Voi Zimbabwe chết vì hạn hán và… thiếu tiền

23/10/2019 - 06:00

PNO - Voi chết hàng loạt do hạn hán kéo dài ở Zimbabwe, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Nằm sâu bên dưới cái tin đáng buồn đó là chuyện… khủng hoảng kinh tế, và mâu thuẫn giữa các nhà bảo tồn với chính phủ..

Voi chết vì hạn hán… 

Kể từ tháng 9 năm nay, một đợt hạn hán khốc liệt đã làm giảm mức độ cây trồng ở Zimbabwe. Một phần ba dân số ở đất nước châu Phi này được cho là cần viện trợ lương thực, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra.

Trước đó, hồi tháng 8, một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới, thuộc Liên Hiệp Quốc, cho biết: hai triệu người ở Zimbabwe đang “đối mặt với khủng hoảng lương thực”, có nguy cơ bị chết đói.

Voi Zimbabwe chet vi han han va… thieu tien
Những con voi bên nguồn nước trong Công viên Quốc gia Hwange, Zimbabwe, hồi tháng 11 năm 2012. Tới nay, đợt hạn hán kéo dài từ đầu năm 2019 đã làm cạn khô mọi nguồn nước ở đây (nguồn: CNN)

Zimbabwe là một quốc gia không giáp biển, nằm ở phía nam lục địa Phi, nổi tiếng với thác Victoria trên sông Zambezi, và nhiều khu bảo tồn hoang dã, cùng quần thể voi lớn nhất thế giới.

Ở Hwange - công viên quốc gia khổng lồ của Zimbabwe, hạn hán cũng làm cạn kiệt nguồn nước. Trong hai tháng hạn hán vừa rồi, ít nhất 55 xác voi đã được tìm thấy trong công viên quốc gia. Chúng chết vì đói và khát.

Theo BBC (21/10/2019), xác của chúng nằm ở các hố tưới nước đã khô cạn. Một số xác voi khác cũng được tìm thấy trong vòng 50 mét quanh vùng đất trũng lòng chảo có nước, cho thấy chúng đã đi xa và chết trước khi tiếp cận được nơi còn có nước.
Một số voi khác đã bị dân dịa phương giết chết, khi chúng lang thang tới các ngôi làng ở gần công viên quốc gia để tìm thức ăn và nước uống. 

Bên cạnh đó, từ tháng 1 tới nay, đã có 20 người thiệt mạng vì cuộc xung đột giữa người với động vật hoang dã. “Mới tuần trước thôi, một con voi đã giẫm đạp một người đàn ông đến chết trong một khu định cư địa phương, sau khi anh ta cố gắng xua đuổi nó, lúc nó lang thang vô tìm nước uống ở phía sau khu vườn của anh ta.” – bà Tinashe Farawo, người phát ngôn của Cơ quan quản lý các công viên quốc gia và động vật hoang dã của Zimbabwe, kể với hãng tin CNN, hôm 21/10/2019.

Bà Farawo cho biết: hiện nay, cơ quan quản lý công viên đang cho khoan một số giếng, có thể sâu tới… 400 mét, hòng tìm được nguồn nước uống cho thú rừng.

Voi cũng chết vì nhiều nguyên nhân khác

Do các công viên quốc gia ở Zimbabwe không nhận được tài trợ của chính phủ, nên ngay việc khoan giếng như vậy cuối cùng cũng lâm vào cảnh “thiếu tiền để tiếp tục”, bà Farawo nói thêm.

Voi Zimbabwe chet vi han han va… thieu tien
Một số voi được tìm thấy ở gần các vùng đất lòng chảo từng có nước khi bắt đầu cơn hạn hán (Getty Images).

Thiếu tiền để quản lý động vật hoang dã đúng cách, đó mới là vấn đề “bên dưới tảng băng”, và chuyện này cũng chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế ở Zimbabwe.
"Những con voi đã gây ra sự hủy diệt lớn đối với thảm thực vật ở Hwange.” - bà Farawo nói – “Công viên này được thiết kế cho 15.000 cá thể voi, nhưng số lượng voi châu Phi ở đây hiện đã lên tới 53.000 con. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị được phép bán những con vật này, để có thể gây quỹ cho an ninh và thực phẩm của chúng.”

Zimbabwe là quốc gia có quần thể voi lớn nhất châu Phi, khoảng 84.000 con. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, hiện nay Zimbabwe chỉ có khả năng bảo tồn khoảng 56.000 cá thể, do thiếu năng lực tài chính, và thiếu cả khả năng ngăn chặn nạn săn voi trái phép. 

Chính phủ Zimbabwe thường phàn nàn về số lượng voi quá nhiều ở nước mình, cho rằng việc bán voi sẽ giúp giảm bớt dân số các đàn voi. Hồi tháng 5/2019, Zimbabwe đã thu được 2,7 triệu USD nhờ bán 90 con voi cho Dubai và Trung Quốc, và nói rằng lợi nhuận sẽ được đầu tư vào các nỗ lực bảo tồn động vật.

Thế nhưng giải pháp bán voi cho các công viên nước ngoài đã bị nhiều chuyên gia phê phán mạnh mẽ. Họ cho biết những con voi non đã bị vùi dập, bị chấn thương và chuyển ra nước ngoài, tới các sở thú không phù hợp, bên Trung Quốc.

Mới nhất, các nhà hoạt động ở Zimbabwe đã vận động tòa án tối cao ra lệnh cấm thực hiện một kế hoạch xuất khẩu 35 voi con.

Theo Lenin Chisaira, giám đốc của Advocates4Earth - một nhóm thách thức kế hoạch bán 35 voi con cho các nước ở châu Á, vấn đề khan hiếm nước tại công viên quốc gia không đủ để biện minh cho việc bán voi.

Trả lời phỏng vấn của CNN, ông Chisaira cho biết: “Trong nhiều năm qua, chính phủ Zimbabwe đã cho phép phát triển hoạt động khai thác mỏ ở Hwange. Điều đó vừa làm giảm diện tích đất gặm cỏ của thú rừng, vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Thực tế đó khiến các loài thú hoang dã không còn cách nào khác ngoài việc đi lang thang khắp nơi, bên ngoài công viên, để kiếm sống.”

“Chính phủ cần thẳng thắn sửa chữa tất cả những điều ấy, thay vì đổ trút lỗi cho hạn hán.” - Chisaira đề nghị.

Nhựt Minh (theo BBC, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI