Truyền hình thực tế: “Khát” giám khảo

02/04/2013 - 10:55

PNO - PN - Việc liên tục nhận được những cái lắc đầu trong công cuộc “săn” người ngồi ghế “nóng” của Công ty Cát Tiên Sa cho Giọng hát Việt - The Voice mùa thứ hai, cộng với sự nhạt nhẽo trong nhận xét, mâu thuẫn giữa đánh giá và...

Thừa mà thiếu

Theo lịch, Giọng hát Việt mùa thứ hai sẽ bắt đầu ghi hình vào tháng Tư này để phát sóng tập đầu tiên vào 12/5. Thế nhưng, ngoài ca sĩ Hồng Nhung, hiện chương trình vẫn chưa nhận được cái gật đầu nào cho ba chiếc ghế huấn luyện viên còn lại, dù đã gửi đi nhiều lời mời. Cơn “khát” GK của THTT còn thể hiện ở những chương trình đã và đang phát sóng với các GK chính thức và GK khách mời chỉ biết nói những lời hoa mỹ mỗi khi xuất hiện. Dù ngồi ghế “nóng” nhưng những GK đó, hoặc gần như chẳng có vai trò gì hoặc thể hiện lỗ hổng đáng ngại về chuyên môn. Ngỡ như việc nhận diện một dòng nhạc là điều quá dễ dàng đối với các nhạc sĩ, thế nhưng chính các GK - nhạc sĩ ấy lại mâu thuẫn nhau, bài bác nhau về jazz hay không jazz trong đêm chủ đề Jazz và RnB của chương trình CĐHH. Sự việc trên dẫn đến ca sĩ Mỹ Lệ phản pháo GK Lưu Thiên Hương ngay trên sóng trực tiếp và kéo theo sau đó là trận “khẩu chiến” tứ phía trên truyền thông và cả mạng xã hội. Điều cuối cùng đọng lại ở những cuộc tranh cãi này là sự hoang mang của khán giả về những vị GK. Thực chất, họ là ai, họ có chuyên môn “cao siêu” cỡ nào đến nỗi công chúng rối vì bị “tung hỏa mù”?

Riêng với GK vốn là một vị đạo diễn điện ảnh tên tuổi, người đang “cầm cân nảy mực” ở hai chương trình phát sóng song song là CĐHH và BNHV, cái mỉm cười đủng đỉnh, sự thể hiện mình trong mỗi phần nhận xét đã làm khán giả chán ngấy khi chứng kiến vẻ “ta đây cái gì cũng biết” nhưng thật ra là chẳng biết gì cho tường tận của ông. Trên các trang xã hội, nhiều ý kiến kêu ca về vị GK này: “Một ông đạo diễn mà thứ Bảy chấm nhảy, Chủ nhật chấm hát thì làm sao có được những lời nhận xét mang tính chuyên môn?”. Dù hơi cũ nhưng có lẽ cũng nên nhắc lại chuyện huấn luyện viên của Giọng hát Việt mùa thứ nhất, khi một người không có chút trình độ nào về nhạc lý lại đảm nhiệm vai trò huấn luyện cho thí sinh như Đàm Vĩnh Hưng. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự trái khoáy của cái gọi là GK của THTT Việt. Cho nên, dù hàng đêm vẫn có người ngồi trên ghế “nóng” tung những lời nhận xét, nhưng GK đúng nghĩa thì tìm đỏ mắt mới thấy được một, hai người.

Truyen hinh thuc te: “Khat” giam khao

Lần đầu tiên ngồi ghế giám khảo Cặp đôi hoàn hảo, Lưu Thiên Hương (thứ hai từ trái sang) luôn cố tạo ấn tượng từ ngoại hình đến lời nhận xét mang tầm “vĩ mô”

Công chúng: Tốn tiền và chịu đựng

Thực tế, việc thiếu GK hay những gương mặt không đủ chuyên môn chễm chệ ngồi ghế GK như hiện nay không đồng nghĩa với showbiz Việt không còn những lựa chọn tốt hơn. Cái khó là số người này gần như không chịu xuất đầu lộ diện vì nhiều lý do khác nhau. Tùng Dương sau khi từ chối Giọng hát Việt mùa đầu tiên để chọn Sao Mai điểm hẹn 2012, một lần nữa lại tiếp tục từ chối ở mùa thứ hai này. “Tôi bận nhiều dự án, hơn nữa tôi nghĩ mình cũng không phù hợp với chương trình như Giọng hát Việt”, Tùng Dương cho biết. Ca sĩ Thanh Lam, sau khi thể hiện được hình ảnh một GK chuyên môn tốt, chừng mực về nhận xét tại Tiếng hát truyền hình 2012 cũng được mời ở mùa thứ hai này nhưng hiện chị vẫn chưa gật đầu… Một cách nào đó, sự ngần ngại, từ chối của những người có tài và có tâm thật sự trước nhiều chương trình là hệ quả của hướng đi đầy tính “ăn xổi ở thì” của THTT Việt.

Cũng chọn những gương mặt có lượng fan đông, độ “hot” cao nhưng nếu như THTT các nước chú trọng cả khả năng chuyên môn, đủ sức đưa ra những lời nhận xét thuyết phục, thậm chí có thể thị phạm cho thí sinh, thì THTT Việt lại khác. Hướng những chương trình THTT đơn thuần chỉ là giải trí, đa số các chương trình THTT Việt chú trọng yếu tố câu khách mà xem nhẹ yếu tố chuyên môn. THTT Việt gần như “nói không” với những nhận xét thẳng thắn, những ý kiến chuyên môn xác đáng. Vì thế, sự “phân vai” cho GK, kẻ diễn vai từ tốn người trở thành nhân vật đanh đá, kẻ ngọt ngào người ngoa ngoắt - vốn vẫn hay có trong phiên bản của bất cứ nước nào để chương trình có thêm màu sắc, đã trở nên thiếu điều tiết tại THTT Việt. Đó là lý do công chúng vẫn thường phải chứng kiến chuyện các GK cho những nhận xét và số điểm mâu thuẫn nhau. Chưa kể, sự “phân vai” đó cuối cùng dẫn đến phân điểm và phân luôn người thắng kẻ thua. Rất hiếm những gương mặt dám bộc lộ chính kiến riêng như John Huy Trần trong Thử thách cùng bước nhảy, Luke Nguyễn trong Vua đầu bếp… Cũng như, để mời cho được nhạc sĩ Tuấn Khanh, ca sĩ Mỹ Tâm, Tùng Dương… ngồi vị trí GK và buộc họ nói theo kịch bản của nhà sản xuất là chuyện rất khó xảy ra.

Sau bao nhiêu năm với bao nhiêu chương trình THTT, người giữ được “lửa” qua các mùa quanh đi quẩn lại cũng chỉ là Quốc Trung, Hồ Hoài Anh… Tuy nhiên, dù hay nhưng cũ thì cũng không tránh được tình trạng nhàm chán, không còn gì hấp dẫn với người xem. Bài toán GK THTT vì thế vẫn chưa được giải, để rồi người chịu thiệt thòi cuối cùng chính là công chúng - người bỏ tiền nhắn tin và nuôi sống THTT Việt.

Thái Bảo - Vũ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI