bề mặt sẽ khô ráo, khi thái, thịt thường dính vào dao... “Thịt bơm nước thường được tiêu thụ ở các khu dân cư bình dân, nơi có nhiều công nhân, học sinh - sinh viên... Muốn tránh mua phải loại sản phẩm này, tốt nhất hãy chọn các nhà cung cấp có uy tín, sản phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng...”, ông Hồ Mộng Hải khuyến cáo.

 Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI