Đường tới vương miện

08/11/2014 - 15:51

PNO - PNCN - Phàm, tính chuyện đi thi đỗ đạt, muốn có kết quả như ý, học chăm chỉ một mình chưa đủ yên tâm, mà phải luyện thi. Đây không chỉ là vấn đề thuộc về tâm lý mà còn là vấn đề xã hội.

Duong toi vuong mienNgoài chuyện rần rần quảng cáo luyện thi các cấp học từ lớp 6 đến lớp 12, luyện thi đại học bảo đảm đậu, còn đủ thứ luyện thi khác như luyện thi Anh văn du học, luyện thi công nghệ thông tin, luyện thi CEO, luyện thi CFO... Đặc biệt, gần đây lại còn có một số lò phát tờ rơi luyện thi... Giọng hát Việt “lớn”, Giọng hát Việt “nhí”, Bước nhảy hoàn vũ “nhí”. Nói chung là tinh thần luyện thi rất... cao trào, ở nhiều lĩnh vực, mà mới mẻ nhứt và hiện đại nhứt (có truyền hình mỗi ngày trên sóng VTV) là luyện thi... hoa hậu, với chương trình truyền hình thực tế có cái tên dài kỷ lục: Hoa khôi áo dài VN 2014 - Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới!

Theo phát biểu có tính “mấu chốt” của ông Dương Xuân Nam, cha đẻ cuộc thi tầm quốc gia “Hoa hậu Việt Nam”, thì nguyên nhân rớt lộp bộp của những hoa hậu nước mình khi ra “chinh chiến” với chị em nước ngoài tập trung vào ba điểm yếu (chứ không phải... yếu điểm, nha): ngoại hình, ngoại ngữ và tinh thần hội nhập. Cho nên, khi xem chương trình luyện thi hoa hậu nói trên mới thấy người đẹp xứ mình... thích đùa (kể cả đơn vị đưa đi).

Tưởng đẹp mặt, đẹp mình mẩy, biết múa tí công, tí phượng; biết hát biết đàn tí dân ca, tí rốc (gọi là năng khiếu); biết lõm bõm vài câu tiếng Anh giao tiếp, đem theo dăm ba trang phục áo dài rườm rà nặng phần trình diễn... là ngon lành cành đào rồi, cứ thế xách vali lên và... thi. Sau đó, về nước. Chấm hết. Mà, đời đâu đơn giản thế!

Chỉ mới loanh quanh trong phạm vi chật hẹp của Lâu đài sắc đẹp (kiểu Ngôi nhà chung dành cho thí sinh), dòm 18 cô gái sắc chưa đến nước, hương chưa đến trời - nhưng vẫn là thí sinh hoa hậu - phải vất vả rị mọ với những bài học “chuyên môn” mà một số chuyên gia nước ngoài hướng dẫn bằng tiếng Anh, cũng đã chán ốm rồi. Ít cô tỏ ra hiểu được. Nhiều cô tỏ ra rất... không hiểu. Cho nên, có chuyên gia đã chép miệng “ai đó dịch giùm tôi với”, có chuyên gia rầu rĩ “chắc do bất đồng ngôn ngữ nên cổ làm không đúng với những gì tôi nói mà cổ còn buồn nữa”.

Khi ra thực tập trên sân khấu, chuyên gia catwalk chỉ dẫn nhóm này đi thế này nhóm kia đi thế kia, rồi ông hét lên “go, go” mà thí sinh vẫn chùm nhum một chỗ, lác đác một hai cô bước e dè trong lo âu “không biết đi vầy có đúng không”. Ôi trời! Khi học về nụ cười tươi tắn, một thí sinh nêu thắc mắc với cô Farah: “Sao em cười mà thấy mỏi miệng quá”, cô Farah giải đáp liền: “Đó là do bạn cười giả bộ, cười gượng. Bạn phải thực sự tin mình đẹp, phải thực sự muốn phô vẻ tươi tắn của mình tới khán giả thì khi ấy bạn sẽ không... mỏi miệng”. Hèn gì, nhiều thí sinh của mình cười cứng như bánh đa, đôi khi còn ỉu xìu như bánh đa nhúng nước.

Không chỉ gặp khó khăn với chuyên gia nước ngoài, đạo diễn Lê Hoàng cũng gây... khó khăn cho thí sinh khi đề cập tới sự thân thiện. Cái này quả là vấn đề “hại não”. Làm sao thân thiện đây khi “nó” là đối thủ của mình và lại thường hục hặc nữa chứ. Đã xảy ra chuyện rồi kìa, cô này bị cô kia ám chỉ “đã đánh tráo đôi giày vừa vặn của mình”. Nội bộ lục tục giải quyết. Mai mốt, đi thi cấp thế giới, muốn thân thiện, muốn hội nhập phải hiểu bạn bè nói gì, gặp trở ngại gì... Yếu ngoại ngữ kể như toi. Ôi, đường tới vương miện!

MAMARAZZI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI