Con đã gieo vào mẹ hạt mầm nghị lực

17/04/2017 - 06:30

PNO - Mẹ thuộc týp phụ nữ thích sống bình dị, an nhàn. Mẹ cứ nghĩ như thế đã đủ. Giờ bỗng dưng con nhắc nhở khiến mẹ như tỉnh ra.

Gần đây, tiệm cắt uốn tóc nhà mình hoạt động không hiệu quả lắm nên mẹ quyết định đóng cửa một thời gian. Việc ở nơi làm mới bề bộn, ngày nào về đến nhà, mẹ cũng mệt rã rời. Dù vậy, khách quen vẫn chờ. Họ nhất định không chịu đi tìm một tiệm tóc khác.

Từ chối mãi, cuối cùng mẹ cũng thuyết phục khách ra về. Con đang nhảy dây với bạn ngoài sân, thấy mọi người lục tục kéo đi bỗng gọi lại rồi chạy vào níu mẹ hỏi han: “Mấy dì chờ mẹ lâu lắm rồi, ráng cắt cho người ta đi mẹ”.

Con da gieo vao me hat mam nghi luc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mẹ bảo không có thời gian, cô thợ phụ cũng nghỉ rồi, một mình mẹ làm không xuể. Con sốt sắng vừa dọn lược kéo vừa sắp xếp lại bàn ghế: “Để con phụ mẹ. Mấy dì vào đây đi. Nè, ngồi đây, con quấn khăn choàng cho”.

Cửa tiệm này hoạt động từ khi mẹ còn mang thai con. Có thể nói, thế giới trẻ thơ trong con đã in đậm hình ảnh nhộn nhịp của nghề tóc. Vậy nên, dù là lần đầu tiên làm thợ phụ cho mẹ nhưng con không hề lóng ngóng. Mọi thứ diễn ra rất chuyên nghiệp, cứ như con gái được đào tạo bài bản từ bao giờ, dù con chỉ mới học hết lớp 3.

“Con gái chăm ngoan và giỏi quá. Mai mốt lớn lên nối nghiệp mẹ nha con” - một khách hàng xoa đầu con khen, còn cho con tờ 10.000 đồng để khích lệ. Con vòng tay cảm ơn. Đợi khách ra về, con hồ hởi đưa tờ bạc cho mẹ: “Đó, mẹ thấy chưa, chỉ làm thêm một chút mà kiếm được quá trời tiền. Mình lấy tiền này xài, còn lương mẹ đi làm để dành mai mốt sửa nhà”. Không kềm được cảm xúc, mẹ cúi xuống, ôm con vào lòng. Lần đầu tiên mẹ thấy mình không cô độc.

Mẹ đã thuê ngôi nhà này làm tiệm rồi một mình sinh con. Bà chủ nhà thương, bán trả góp mỗi tháng một ít. Phải gần chục năm, mẹ con mình mới trở thành chủ nhân chính thức của ngôi nhà này. Nhà nhỏ, lại xuống cấp. Lâu nay lo cho con ăn học nên mẹ không nghĩ đến chuyện cơi nới nhà cửa.

Hơn nữa, mẹ thuộc týp phụ nữ thích sống bình dị, an nhàn. Mẹ cứ nghĩ như thế đã đủ. Giờ bỗng dưng con nhắc nhở khiến mẹ như tỉnh ra. Mới đó mà con đã vụt lớn, biết suy nghĩ thiệt hơn, biết tính toán những chuyện đường dài. Dù chỉ là những tính toán rất đỗi hồn nhiên, nhưng con đã gieo vào mẹ những hạt mầm nghị lực mới.

Ngày thứ nhất trôi qua suôn sẻ. Mẹ đưa con một ít tiền, dặn: “Con đem cho heo đất ăn đi, mai mốt con lớn sẽ có một khoản để dành, muốn mua gì thì mua. Đây là tiền bữa nay chính con kiếm được chứ không phải của mẹ cho đâu”. Vẻ mừng rỡ, con gái chạy đi lấy heo đất. Con rất yêu bé heo này.

Vừa cho heo ăn, con vừa huyên thuyên: “Chừng nào mẹ xây nhà mới, con sẽ lấy tiền ra phụ mẹ”. Tối hôm đó, con gọi điện khoe với cô bạn thân. Mẹ nằm im, vờ ngủ để lắng nghe: “Từ bữa nay Hân sẽ thay chị Hảo làm thợ phụ cho mẹ. Hân làm ra tiền rồi đó nha. Mai Chi qua đây chơi, Hân mua kem cây đãi”.

Ngày thứ hai, tự dưng mẹ nôn nóng, trông mau đến giờ về. Vẫn nghề cũ bao năm mà không hiểu sao mẹ lại cảm thấy háo hức đến vậy. Con đã bày sẵn mọi thứ ngăn nắp ở tiệm để chờ mẹ. Điều đó không gây ngạc nhiên bằng chuyện con rủ Chi leo hái mấy rổ xoài chín bày sẵn, chờ bán cho các dì.

Năm nay xoài rớt giá, không ai mua. Sáng nào mẹ cũng phải gom mớ xoài chín rụng đem đổ. Vậy mà con giỏi quá, mời mọc một lúc, các cô các dì mua giúp hết. Sau buổi chiều rộn ràng, con heo đất lại có thêm một bữa no nê.

Cô thợ phụ nhỏ bé năng động của mẹ, con làm mẹ cảm thấy đời thật đáng sống!

Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI