Trò 'lệch khung' là tệ hại?

24/10/2018 - 06:45

PNO - Từ thiện chí “mù quáng” để học làm một phụ huynh tốt, tôi đã gián tiếp tạo thêm áp lực cho con mình. Cảm giác của tôi chuyển từ yên tâm, biết ơn vì sự quan tâm của cô, đến ngại ngùng, sợ hãi, mệt mỏi…

Tro 'lech khung' la te hai?
Ngành giáo dục đừng đánh mất sự hồn nhiên, tự tin ở trẻ bởi những áp lực không đáng có

Những ngày đầu con đến trường, cứ đến buổi chiều là tôi… rùng mình. Con đi học được 15 ngày thì tôi có 16 cuộc họp phụ huynh - một cuộc họp đại trà và 15 cuộc họp riêng với cô giáo.

Những lần đầu, khi cô than phiền về tình trạng phát âm của bé, tôi nhận ra ngay vấn đề vì cháu bị ngọng từ nhỏ. Về nhà, tôi bắt đầu những buổi tối vật lộn cùng con với từng âm con chưa nói được. Vượt qua mỗi thử thách, hai mẹ con lại vui và tự hào như vừa leo qua một ngọn núi. Nhưng hễ cứ bước qua một ngày mới, mọi thứ như… trở về số 0 khi tôi nghe cô giáo than phiền con về một điều gì đó nữa. Tôi như phải đối diện với một đứa con “cá biệt”, “yếu kém” và “làm phiền cô giáo”, trong khi chỉ mới hôm trước tôi vẫn yên tâm rằng con mình là một đứa trẻ nhanh nhạy, ham học hỏi.

Giai đoạn đó kết thúc vào một lần cô giáo lại than phiền rằng “con em không biết phát âm chữ r”. Điều này khiến tôi bất ngờ, vì tôi biết chắc cháu đọc được và đã rất nhiều lần tôi “mách trước” cho con về cách phát âm chữ “r”. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp thu lời cô giáo. Đêm đó, đứa con lanh lẹ như thu mình lại, khổ sở lật trang sách ra. Con bé quên hẳn cách đọc chữ “r”. Sau rất nhiều trò chơi, hài hước, khích lệ, tôi đã giúp con “tìm lại” được âm “rờ”. Tôi reo lên “con đã leo qua được một ngọn núi nữa rồi!”. Con bé ngước nhìn mẹ, cười tươi. Nhưng chính lúc đó, tôi mới nhận ra, lớp Một đã biến con thành một con người khác, đã “mặc vào con” một chiếc áo nặng nề đến mức con đánh mất mình. Từ cảm giác có lỗi với cô giáo, tôi cảm thấy có lỗi với con. Từ thiện chí “mù quáng” để học làm một phụ huynh tốt, tôi đã gián tiếp tạo thêm áp lực cho con mình.

Thế nhưng khi tôi đã bớt lo lắng, thì cô giáo vẫn không ngừng quan ngại. Chiều hôm đó, tôi đến đón con thì cô giáo bảo: “Mẹ Phương vào lớp cô gặp tí nhé!”. Cô nói vẻ khổ sở: “Em ơi, con em là con gái mà sao nó ngồi cái dáng xấu quá vậy em!”. Tôi bắt đầu sửng sốt. Cô tiếp: “Giờ ra chơi chiều nay, cô thấy Phương ngồi gác chân lên ghế đó”. Cô chỉ vào hai cuốn tập trên bàn, một cuốn của con tôi và một cuốn của một bạn khác, rồi nói: “Con em viết chữ xấu lắm, cô rèn hoài chưa được. Đây em xem, các bạn đã viết được như vậy rồi mà con em vẫn còn viết vầy đây”.

Thú thực, tôi vẫn tự hào là con bé viết chữ khá tốt. Và tôi không hình dung được một đứa trẻ mới vào lớp Một phải viết chữ đẹp như thế nào thì mới đạt yêu cầu. Nhưng tình huống lần này không làm tôi rối trí như mọi lần, vì với tôi, so sánh là tối kỵ khi nói về con người, nhất là con trẻ. Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng trong những “cuộc họp” trước đó mình đã từng bước bị thuyết phục về “năng lực hạn chế” của con. Lần này cũng là một “bước” tương tự. Chỉ có điều, “bước đi” này chạm đến một nguyên tắc mà tôi khá rõ nên không thể tuân theo. Tôi xin dời cuộc trò chuyện vào lần khác để đón con về.

Nhưng lần sau đó, chính tôi “mời cô họp”. Nhân tiện, tôi giở tập của con gái ra xem. Trong phần lời phê cuối ngày, cô viết toàn những thông tin tiêu cực: “Em thiếu tập trung. Em không có nề nếp, làm ảnh hưởng đến giờ học của tập thể vì cô giáo phải dừng lại nhắc nhở”. Tôi trình bày những thay đổi trong tâm lý của con gái từ ngày đi học và chia sẻ về những gì tôi hiểu về con - đó là sự nhạy cảm, dễ tự ti dẫn đến lóng ngóng, ngại thể hiện. Nhưng cô gạt phăng: “Con em nó không biết đọc, nó viết xấu là do nó kém chứ em đừng có đổ thừa cho tâm lý!”. Dù khá bàng hoàng, tôi vẫn kiên nhẫn kể thêm cho cô về tâm tính của con để cô hiểu thêm.

Tôi thực sự hiểu ra vấn đề khi trò chuyện với một vài phụ huynh của lớp. Té ra ai cũng đang phải vật lộn để giúp con đáp ứng yêu cầu của cô giáo. Riêng với con mình, tôi không phủ nhận cô giáo rất có tâm, nhưng nhiệt huyết của cô chỉ xoay quanh việc khiến đứa trẻ phải đọc cho được con chữ, viết cho được trang vở hoàn hảo, phải ngồi yên và ngoan ngoãn tuyệt đối. Đứa trẻ nào lệch khỏi “cái khung” đó thì đều “đáng quan ngại”, thậm chí tệ hại.

Những lần đến đón con, tôi chứng kiến nhiều bạn phải ngồi lại tập đọc, tập viết. Các em và cả phụ huynh của các em phải chịu áp lực đến mức nào. Chẳng mấy người nhận ra những yêu cầu đó là bất thường nên đã cùng cô giáo tạo những áp lực lên con trẻ. Tại sao phải như vậy? Sự hoàn hảo nào có thể bù lại được sự tự tin, tự nhiên đã bị giết chết trong các con từ những ngày đầu đến trường? Một đứa trẻ mới vào lớp Một không đọc rõ một âm nào đó, viết chữ chưa đẹp, không tập trung trong giờ học, thậm chí hiếu động, thì có gì là tồi tệ! Tồi tệ là ở người lớn chúng ta chỉ toàn thấy những điều “tồi tệ” ở những đứa trẻ. 

Thanh Tân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI