Bỏ tiền mua phong cách

12/08/2018 - 06:47

PNO - Gần đây, dịch vụ làm đẹp, tìm phong cách có nhiều khách hàng mới là các doanh nhân, công chức, tiểu thương, nội trợ… những ai cần “tìm phong cách” và ăn mặc đẹp một cách cơ bản.

Gần đây, mở Facebook, chị em dễ dàng nhìn thấy lời mời gọi tham gia các khóa học “gãi đúng chỗ ngứa” như: để đẹp hơn, yêu đời hơn và biết chiều chuộng bản thân hơn. Đẹp sao cho “chất”, cho có thần thái, phong cách, là điều nhiều chị em loay hoay và họ phải gõ cửa các “phù thủy diện mạo” với mức phí không hề nhỏ.

Bo tien mua phong cach
Ảnh minh họa

Lột xác sau dịch vụ “phù thủy diện mạo”

Bốn tháng trước, tôi tìm đến Công ty Eudoxia có văn phòng tại lầu 4 khu văn phòng của Sài Gòn Center (Q.1, TP.HCM) với mong muốn được “ăn mặc sao cho phù hợp nhất”. Giá tư vấn ở công ty này là 1 triệu đồng/giờ, “gói” dịch vụ đảm bảo là hai giờ. Tại đây, tôi gặp một vài phụ nữ như mình, họ có chung một mơ ước với mình: làm sao mua quần áo không phí tiền, làm thế nào không bị đứng trước tủ quần áo rất lâu mà chẳng biết mặc gì, làm thế nào để hiểu cơ thể mình mà chọn cách ăn mặc phù hợp nhất? 

Ngồi chờ tư vấn, chị Huyền Trang (Q.7, TP.HCM) kể một chuyện khiến ai cũng cười: “Tôi đi cùng cô thư ký tới hội thảo nọ. Đến nơi, ban tổ chức chạy ra tay bắt mặt mừng với cô thư ký, bỏ tôi đứng chơ vơ, tẽn tò. Có lẽ nhìn tôi “gớm”quá, chẳng có dáng vẻ gì là lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn. Sau bao lần bị lầm như thế, tôi quyết tâm thay đổi chính mình”.

Chuyện về những “tai nạn” trong ăn mặc có thể kể hoài không hết.Phần đông phụ nữ tin vào gu thẩm mỹ của mình. Nhưng thực tế không phải ai cũng có phong cách và diện mạo phù hợp. Ngồi với chuyên gia tư vấn Quế Phương, trả lời những câu hỏi họ đặt ra với khách hàng, tôi hiểu mình đã ăn mặc theo một lối cóp nhặt, quá nhiều thông tin mà không ra phong cách cũng như thẩm mỹ. 

Lâu nay tôi thích gì mua nấy, đôi khi vì thấy người mẫu mặc quá đẹp, thấy ưa nhìn thì mua. Quần áo tôi mua chưa mặc nhiều vô kể. Áo thì không có quần mặc phù hợp, đầm thì không hợp với phom dáng của mình. Tôi chỉ hiểu về cơ thể qua kiến thức lượm lặt trên mạng hoặc bạn bè. Cứ nhất nhất tuân theo những nguyên tắc: bắp tay to thì mặc áo có tay, vòng bụng to thì mặc đầm suông để che bớt khuyết điểm. Thế nên, lúc nào tôi cũng thấy mình có khuyết điểm và lúc nào đứng trước tủ quần áo tôi cũng không biết mình sẽ mặc gì, vì “chẳng có gì để mặc”). Chị Quế Phương hỏi: “Bạn cảm thấy điểm nào trên cơ thể khiến bạn hài lòng nhất?”, tôi trả lời là vòng 3. “Phần nào khiến bạn cảm thấy xấu nhất?”, tôi cho rằng khuyết điểm của tôi là bắp tay to. Chúng tôi trao đổi thoải mái về những màu sắc thời trang hấp dẫn tôi nhất, về kiểu áo quần tôi ưa thích khi đi làm, đi tiệc, đi chơi. 

Sau phần trao đổi, tôi được biết cơ thể tôi thuộc dạng quả lê, tông da của tôi không sáng, nên màu đỏ là màu tuyệt đối tôi không được mặc, dù đó là màu tôi thích nhất. Kiểu đầm peplum nhấn eo sẽ giúp tôi tôn vòng eo của mình, khiến tôi mảnh mai hơn, chứ không phải kiểu đầm suông.  

Sau hai giờ, phía công ty đưa cho tôi bản tổng kết buổi nói chuyện và tôi bắt đầu chiến dịch thay đổi mình, lúc nào cũng nhớ như in: “Khi mặc màu vàng, chỉ nên sử dụng son màu nude”.

Bo tien mua phong cach
Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Kim Quý (Q.1), một khách hàng từng sử dụng một dịch vụ tư vấn ăn mặc ở TP.HCM thừa nhận mình hoàn toàn lột xác sau đợt “cải tổ”. Chị chia sẻ thêm rằng, chính chúng ta phải hưởng ứng và chấp nhận sự thay đổi nếu muốn trở thành người biết chọn trang phục phù hợp với công việc, nơi chốn. Do công ty tư vấn thiết kế riêng cho tôi một bảng hướng dẫn cụ thể kiểu “đo ni đóng giày” nên tôi chỉ việc mua sắm quần áo theo gợi ý. Đi ký hợp đồng với đối tác, tôi mạnh dạn chọn bộ suit có dáng quần lửng, áo ngắn hở ngực, màu xanh da trời phù hợp với da, chứ không đóng khuôn mình trong những bộ đầm công sở màu đen trắng nghiêm túc nữa. Tôi vốn thích kiểu nữ tính “bánh bèo”, nhưng tuổi tác và cả phom dáng cơ thể thực tế đã không còn hợp với bèo nhún, giờ thì khác, tôi đi chơi khỏe khoắn trong jeans lửng, sơ-mi cách điệu tay phồng, vừa sang trọng, vừa khỏe khoắn. Thế đấy, thay đổi luôn cần có thời gian và lộ trình.  

Tại Công ty Eudoxia, dịch vụ đắt khách nhất chính là “trợ lý mua sắm” và “dọn dẹp tủ quần áo”, với giá 500.000 đồng/giờ. Các tư vấn viên có nghiệp vụ sẽ cùng khách hàng đi mua sắm quần áo, tránh tình trạng mua mà không mặc được, giúp khách “kìm hãm những cơn mua sắm sảng”, đặc biệt là những dịp có tiệc, phải tiếp khách quan trọng hay trước một buổi hẹn hò.  

Giá của “thần thái”

Nghề tư vấn phục trang trước kia chỉ gói trong thế giới của các ngôi sao showbiz, để xuất hiện với những bộ quần áo lộng lẫy, tạo phong cách không “đụng hàng”. Một số doanh nghiệp như tập đoàn DIC, LG, 3M, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thuê các chuyên viên làm đẹp và phong cách tới huấn luyện nhân viên cách trang điểm, phục trang, chào hỏi.

Bo tien mua phong cach
Một buổi tư vấn phong cách của style coaching Bùi Việt Hà

Gần đây, dịch vụ làm đẹp, tìm phong cách có nhiều khách hàng mới là các doanh nhân, công chức, tiểu thương, nội trợ… những ai cần “tìm phong cách” và ăn mặc đẹp một cách cơ bản. 

Bùi Việt Hà, một style coaching chia sẻ: để tư vấn được phong cách cho phụ nữ, trước tiên, style coaching phải trở thành người bạn tin cậy với chị em, hiểu ưu khuyết điểm của chị em cùng hoàn cảnh, công việc, điều kiện tài chính… tìm ra những cặp lời khuyên nên - không nên, phù hợp - không phù hợp.

Dịch vụ này của trung tâm làm đẹp Bodyline, nơi có sự tham gia tư vấn của Bùi Việt Hà, đang dần đông khách. Phí một buổi học kéo dài từ 9g đến 17g là 10 triệu đồng. Làm việc cụ thể với người tư vấn, khách hàng sẽ có kiến thức sở hữu một tủ quần áo đa dạng, đa dụng, nắm được các nguyên tắc về cách phối trang phục, phụ kiện. 

Cô gái Thư Vũ - dịch giả của nhiều đầu sách về thời trang đình đám, vừa tốt nghiệp loại xuất sắc của Đại học Rmit chuyên ngành quản lý kinh doanh thời trang, cũng lập tức gia nhập thị trường tư vấn ăn mặc. Chi phí hiện tại các buổi tư vấn của Thư là 400.000 đồng/buổi, một gói bao gồm hai buổi, khoảng 10 người một khóa.

Tuy vậy, từ thực tế một số khách hàng, có thể thấy, không phải ai cũng “từ vịt thành thiên nga” sau một vài buổi học. Nếu rủi ro gặp phải tư vấn viên thiếu kinh nghiệm và không có tâm để đeo đuổi tìm ra điểm mạnh yếu, thấu hiểu tâm lý và thói quen của khách hàng, dễ xảy ra trường hợp “người  một đằng, trang phục và phong cách một nẻo”. Vẻ đẹp bên trong cần kết hợp với bề ngoài một cách hợp lý để tạo sự tự tin và sức hút riêng, không nên gắng sức, gượng ép...

Khảo sát tư vấn phong cách
Chuyên viên: Bộ phận nào khiến chị hài lòng nhất trên cơ thể mình?
Khách:  Môi, vòng 3.
* Bộ phận nào cho chị cảm giác bất ổn nhất, hay cảm thấy không hài lòng?
- Răng, bắp tay.
* Màu sắc ưa thích nhất của chị?
- Đỏ, cam.
* Phong cách hằng ngày của chị là gì, chị có thể miêu tả được không?
- Tôi không xác định được phong cách của mình.
* Thương hiệu thời trang yêu thích của chị?
- Tôi không có thương hiệu thời trang yêu thích, mua quần áo ngẫu hứng, tùy tiện, thấy đẹp thì mua. Thu nhập không đủ để sắm sửa quần áo đắt tiền, chủ yếu sử dụng thời trang “nhanh”. 
* Thương hiệu túi xách và giày yêu thích?
- Cũng không có. Chủ yếu tôi sử dụng giày và túi xách là hàng sản xuất trong nước.

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI