Làm cha mẹ "tập hai"

24/03/2016 - 07:40

PNO - Bước vào tuổi 50, bà Lillian Meyers cùng chồng bỗng một lần nữa trở thành “cha mẹ toàn thời gian” của hai cháu gái, một đứa sáu tuổi và một chín tuổi.

Con dâu của bà đã đuổi hai con ra khỏi nhà, bỏ chúng cho một người lạ. Cha của hai đứa bé nghiện ma túy đã bỏ nhà đi biệt tích. Người phụ nữ tốt bụng giữ hai bé gái báo với cảnh sát, chúng được đưa về ở với ông bà nội.

Theo AARP, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tư vấn cho các gia đình và người cao niên, tại Mỹ có hơn 5,8 triệu trẻ em do hoàn cảnh riêng phải sống với ông bà. Tại Anh, khoảng 200.000 ông bà và người thân trong gia đình đang nuôi những đứa trẻ vì lý do nào đó không thể sống với cha mẹ đẻ. “Những lý do phổ biến của tình trạng này là cha mẹ lạm dụng ma túy hoặc nghiện rượu, ngược đãi và bỏ bê con cái, bạo hành gia đình, mắc bệnh nặng, khuyết tật hoặc không may sớm qua đời. Đây là thách thức rất lớn đối với các “cha mẹ bất đắc dĩ”, Sarah Wellard, Giám đốc chính sách và nghiên cứu của Grandparents Plus, một tổ chức từ thiện của Anh cho biết.

Lam cha me
Ảnh mang tính minh họa

Nếu không may lâm vào hoàn cảnh này các ông bà sẽ làm gì? Đầu tiên cần kiên nhẫn, hiểu biết và dũng cảm để một lần nữa thay con làm cha mẹ, nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu. Bà Meyers, năm nay 68 tuổi, vốn là chuyên gia lập kế hoạch của Công ty tư vấn tài chính Meyers (Mỹ), kể lại rằng đã nhận cú điện thoại từ cảnh sát: “Hai cháu gái bị bỏ rơi và chúng muốn gọi cho ông bà nội”. Ngày hôm sau, bà trao đổi với luật sư về quyền giám hộ tạm thời hai đứa cháu và đón chúng về nhà mình.

Bà Meyers và chồng đã nuôi hai cô bé đến tuổi trưởng thành - hành trình không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi những đứa trẻ đã bị tổn thương.

Ông bà yêu cầu hỗ trợ pháp lý, để nhận được quyền lợi cho mình và cho các cháu từ chính sách. Trở thành phụ huynh toàn thời gian đối với các cháu của mình không phải là điều ai cũng có thể tự xoay xở. Vì vậy, họ đã tìm kiếm sự trợ giúp. Bà khuyên ngườ i gặp cảnh ngộ như bà hãy tìm luật sư chuyên về Luật Gia đình, cố vấn tài chính giúp thu xếp lại kế hoạch nghỉ hưu, cơ quan lo về phúc lợi trẻ em, cù ng những nơi tư vấn về quyền lợi mà ông bà có thể được hưởng khi nuôi cháu.

Theo bà Betty Cornelius, nhà sáng lập tổ chức quốc gia Ông bà nuôi cháu ở Ontario, Canada, có những việc cần làm ngay không thể trì hoãn, như nộp đơn xin làm giám hộ càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp ông bà tiến hành các việc như xin học cho cháu hay đưa cháu đi khám chữa bệnh.

Nhiều người phải cắt giảm công việc đang làm hay ngưng mọi hoạt động khi trong nhà có thêm thành viên mới vì nhiều thứ đảo lộn, đặc biệt là kế hoạch tài chính. Ông bà hay cháu có thể được hưởng một số trợ giúp tài chính, tùy thuộc vào nơi sinh sống và hoàn cảnh cụ thể của gia đình.

Theo trang grandfamilies.org, trẻ em ở Mỹ nếu hội đủ điều kiện có thể nhận khoản trợ cấp TANF (hỗ trợ tạm thời cho gia đình khó khăn), dù khoản này không lớn. Tại Vương quốc Anh, ông bà “nuôi con” được hưởng “phúc lợi trẻ em”, theo đó, mỗi tuần họ nhận được 30,23 USD cho một đứa trẻ và 20,01 USD cho những đứa trẻ tăng thêm. Các ông bà cũng phải tham vấn các chuyên viên thuế để khai thác đúng những khoản tín dụng, phụ cấp và các khoản khấu trừ cho người phụ thuộc mới trong gia đình.

Trở thành cha mẹ bất đắc dĩ không phải là điều mong đợi của mọi ông bà. Bà Meyers cho biết, bản thân bà cũng cần có chuyên gia để tham vấn: “Không khó để “xử lý” mấy đứa nhỏ và yêu thương chúng, nhưng khi chúng bước vào tuổi thiếu niên, chúng cần sự trợ giúp nhiều hơn và chúng tôi cũng cần được giúp đỡ - trực tiếp cũng như trực tuyến”.

Nhiều ông bà cuối cùng phải bỏ công việc của mình để có thời gian chăm sóc cháu. Còn nếu ai đã về hưu, có thể phải quay trở lại làm việc để kiếm thêm tiền. Bà Meyers khuyến cáo người cùng cảnh ngộ cố gắng không dùng tiền tiết kiệm từ lương hưu để trang trải chi phí cho các cháu, vì về lâu dài đó là phương tiện sống ông bà phải dựa vào sau này. Đồng thời, không quên quan tâm đến sức khỏe bản thân vì “các bố mẹ” nay không còn trẻ nữa.

Một người làm hai vai, lúc này họ không đơn giản là ông bà hay cha mẹ. “Cha mẹ mới” thường tự nhủ mình phải đối xử tốt hơn, không nên quá nghiêm khắc với lũ trẻ, vì nay họ đứng giữa - vừa là ông bà, vừa là cha mẹ. Bà Meyers nói: “Tôi nghĩ rằng hai cô gái có lẽ không có cảm giác chúng tôi là ông bà khi được chúng tôi nuôi nấng, dạy dỗ. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức vì chúng, và đó là những gì các bạn cũng có thể làm”. 

Thanh Vân (Theo BBC, GrandFacts, Advice)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI