Kỵ rơ

07/06/2015 - 16:49

PNO - PN - Người ta thường nói con gái dễ dạy, mẹ và con gái dễ đồng cảm với nhau, nhưng chuyện nhà tôi lại hoàn toàn khác. Hôm qua, khi nấu ăn, tôi góp ý con, cháu bỗng bịt tai, hét lên: “Con biết phải làm sao cho vừa lòng mẹ, mẹ và con khác nhau nhiều lắm!”. Thái độ cáu kỉnh, lạnh lùng của cháu làm tôi suy nghĩ suốt đêm. Tôi biết mình đã thất bại trong vai trò làm mẹ, thứ mà tôi đầu tư lớn nhất, hy sinh tất cả từ khi con mới lọt lòng cho đến giờ tròn 15 tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bất cứ vấn đề gì, từ việc con đổi kiểu tóc, chọn chỗ học thêm, tặng quà cho cô, tổ chức sinh nhật... tôi và con đều bất đồng quan điểm với nhau. Kết cục là “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, để lại ở cả hai sự ấm ức, bực bội, thất vọng. Tôi không lý giải được tại sao tôi toàn nói những điều đúng và tốt cho con, mà cháu không nghe. Ngòi nổ có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khi không có “chiến tranh” cũng nặng nề. Tôi có mối quan hệ khá tốt với họ hàng, đồng nghiệp, ở đâu người ta cũng chào đón tôi với nụ cười thân thiện, còn với con mình thì… Chẳng lẽ tôi và con “kỵ rơ” nhau?

Hồng Thúy (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Ky ro

Chị Hồng Thúy mến,

Cần nói ngay rằng, mẹ với con gái dễ xảy ra xích mích chứ không dễ dạy, dễ đồng cảm như chị nghĩ. Vấn đề của chị là vấn đề nhiều bà mẹ có con gái tuổi dậy thì vướng phải.

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao cháu phản kháng mẹ. Cháu đang trong giai đoạn muốn thể hiện mình, muốn được đối xử và được coi như người lớn. Nhưng ở lứa tuổi mới lớn, cháu chưa đủ độ chín để thể hiện mình một cách đúng đắn nên dễ bắt chước một mẫu người nào đó, dễ a dua theo bạn bè và theo những cái mà chị nghĩ là không tốt. Đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn này.

Cũng có thể cháu phản kháng do cách góp ý, cách sửa lỗi của mẹ. Chúng ta thử xem xét lại: những điều chị muốn con làm có thật sự đúng và có nhất thiết cháu phải làm theo. Phải chăng mẹ khó tính, áp đặt, bắt con không được khác ý mình? Chị có quá cầu toàn không?

Có thể do cách chị góp ý với cháu chưa phù hợp về thời gian, không gian, địa điểm và tâm trạng cháu. Cha mẹ dễ mất bình tĩnh khi nói chuyện với con cái, thấy con cái không nghe hoặc có quan điểm không đồng nhất thường quát nạt hoặc giận dỗi... khiến quan hệ căng thẳng.

Có thể do cha mẹ luôn giữ thái độ khó chịu với con cái, gán cho cháu một cái mác nào đó cháu không thích. Từ đó, mọi góp ý của người lớn thì mang tính định kiến, còn cháu thì phản kháng.

Chị cũng nên tìm hiểu thêm bạn bè của cháu có ứng xử như cháu không. Rồi cách cháu ứng xử với cha, với người lớn khác, với bạn bè có bướng bỉnh, luôn phản kháng như với mẹ? Khi đó chị sẽ hiểu thêm lý do mẹ con “kỵ rơ” là vì nguyên nhân sâu xa nào.

Xin gợi ý chị một vài giải pháp:

- Chỉ góp ý khi thật cần thiết và động viên, khen ngợi trước khi góp ý. Chị nên chia ra những gì mà chị chưa hài lòng về cháu thành hai hoặc nhiều cấp độ: những việc có thể chấp nhận được và những gì chị muốn cấm hẳn (dứt khoát). Phân chia ra như vậy để tránh lúc nào mẹ cũng góp ý, dạy bảo. Nên để cháu lựa chọn cách xử trí phù hợp nhất với cháu.

- Hiểu tâm lý con: Khi con lớn, cha mẹ chỉ cần như một nhà tư vấn, đứng ở ngoài quan sát và khi cháu cần giúp thì tư vấn chứ đừng quá lo lắng hoặc là góp ý liên tục sẽ gây khó, rối và dẫn đến bất đồng.

- Cha mẹ cũng cần học cách quản lý cảm xúc để bình tĩnh, không nóng giận. Khi nóng giận thì không nên nói, đợi khi cả hai bình tĩnh mới nói. Trường hợp con vi phạm điều cấm thì không chỉ nhắc nhở, góp ý mà phải dứt khoát và có hình thức kỷ luật tích cực như đã thống nhất từ trước. Tránh góp ý khi có mặt người thứ ba, nhất là bạn của con. Nếu không trực tiếp với con được thì dùng cầu nối thông qua chồng hoặc bạn của con để góp ý.

Nhà giáo dục Don Bosco từng nói: “Cha mẹ hãy thích những gì trẻ thích, trẻ sẽ thích những gì cha mẹ muốn”.

 Chuyên viên tham vấn

PHẠM THỊ THÚY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI