“Em” của nội

04/09/2014 - 12:33

PNO - PN - Chờ mãi tới lúc bước xuống sân bay tôi mới gọi cho nội, báo tin sắp về nhà. Lúc ấy trời đã sập tối, nội đang “nhóm lửa nấu nước tắm”, nghe tin, nội chẳng buồn trả lời tôi mà lật đật đổi giọng, cuống quýt nói với...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong đám cháu gần hai chục đứa, chỉ có mình tôi được làm “em” của nội. Hồi còn chưa biết lý sự nhiều để tự vệ trước anh Hai, tôi hay được nội bảo vệ: “Để yên cho em ăn”, “nói nhỏ cho em ngủ”, mỗi lần anh Hai lân la lại gần, định chọc phá. Trong câu nói ấy, “em” tức là em của anh Hai. Thế nhưng với cả ba má, nội cũng hay trách “sao bây không cho em về với mẹ?” khi mỗi mùa hè tôi bị má bắt đi học thêm. Tôi lớn rồi, mỗi lần lên chơi, chuyện của nội cũng quẩn quanh mấy đề tài: “Má bây nuôi làm sao mà bữa rày em ốm quá!”, “ngó chừng em đó, xóm giềng gì toàn thanh niên bặm trợn không hà”... Rồi cứ thế, 25 tuổi, tôi vẫn được nội gọi bằng “em”, thân thương, trìu mến.

“Em” cua noi

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội rất kỹ tính. Con cháu về thăm chơi đều ngại dùng đồ của nội. Chỉ cần nhìn thấy đứa nào vào bếp lấy con dao, nội lại lăm lăm đi theo, dòm chừng. Rồi thì, phải cầm thế này, phải cắt thế kia; xong rồi lại “để nguyên lại chỗ cũ đó”. Cái gì nội cũng dạy. Đến cái ly uống nước, đứa nào cầm lên cũng bị nội dặn: “rót nước phải rót nửa ly thôi, con gái con đứa, không được tu nguyên ly…”. Một lần, chị Tý cầm cái quạt đập ruồi của nội qua hàng xóm chơi, bỏ mất. Nội tìm khắp nhà không thấy, la mắng om sòm. Cả đám cháu sợ sệt nấp hết sau hè đến tận chiều tối. Mất cái gì, nội cũng điểm danh hết bầy cháu, mà đứa nào cũng khả nghi, trừ tôi ra. Mỗi lần các anh chị họ so bì, nội lại chậc lưỡi: “em nó nhỏ, biết gì…”. Rút kinh nghiệm, mỗi lần làm bể, làm hư cái gì trong nhà, mấy anh chị lại kéo tôi ra… nhận tội giùm. Chỉ cần thấy tôi, nét mặt nội lại dãn ra, chỉ còn vẻ dỗ dành, trìu mến. Sau này tôi mới hiểu, gần như mọi đứa con út trong nhà đều “lọt lưới trời” một cách ngọt ngào như thế…

Buồn nhất là khoảng thời gian sau ngày mừng thọ 70 tuổi, nội đãng trí. Quãng ấy, cả đám cháu đã học hết cấp III, có người đã ra trường đi làm, nhưng đến tối lại thay phiên nhau qua ở với nội. Căn nhà rộng thênh. Sau vài tuần, mọi người không còn phân công nhau nữa, mà cứ tối là xúm hết về với nội. Thế là cả đám lại được dịp phân bua, so bì tình thương của nội, mà tôi là tâm điểm của mọi sự… “bất công” khi cái gì nội cũng “cho em”, “phần em”. Nội lúc nhớ lúc quên. Có buổi chiều, các chị đang ngồi xem ti vi, nội vô tắt phụp, tuyên bố: “Đợi em về coi với, coi trước… hết sao!”. Nội sợ mấy anh chị coi… mất phần tôi, để đến lúc về nhà tôi chẳng còn gì trong cái ti vi để mà coi nữa.

Tôi vào đại học, các anh chị lần lượt lấy vợ, lấy chồng; nội sang ở hẳn với ba má. Nội dần không làm được việc nhà, chỉ ngồi ngẩn ngơ nói một mình. Tôi học xa nhà nhưng sáng nào thức dậy, nội cũng chạy lên phòng tôi “kêu em dậy đi học” để rồi tiu nghỉu với cái phòng trống trơn. Chiều chiều, nội cầm cây quạt ruồi, ngồi trước hiên, vừa phe phẩy vừa dòm chừng cái đồng hồ: “Ngó chừng rồi nấu nước cho em tắm…”. Cũng có cái nhớ lẫn vào sự quên, như cái điện thoại bàn, mỗi lần reo lên, nội lại lật đật chạy lại, giành nghe “em gọi về”. Và lần nào cũng thế, cứ độ 17g gọi về nhà, tôi lại nghe nội khoe “đang nấu nước cho em tắm”. Nhờ thế, mỗi lúc mệt nhoài với cuộc sống xa nhà, tôi lại gọi về để được nghe tiếng “em” của nội.

 Thiên Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI