Cụ ông 25 năm đưa người vợ ung thư chu du, ngắm nhìn thế giới

24/06/2021 - 18:00

PNO - Điều họ chiến thắng, không chỉ là bệnh tật mà còn là những giới hạn. Giới hạn của sự an toàn, giới hạn của những quy tắc, lý lẽ về hạnh phúc...

Mấy hôm nay, nhiều diễn đàn và hội nhóm rần rần chia sẻ câu chuyện của cặp vợ chồng Cốc Hướng Đông và Cao Chí Hiệp ở Trung Quốc.

Năm 1996, bà Cao Chí Hiệp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Bác sĩ nói, người phụ nữ 51 tuổi chỉ sống được nhiều nhất 3 năm. 

“Kinh thật. Bác sĩ  bảo chỉ sống được 3 năm bà ông bả làm một phát tận 25 năm”, tôi đã bật cười với bình luận hài hước ấy dưới bài báo viết về họ. 

Câu chuyện người chồng dắt người vợ ung thư đi khắp thế gian mang cảm hứng tích cực trong các hội nhóm phụ nữ
Câu chuyện người chồng dắt người vợ ung thư đi khắp thế gian mang cảm hứng tích cực trong các hội nhóm phụ nữ

Nhờ sự lên ngôi của internet mà thế giới ngày càng phẳng, chúng ta có cơ hội ngó nghiêng, “thám hiểm” hàng chục cuộc tình đẹp nhà người ta. Đại loại, để lấy lòng Diễm, Tuấn mua hẳn một căn hộ chung cư cao cấp có bể bơi ngoài trời làm quà cầu hôn; Để chúc mừng vợ sinh quý tử, Thăng đặt trước vé du lịch 10 nước Châu Âu; Thư và Hùng sống chung trong biệt trang rộng 2000 mét vuông, Hùng lắp đặt một căn bếp giá trị 2 tỷ nhân dịp sinh nhật vợ…

Những màn cầu hôn đi vào lịch sử, những thăng hoa đôi lứa đậm mùi “quý tộc” luôn kích thích hiếu kỳ của người đọc, nhưng sự trân trọng, ngưỡng mộ thì không.  Chúng ta vẫn được tiếp năng lượng, được tặng thêm tin yêu cuộc sống khi chứng kiến những cuộc tình nhiều thử thách, trắc trở, nhưng đôi bên vẫn chăm chút, giữ trọn vẹn yêu thương...

Câu chuyện của ông Cốc Hướng Đông và bà Cao Chí Hiệp được tờ QQ (Trung Quốc) kể rằng: Sau khi chứng kiến người vợ chịu đựng những đợt phẫu thuật rồi trị xạ nhiều đau đớn, ông Cốc Chính Đông quyết định nghỉ hưu sớm để đưa vợ đi du lịch. Ông muốn người bạn đời của mình được vui vẻ, không còn gì nuối tiếc trong những tháng ngày còn lại. Và thế là, họ cùng nắm tay nhau bước vào cuộc ngao du.

Không chỉ dừng lại ở những chuyến du lịch ngắn ngày trong nước, khi nhận thấy sức khỏe của vợ có nhiều dấu hiệu tiến triển, ông Cốc đã dốc hết tiền tiết kiệm mua một chiếc xe, cải tiến thành một căn hộ di động rồi cùng bà Hiệp rong ruổi năm châu.

Cho đến bây giờ, sau 25 năm chu du, không những đánh bại được căn bệnh ung thư, mà gia tài của đôi vợ chồng già còn được bồi đắp để ngày càng giàu có. Tài sản mà họ sở hữu chính là những trải nghiệm, hiểu biết, là yêu thương, hạnh phúc...

Khi đọc câu chuyện, có hàng trăm bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho ông Cốc Hướng Đông. Chính sự chung tình, lòng yêu thương vô bờ bến của người chồng đã vẽ nên một câu chuyện tình yêu xưa nay hiếm. Nhiều bạn đọc khác lại nói do người vợ may mắn.

“Điều giá trị nhất mà bà Cao có được chính là phước đức, nhờ dày phước mà bà gặp được người chồng quốc dân, sẵn sàng nắm tay em đi khắp thế gian ngay cả khi em đang bị bệnh”, bạn Ng. Q bày tỏ.

Phải khẳng định, việc trải qua hơn 2 thập kỷ cùng nhau du lịch trong điều kiện cơ thể không còn tráng kiện và dẻo dai, thì bên cạnh những thú vui, sự khoái lạc, cũng chồng chất nhiều khó khăn và rủi ro ngoài dự tính.

Thế nhưng, điều lớn nhất mà cả hai có được ngoài tình yêu thương có lẽ là niềm tin, là sự dấn thân, là tinh thần “cởi trói” cho cuộc đời vốn quá nhiều ràng buộc và sự an bài.

Họ tin nhau, tin rằng sự đồng hành có thể làm nên những điều kỳ diệu. Với họ, hạnh phúc không nằm ở đích đến mà chính là những khoảnh khắc sướng vui, hoặc đau khổ trên từng chặng hành trình.

Năm 2010, khi đã 64 tuổi, ông Cốc bị lật xe ở Tây Tạng, hai vợ chồng bị thương nặng, ông Cốc bị gãy xương sống, không thể cử động được, phải nằm viện thời gian dài. Lần này, bà Cao đổi vai, trở thành người cận kề, chăm sóc chồng sớm tối.

Đến ngày bệnh thuyên giảm, sức khỏe hồi phục, bà hỏi chồng: "Mọi chuyện qua rồi, không còn gì phải sợ nữa. Chúng ta tiếp tục lên đường chứ?". Ông Cốc trả lời: "Chỉ cần bà dám ngồi, tôi tất nhiên dám lái".

Mỗi lần nhìn vào hạnh phúc của một cuộc hôn nhân bất kỳ, nhiều người thường dễ dàng thốt lên câu “ Ôi, chị ấy, người phụ nữ ấy thật may mắn”. Trong suy nghĩ của mọi người, hay không bằng hên. Với riêng tôi, tôi luôn hướng đến sự hài hòa và cộng hưởng.

Hôn nhân cũng như một cỗ máy được lắp ghép bởi những  bánh răng hành tinh. Muốn động cơ hoàn chỉnh thì nhất định phải tôn trọng thiết kế của từng chi tiết. Để có thể vận hành trơn tru, mỗi chi tiết phải biết cách tin tưởng, khớp nối với các phần còn lại. Với cuộc sống gia đình, động lực tạo ra sẽ được nhân đôi giá trị khi vợ chồng và con cái biết cách tương trợ, giúp nhau đi qua thời điểm khốn khó, khủng hoảng.

Nếu ông Cốc chung tình, giàu lòng bao dung và đức chia sẻ thì ở bà Cao, điều đáng quý nhất chính là sự mạnh mẽ, kiên cường. Bà đã đặt niềm tin tuyệt đối cho người bạn đời bạn đường, để rồi từ một người đàn ông bình thường, ông Cốc “vươn vai” trở thành “lão đại”, dìu dắt vợ mình vượt qua quãng đường hơn 250.000 km.

Ông bà đã nắm tay cùng nhau vượt 25 năm vui buồn, lúc khoẻ mạnh cũng như khi đau yếu (Ảnh: QQ)
Ông bà đã nắm tay cùng nhau vượt 25 năm vui buồn, lúc khoẻ mạnh cũng như khi đau yếu (Ảnh: QQ)

Có thể thấy, điều họ chiến thắng, không chỉ là bệnh tật mà còn là những giới hạn. Giới hạn của sự an toàn, giới hạn của những quy tắc, lý lẽ về hạnh phúc từng tồn tại. Nếu ngày ấy, cả ông Cốc và bà Cao đều nghiễm nhiên chấp nhận sự an bài của số phận mà không chút “cựa quậy”, thì liệu họ có trở nên “giàu có”?

Họ có thể nào cùng nhau ra sách, trở thành nguồn động lực, lan tỏa rần rần nguồn năng lượng sống cho mọi người như hôm nay?

Hành trình ngao du của đôi vợ chồng già vẫn chưa dừng lại, những miền đất mới vẫn đang chờ họ đến in dấu chân.

Còn chúng ta, chỉ cần “dám”, chúng ta cũng sẽ có những hành trình cho riêng mình.

Hoàng Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI