Duyên nợ ngành y

26/02/2014 - 15:28

PNO - PN - Không theo đuổi y khoa nhưng ngã rẽ cuộc đời đã đưa họ đến với ngành y. Cả hai đều 32 tuổi. Một người lặng lẽ trong phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc mỗi ngày trước khi đưa đến tay người bệnh; còn một...

edf40wrjww2tblPage:Content

Duyen no  nganh y

Mỗi ngày chị Tiên (phải) đều kiểm nghiệm chất lượng thuốc cho người bệnh

Người thích khám phá cây cỏ

Khi gọi điện hẹn phỏng vấn, chị Vũ Thủy Tiên - thạc sĩ vi sinh vật học, Khoa Thực nghiệm, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM nhắc: “Anh đến 8g sáng nhe. Giờ đó tôi còn chờ phòng khử trùng xong mới làm việc được nên nói chuyện lúc đó là phù hợp”. Tò mò công việc kiểm nghiệm thuốc nên tôi đến sớm hơn giờ hẹn, đã thấy chị rảo bước kiểm tra các phòng ở khoa, mở từng cánh cửa, xem lại từng lọ thuốc, hóa chất xét nghiệm... để chuẩn bị cho một ngày làm việc.

Tại phòng kiểm nghiệm thuốc, sau khi mở máy tiệt trùng, Tiên phải đóng cửa lại suốt hai giờ liền. Chị cho biết, đó là công việc mỗi sáng chị phải tuân thủ vì khử trùng đúng hai giờ thì phòng kiểm nghiệm mới đảm bảo vô trùng. Lúc đó nhân viên y tế mới đem thuốc vào môi trường nuôi cấy và theo dõi vi nấm, vi khuẩn. Có những mẫu phải theo dõi liên tục hai ngày liền mới thấy vi nấm xuất hiện, cũng có mẫu kéo dài cả tuần. Nếu không tiệt trùng thì khi đem mẫu thuốc vào kiểm nghiệm rất dễ bị nhiễm khuẩn… Bảy năm liền như thế, kể từ khi về Viện, Thủy Tiên đã âm thầm làm công việc kiểm tra thuốc trước khi chuyển đến nhà thuốc cung cấp cho người bệnh.

Song song với công việc kiểm tra thuốc, chị còn theo đuổi nghiên cứu các loại vi khuẩn kháng thuốc, các loại cây cỏ có tính kháng khuẩn cao... nhằm tạo ra những loại thuốc tốt cho người bệnh. Vừa bước sang tuổi 32, Thủy Tiên đã có đến bốn đề tài nghiên cứu về tác dụng, tính kháng khuẩn của các loại dược liệu.

Khi hỏi về các loại vi nấm, vi khuẩn, chị hồ hởi: “Rất thích nghiên cứu về nó nhưng thực tế công việc không dễ chút nào. Khó khăn lớn nhất là làm thí nghiệm với các vi khuẩn kháng thuốc, nếu không cẩn thận có thể bị lây nhiễm”. Một trong những đề tài của chị được đánh giá cao là nghiên cứu dược liệu y học cổ truyền để chống lại hai chủng vi khuẩn kháng thuốc phổ biến hiện nay là Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa. Ngoài ra, chị còn nhiều đề tài nghiên cứu khác như: nghiên cứu tuổi thọ của các thang thuốc sắc, định danh vi khuẩn trong kiểm nghiệm Đông dược...

Duyen no  nganh y

Dù đã quá giờ nghỉ trưa, bác sĩ trẻ này vẫn làm việc (ảnh chụp lúc 12g ngày 25/2/2014 tại BV Chấn thương chỉnh hình)

Những nỗ lực của Thủy Tiên đã được đền đáp khi chị nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu: Thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong bốn năm, giải thưởng Phạm Ngọc Thạch - dành cho những cá nhân hoạt động trong ngành y có sáng kiến, cải tiến trong các công trình nghiên cứu khoa học...

Tôi thắc mắc sao chị không thi vào ngành y ngay từ đầu mà lại học công nghệ sinh học, chị nhớ lại: “Ba tôi vốn là bác sĩ da liễu nhưng lại thích Đông y và dành nhiều thời gian để nghiên cứu bài thuốc y học cổ truyền, giúp những bệnh nhân cai nghiện ma túy. Lúc nhỏ, thấy ba đọc say mê quyển sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi, quyển sách quá dày so với sách giáo khoa nên tôi tò mò, mở ra thì thấy trang nào cũng in hình cây cỏ. Và khi nghe ba chỉ dẫn nhiều loại cây rất phổ biến trong cuộc sống như: cây nghệ, củ gừng, củ tỏi, rau diếp cá... cũng là những bài thuốc thì tôi càng thích thú. Từ đó, hễ ngày nào ba đi ra ngoài là tôi lén lấy quyển sách này đọc. Ba tôi bị tai biến mạch máu não năm 47 tuổi và đột tử khi bài thuốc cai nghiện ma túy đã xong giai đoạn thử nghiệm, phải dở dang. Tôi quyết định chuyển sang hướng nghiên cứu về vi sinh để có thể tiếp tục thực hiện được ước mơ của ba”.

Mô phỏng khối bướu trên máy vi tính

Khoa Kỹ thuật phóng xạ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM có lẽ là khoa duy nhất ở các bệnh viện tại TP.HCM không có bác sĩ. Khoa này gồm 11 kỹ sư vật lý và các kỹ thuật viên thực hiện xạ trị cho người bệnh. Một trong những kỹ sư cầm trịch việc mô phỏng khối bướu cho người bệnh trước khi xạ trị là kỹ sư Vũ Anh Duy, Phó khoa Kỹ thuật phóng xạ.

Anh cho biết mục tiêu của xạ trị là tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng hạn chế tối thiểu hoặc không làm tổn hại đến những mô lành xung quanh. Vì vậy kỹ sư y vật lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ để đưa ra kế hoạch xạ trị tối ưu. Hàng ngày, khi tiếp nhận một ca bệnh được bác sĩ chỉ định xạ trị, Anh Duy sẽ cho bệnh nhân nằm lên một hệ thống máy để chụp hình khối bướu trong không gian hai chiều, ba chiều rồi chuyển những hình ảnh này về máy tính. Từ hình ảnh đó, anh sẽ lập hình ảnh mô phỏng khối bướu trên máy tính để xác định chính xác vị trí, kích thước của bướu, các cơ quan xung quanh bướu. Sau khi vẽ xong trên máy tính, Duy tiếp tục thiết lập vùng cần xạ trị, liều xạ trị và số lần cần phải xạ trị. Dựa vào vị trí và mức độ tổn thương mà kỹ sư sẽ đưa ra ý kiến về sử dụng chùm năng lượng nào, mức năng lượng bao nhiêu là hợp lý.

Duyen no  nganh y

Công việc mô phỏng khối bướu trên máy tính là niềm đam mê của anh Duy

Để bệnh nhân được an toàn xạ trị, Duy và các đồng nghiệp chia nhau lịch trực vào bệnh viện mỗi ngày vào lúc 3g sáng để kiểm tra, theo dõi độ ổn định của liều lượng của mỗi máy xạ trị. Anh cho biết, nếu dòng điện không ổn định thì máy phát tia phóng xạ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu máy ổn định thì 5g sáng sẽ đưa bệnh nhân vào xạ trị và các kỹ sư y vật lý sẽ theo dõi quy trình này đến 21g khi hết ca bệnh. Sau mỗi bệnh nhân xạ trị, anh phải kiểm tra lại máy, xem liều lượng tia phóng xạ phát ra có đủ liều cho bệnh nhân hay không.

Nói về cơ duyên đưa Vũ Anh Duy đến với nghề y, anh cho biết: “Thời sinh viên, tôi học vật lý hạt nhân và cũng chưa biết ra trường làm ở đâu. Chẳng qua, thời phổ thông tôi học chuyên lý nên theo ngành vật lý. Trong một lần trường đưa nhóm sinh viên đến thực tập tại một số BV có ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong điều trị bệnh ung thư như BV Chợ Rẫy, Bệnh viện FV, Bệnh viện Ung Bướu, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt... tôi mê mẩn với hệ thống máy gia tốc xạ trị trong ung thư”. Thay vì chọn công việc giảng dạy vật lý, làm kỹ sư phòng máy chụp CT, X-quang hay làm ở viện nghiên cứu hạt nhân đúng như ngành nghề thì anh lại chọn theo khoa kỹ thuật phóng xạ ở BV Ung Bướu. Và đó cũng là điều mà Duy trăn trở khi đến nay, Việt Nam vẫn chưa có trường nào đào tạo đúng ngành kỹ sư y - vật lý; trong khi số lượng bệnh nhân ung thư cần xạ trị lên đến hàng ngàn người.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu