SGK Địa lý dùng số liệu hàng chục năm chưa thay?

18/01/2016 - 06:30

PNO - Dù đã đến năm 2016 nhưng SGK Địa lý bậc THCS, THPT có số liệu địa lý vẫn dừng lại ở số liệu cách đây hàng chục năm.

Địa lý lớp 9 (Nguyễn Dược - Tổng chủ biên) tái bản lần thứ 10 (7/2015) nhưng mọi số liệu như tình hình dân số, tỉ lệ dân thành thị - nông thôn, sản lượng, diện tích các ngành nghề... vẫn sử dụng số liệu thống kê từ năm 2002.

Đặc biệt bài 20/21 - Vùng đồng bằng sông Hồng và 35/36 - Vùng đồng bằng sông Cửu Long, số liệu từ dân số, tình hình phát triển kinh tế... tất cả được lấy số liệu của năm 2002 (cách đây 13-14 năm).

SGK Dia ly dung so lieu hang chuc nam chua thay?
Số liệu hầu hết từ năm 2002 - SGK Địa lý lớp 9.
SGK Dia ly dung so lieu hang chuc nam chua thay?
Bài 22 Vùng Đồng bằng sông Hồng trong SGK Địa lý lớp 9.

Điều đáng nói là, khi đưa tỷ trọng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ lại dùng số liệu cách đây 13-14 năm, khiến cho học sinh không nhìn rõ được cán cân các ngành. Trong khi đó, ngành công nghiệp, dịch vụ ngày một phát triển mạnh mẽ như vũ bão thì con số phát triển ấy vẫn dậm chân tại con số năm 2015. Điều đó có nghĩa số liệu SGK địa lý đã không cung cấp kiến thức một cách kịp thời cho học sinh.

Không chỉ có SGK Địa lý THCS mà SGK Địa lý THPT cũng dùng những số liệu kiến thức rất cũ.

Bài 22 (Địa lý lớp 10 - Tổng chủ biên: Lê Thông), Dân số và sự gia tăng dân số, có bảng về tình hình phát triển dân số thế giới nhưng lại công bố số liệu từ năm 1999, Phụ lục bài 22 cho biết "Tình hình dân số của một số nước và khu vực trên thế giới, năm 2005".

SGK Dia ly dung so lieu hang chuc nam chua thay?
Trong bảng dân số thế giới 6477 triệu người, trong khi, tính tới thời điểm hiện tại, dân số thế giới hiện nay đã rơi vào khoảng 7,4 tỉ người.

Nhìn vào bảng phụ lục có thể thấy dân số thế giới 6477 triệu người, trong khi, tính tới thời điểm hiện tại, dân số thế giới hiện nay đã rơi vào khoảng 7,4 tỉ người.

Không chỉ vậy, hầu hết các bài thực hành vẽ và phân tích những số liệu dân số, lương thực, thực phẩm, tình hình sản xuất công nghiệp, thủy sản vẫn sử dụng số liệu 2002.

Bài 5 (trang 21) trong cuốn Địa lý lớp 11 (tái bản lần thứ tám, Lê Thông - tổng chủ biên) còn nguy hiểm hơn. Bài này có bảng thống kê chỉ số về dân số 2015. Tuổi thọ trung bình của người dân thế giới vẫn dừng ở mức 67, trong khi đó tính đến năm 2013 thì số tuổi thọ trung bình của thế giới đã nâng lên thành 71,5 tuổi.

SGK Dia ly dung so lieu hang chuc nam chua thay?
Tuổi thọ trung bình của người dân thế giới vẫn dừng ở mức 67, trong khi đó tính đến năm 2013 thì số tuổi thọ trung bình của thế giới đã nâng lên thành 71,5 tuổi.

Địa lý lớp 12: Một loạt các công trình thủy điện như Cửa Đạt, Bản Vẽ, Tuyên Quang, Rào Quán, A Vương, Xê Xan 4, Xrê Pôk 3, Buôn Kuôp, Đồng Nai 4, Đại Ninh đã hòa mạng lưới điện quốc gia. Trong số đó, nhiều nhà máy đã khánh thành cách đây 8 năm như Rào Quán, và đặc biệt thủy điện Sơn La là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á cũng đã được khánh thành. Tuy nhiên, kênh hình bản đồ trong sách giáo khoa vẫn được ghi là “đang xây dựng”... theo số liệu cũ.

Bài 30, phát triển ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc vẫn lấy số liệu “năm 2005, Việt Nam có hơn 7,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 9,0% dân số”, trong khi theo Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế, hiện tại, con số ấy đã nâng lên 48% tương đương với 45, 5 triệu người dùng.

Học sinh lúng túng, giáo viên luôn phải tự cập nhật

Minh Anh (Học sinh lớp 12, trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) cho biết, mỗi lần học cũng thấy vô lý khi mà các số liệu dân cư từ năm 2002-2005 vẫn còn trong sách. "Nhiều bạn lớp em cũng thắc mắc không hiểu tại sao lại không bổ sung kiến thức số liệu mới vào mà cứ sử dụng những số liệu cũ trong sách, nhiều lúc rất mất thời gian để lên google tìm kiếm lại".

Nguyễn Thanh Long (18 tuổi) tâm sự, bản thân gặp quá nhiều tình huống dở khóc dở cười với số liệu môn Địa lý. "Bởi vậy, nên quyển sách địa lý của em chi chít bút mực gạch xóa bổ sung những số liệu mới mà thỉnh thoảng em lại mày mò được", Long cho biết.

Trao đổi với Phunuonline, thầy Sái Ngọc Chí (Giáo viên môn Địa lý - THPT Chuyên Vĩnh Phúc) cho biết, hàng năm các thầy cô của trường luôn phải tự tìm kiếm những số liệu từ tổng cục thống kê để đáp ứng kịp thời số liệu cho học sinh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI