Khi trẻ mất người thân

14/07/2014 - 20:20

PNO - PN - Mỗi người có một cách riêng để vượt qua cú sốc của sự mất mát. Phải làm gì để giúp trẻ vượt qua đau buồn? Làm thế nào để trẻ sắp xếp lại những nếp sinh hoạt và kế hoạch cho tương lai? Làm sao để sự ra đi của...

Giải thích rõ về tình trạng sức khỏe của người thân

Với những đứa trẻ từ bảy tuổi trở lên, chúng đã có thể hiểu một phần về bệnh tật và cái chết. Vì thế, bạn có thể nói rõ cho trẻ biết về tình trạng sức khỏe của người thân. Liệu có thể hồi phục được không? Vì sao lại không thể tiếp tục điều trị? Gia đình, bệnh viện đã làm gì để giúp đỡ người thân của chúng? Hãy giải thích với trẻ rằng, để qua khỏi tình trạng bệnh tật phải kết hợp nhiều yếu tố, thuốc men, sự chăm sóc, bản thân người bệnh có đủ khả năng để chống chọi với bệnh tật hay không… Nói ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, bằng từ ngữ khoa học chứ không nên né tránh, qua loa.

Nếu bạn nói dối trẻ hoặc che giấu tình trạng sức khỏe người thân, trẻ sẽ luôn sống trong nghi ngờ, tự phỏng đoán. Nhiều đứa trẻ trách móc người thân sao không lo cho mình mà chỉ lo cho người bệnh. Có đứa trẻ nghĩ rằng các bác sĩ, các thành viên khác trong gia đình không tận tụy hết lòng nên người thân của mình mới qua đời. Cũng có trẻ cho rằng vì mình không ngoan, bướng bỉnh nên người thân không muốn ở lại với mình. Chúng sống trong sự dằn vặt và hối tiếc. Hãy trấn an trẻ rằng trẻ không có lỗi trong sự ra đi của người thân. Và người thân cũng không bao giờ muốn bỏ rơi con trẻ.

Khi tre mat nguoi than

Khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc

Hãy chia sẻ cảm giác đau buồn, thương nhớ, hụt hẫng, trống trải, chơi vơi của trẻ. Nếu bạn phủ nhận cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ không dám bày tỏ. Trẻ sợ mọi người chê mình yếu đuối nên sẽ cố nén trong lòng. Trẻ sẽ thấy cô đơn hơn trong sự mất mát. Cần cho trẻ bộc lộ những suy nghĩ về bệnh tật, cái chết và sự mất mát.

Hãy hỏi thăm trẻ bằng những câu hỏi mở để trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến. Luôn khích lệ trẻ chứ không nên tỏ sự thương hại. Những thành viên khác trong gia đình đừng ngại chia sẻ buồn đau của mình với trẻ. Khi trẻ tìm thấy sự đồng cảm, trẻ sẽ yên tâm rằng mình không đơn độc. Cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để trẻ yên tâm và hy vọng có chỗ dựa để vượt qua khó khăn. Nếu bạn quá đau buồn thì trẻ sẽ lo lắng cho sức khỏe của bạn. Trẻ sợ bạn cũng sẽ bỏ trẻ ra đi như người quá cố.

Cần cho trẻ tham gia các nghi thức của tang lễ cùng với gia đình. Giải thích cho con biết rằng những nghi thức đó là tỏ sự tôn trọng người đã mất. Đó cũng là cách mà người đang sống tỏ lòng tiếc thương, đau buồn vì sự mất mát. Trong sự ra đi của một người, những người còn lại sẽ gắn kết nhau hơn. Giúp trẻ xác định được vai trò của mình trong gia đình cũng là tạo cơ hội để trẻ học thêm được những phong tục, tập quán.

Giúp trẻ trở lại cuộc sống bình thường

Mất mát người thân là một biến cố quan trọng trong gia đình. Nhưng cuộc sống vẫn cần được duy trì tiếp diễn. Bạn hãy động viên con tiếp tục những công việc hằng ngày của chúng. Trẻ vẫn đến trường, học hành, tham gia các hoạt động mà chúng yêu thích. Đừng bắt con phải tỏ ra đau buồn bằng cách không được chơi đùa. Trẻ vẫn nên đi xem phim, đến nhà sách tìm những cuốn sách hay và gặp bạn bè. Những sinh hoạt quen thuộc cần được duy trì để trẻ không bị hụt hẫng. Hãy khuyến khích trẻ nói chuyện về những kỷ niệm buồn vui với người đã khuất. Bạn hãy dành thời gian cho trẻ nhiều hơn, cùng làm những cuốn ảnh gia đình và cùng nâng niu những kỷ vật của người đã mất. Việc bạn chia sẻ với con những cảm giác đau buồn của mình cũng là để giúp mình vượt qua mất mát, và con bạn cũng thấy có trách nhiệm hơn khi được bạn tin tưởng chọn làm điểm tựa cho mình.

Những đứa trẻ mới lớn cũng cảm thấy buồn đau, day dứt, nhớ thương người ra đi như người trưởng thành. Cuộc sống của trẻ sẽ có nhiều xáo trộn nên hãy giúp trẻ sắp xếp lại. Trẻ cần được chuẩn bị cho sự thích nghi với những thay đổi. Hãy trao đổi với trẻ về những điều cần làm để tiếp tục cuộc sống mới với sự thiếu vắng một thành viên trong gia đình. Trẻ cần làm những việc của mình và hỗ trợ thêm các thành viên khác. Bạn nhớ đề cao vai trò của trẻ nhưng không nên tạo áp lực. Nếu trẻ không đảm đương được trách nhiệm được giao thì trẻ sẽ thất vọng với bản thân. Nhiều đứa trẻ cảm thấy có lỗi và không xứng đáng với người đã khuất.

Mất mát người thân là một biến cố rất lớn trong cuộc đời của mỗi người. Trẻ có thể bộc lộ nỗi đau buồn của mình ồn ào hoặc lặng lẽ. Nhiều đứa trẻ che giấu cảm xúc của mình bằng những hành vi nổi loạn. Cũng có nhiều đứa trẻ bỗng trở nên trầm lặng và xa cách mọi người. Hãy ở bên cạnh để giúp trẻ vượt qua đau buồn mất mát.

 Võ Thị Minh Huệ
(Chuyên viên tâm lý)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI