Bản tình ca chiến tranh

01/02/2016 - 07:56

PNO - Đến với nhau, đều bằng tình yêu đầu, trong sáng và chung thủy, gắn bó với nhau qua quãng đường gian khổ của chiến tranh, những gì sau này họ trải qua...

Một ngày cuối tháng 5 năm 2014, tôi được cô bạn Ngô Thị Bích Hiền (Phó chủ tịch Công ty TNHH BHD) mời tham dự buổi ra mắt sách của bố cô, nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo. Đó là một cuốn sách vô cùng đặc biệt: những bức thư mà người lính Ngô Thảo gửi từ chiến trường về cho vợ là bà Vũ Thị Bích Lộc.

Những bức thư là minh chứng của một tình yêu tuyệt vời, một tình yêu đẹp như trong các bản tình ca chiến tranh một thời đã xa. Điều đặc biệt là hai nhân vật chính của cuốn sách, người viết thư và người nhận thư, hoàn toàn không biết gì về cuốn sách và bữa tiệc. Cuốn sách ấy là món quà của các con âm thầm chuẩn bị để mừng kỷ niệm 50 năm cùng nhau của cha mẹ họ.

Ban tinh ca chien tranh
Hình ám cưới của ông bà Ngô Thảo - Vũ Thị Bích Lộc

1. Sự ra đời của cuốn sách bắt đầu từ một chuyến đi Mỹ của cô con gái thứ ba, Ngô Thị Bích Hạnh. Tại New York, chị Hạnh đã gặp cô gái Mỹ Jacqueline và được cô tặng cuốn sách Những bức thư từ Việt Nam - là cuốn sách cô đã tập hợp thư từ của cha mình - trung tá quân đội Mỹ Donald C.Lundquist gửi về cho vợ và con từ Việt Nam.

Đọc sách, Bích Hạnh chợt nhớ đến những bức thư bố gửi cho mẹ trong thời chiến tranh mà chị và chị gái, em trai thường đọc trộm trong tủ sách của gia đình. Chị lập tức gọi điện về cho chị Hai Bích Hiền và ba chị em cùng Jacqueline quyết định xuất bản một cuốn sách gồm các bức thư từ mặt trận, theo hai chiều: Một từ một người lính Mỹ gửi về cho vợ và con gái ở quê nhà, và một từ người lính Bắc Việt Nam cũng gửi về cho vợ và con gái.

Cuốn sách bắt đầu bằng bức thư đề ngày 22/2/1965, một ngày trước ngày người lính Ngô Thảo lên đường nhập ngũ. Một trong những điều lớn lao nhất ông để lại Hà Nội, đó là tình yêu với cô bạn gái Bích Lộc, được nhen nhúm từ những năm lớp 8, khi họ học chung với nhau ở trường Huỳnh Thúc Kháng.

Đến khi vào đại học, hai người chia hai hướng, Ngô Thảo học ở trường Đại học Tổng hợp, còn Bích Lộc thì học Ngoại thương. Bức thư đầu tiên ấy có đoạn: “Em buồn và anh cũng chẳng vui, nhưng trước mắt anh lý tưởng đang vẫy gọi. Anh đi mang theo tình em và những điều em mong ước. Anh đi, chiến đấu với ý thức rõ ràng về nghĩa vụ của mình nhưng cũng có thể nói là vì em”.

Chẳng khó khăn gì người đọc có thể hình dung được cái đêm cuối cùng ấy của đôi người yêu. Họ, cả hai trong hai căn nhà cách nhau chẳng bao xa, đều cùng thao thức, cùng bồi hồi, cùng trằn trọc những nỗi đau chia cắt nhưng cũng ngập tràn sự rực rỡ của sức mạnh quyết tâm, lý tưởng của tuổi trẻ vì đất nước, vì những người thân yêu.

Ban tinh ca chien tranh
Thiệp mời ám cưới của ông bà

Ngày ấy, tình yêu cháy rực trong họ, thế nhưng ra đi, bước vào cuộc chiến có thể là sẽ không trở về, người lính Ngô Thảo chẳng thể nào nghĩ đến chuyện cưới xin. Chỉ vài tháng sau ngày nhập ngũ, ông nhận được thư của bà đề nghị cưới. Có lẽ hơn ai hết, khi đó bà đã hiểu được sự khó xử của anh, hiểu được tình yêu của hai người và nhận lấy phần trách nhiệm lớn lao, khó khăn nhất về phía mình: ngỏ lời cầu hôn.

Viết về quyết định táo bạo “cọc tìm trâu” này của mình trong nhật ký, bà Bích Lộc tràn đầy băn khoăn, lo lắng nhưng cũng vô cùng quyết tâm: “Gửi thư cho anh rồi và rất lo lắng. Anh có được về không? Người ta sẽ nghĩ gì về em? Anh có hiểu em không? Quyết định ấy có đột ngột lắm không?

Anh chưa có một ngày hạnh phúc trọn vẹn, nên sao em lại không mang đến cho anh dù chỉ một ngày. Em yêu anh. Đơn giản thế thôi. Nếu sự việc không lành xảy ra thì có hề gì, bởi cưới hay chưa cưới cũng đau xót như nhau cả phải không anh. Và nếu cưới rồi em sẽ đỡ ân hận hơn nhiều bởi em có một điều an ủi lớn lao là đã làm cho anh hạnh phúc”.

Không trả lời thư bà nhưng chỉ vài ngày sau cuộc thi bắn đạn thật đạt loại giỏi, ông về Hà Nội. Họ chuẩn bị cho đám cưới với ba đồng trợ cấp của người lính, trong ba ngày phép. Bạn bè cũ gom góp nhau được mấy chục. Cô dâu kịp may một chiếc áo cưới. Những tấm thiệp mời bạn bè được chính tay chú rể nắn nót viết.

Họ tổ chức ngày vui vào ngày 13/5/1965, tại garage của nhà một người bạn. Không có tuần trăng mật, cưới xong người lính quay trở về đơn vị ngay và từ đó tình yêu của họ được nối dài bởi những cánh thư chiến trường.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI