Đừng coi trẻ như một người lớn thu nhỏ

20/07/2014 - 07:35

PNO - PNCN - Ba đã đọc cuốn Săn sóc sự học của con em của học giả Nguyễn Hiến Lê từ khi con chưa ra đời. Nhưng qua thời gian, ba quên đi khá nhiều; những điều còn nhớ, chẳng hạn “đừng coi trẻ như một người lớn thu nhỏ hoặc thiếu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dung coi tre nhu mot  nguoi lon thu nho

Ba thấm thía điều này không phải khi ba đọc lại cuốn sách đó mà từ một lần ba thắc mắc sao gần đây không thấy con hỏi bài. Con trả lời rất thật, con hỏi chị, hỏi cô (thực ra thì ba có ý chủ quan khi nhà mình có thêm những thành viên có thể giúp con học tập tốt) và con không dám hỏi ba vì ba hay la con. Lần đó ba im lặng vì xấu hổ. Ba bảo chị hai đừng la em khi chỉ em học bài, nhưng lắm lúc ba lại rầy con khi con làm việc gì đó không tốt hoặc chưa làm được bài tập. Ba bảo con phải kiên nhẫn suy nghĩ, nhưng ba lại thiếu kiên nhẫn, lắm khi ba lại quát nạt con. Ba dạy con cần biết quan tâm đến người khác, nhưng ba chưa quan tâm thấu đáo đến suy nghĩ, việc làm của con…

Ba cũng thấm thía điều mà ông Nguyễn Hiến Lê đã viết. Ba bảo là bận rộn quá, về nhà cũng không thể nghỉ ngơi, lấy đâu nhiều thời gian để chăm sóc mọi việc của con thì ông ấy đã bảo: “Bạn đáng kính hoặc đáng thương; bạn đã hy sinh thân bạn và cả tương lai của con bạn cho công việc của bạn”. Ba tự xét mình đôi lúc có nóng nảy thì ông ấy bảo rằng chính ông cũng hay đổ quạu, nhưng đứa trẻ nào sinh ra cũng hiền từ, ngây thơ và dễ thương, chỉ có người lớn mới đáng trách. Rõ ràng, ba vẫn chưa thực sự chăm sóc, quan tâm đến việc học của con một cách chu đáo.

Điều đầu tiên và rất quan trọng trong việc quan tâm đến con là phải hiểu con. Có lần con bảo, con thích làm con cá được tung tăng bơi dưới nước. Ba đã giảng cho con rằng, làm con người mới là điều đáng quý nhất. Sau này nghĩ lại, chắc là ba chưa hiểu hết con, vì có thể con muốn được tự do thả mình trong nước, không phải câu nệ chuyện giờ giấc, đi lại… Ba quên mất rằng con là một đứa trẻ nên hay đòi hỏi con phải suy nghĩ theo cách của người lớn. Ba đã vi phạm nguyên tắc “đừng coi trẻ như một người lớn thu nhỏ”.

Vì không hiểu nên ba hay áp đặt. Ví như ba yêu cầu con phải chăm sóc em, đảm bảo sự an toàn cho em, nhưng làm sao con có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Chính ba cũng chưa thể ý thức hết các nguy hiểm đối với các con, nói gì đến bản thân con khi chưa đầy mười tuổi. Có lần ba đánh đòn con rồi ba thấy ân hận, giá như mình hiểu con hơn, hiểu về tâm lý, về nhu cầu, xa hơn là về sự phát triển của tinh thần, thể chất của con.

Vì vậy, ba sẽ thôi áp đặt, ít trừng phạt, ít la rầy… mà thay vào đó là dành thời gian với con, quan tâm đến các nhu cầu của con, nghe con nói và tạo điều kiện để con thể hiện mình nhiều hơn. Trong việc học, ba sẽ quan tâm nhiều hơn, đúng cách hơn, không phải chỉ để con học tốt mà còn để con tích lũy vốn kiến thức, vốn sống nhằm chuẩn bị hành trang vào đời.

NGÔ ĐỒNG VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI