Châu Âu không bình yên

26/03/2016 - 09:57

PNO - Biểu tượng châu Âu bình yên, châu Âu liên minh đã bị phá vỡ từng mảng lớn qua những vụ khủng bố tàn bạo.

Sau Paris cuối năm 2015 với loạt tấn công đẫm máu khiến 130 người chết, châu Âu một lần nữa rúng động khi thủ đô Brussels của Bỉ bị đánh bom ngày 22/3. Hai vụ nổ liên tiếp, đều là khủng bố mang bom tự sát, một ở sân bay quốc tế và một ở ga tàu điện ngầm, khiến hơn 30 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Nỗi bất an, lo lắng, sợ hãi đến mức kinh hoàng hằn rõ trên mặt các nạn nhân, trong dáng vẻ như trốn chạy khỏi hiện trường, trong ngổn ngang gạch đá và những phần trang trí của sân bay nát bươm vì sức công phá của bom.

Biểu tượng châu Âu bình yên, châu Âu liên minh đã bị phá vỡ từng mảng lớn qua những vụ khủng bố tàn bạo. Những tin đồn, phỏng đoán, tiên lượng xấu loang ra: năm 2015 chỉ là diễn tập, kịch bản khủng bố của năm 2016 khủng khiếp hơn nhiều và đây chỉ mới là khúc dạo đầu. Cũng có phân tích tích cực hơn cho rằng những cuộc đánh bom này thể hiện sự quẫn bách, rối loạn trong chiến lược của khủng bố. Dù nói gì đi nữa, sau những vụ nổ này, nỗi sợ hãi vẫn đang ngự trị trên tất cả. Dưới áp lực của nỗi sợ hãi đó, sự bất an, sự mất lòng tin lây lan trong người dân.

Chau Au khong binh yen
Những cuộc tấn công nhằm cô lập người dân trong nỗi sợ hãi

Các phương tiện truyền thông cho biết cảnh sát Bỉ đã bắt Salah Abdeslam, nghi phạm chính trong vụ thảm sát Paris, kẻ đã lẩn trốn suốt nhiều tháng qua tại một xóm liều ở thủ đô nước Bỉ. Bốn ngày sau vụ bắt giữ được coi là một thắng lợi của cảnh sát, cuộc đánh bom đã nổ ra như một sự trả thù.

Những cuộc đối đáp của bạo lực, khủng bố đã khiến châu Âu náo động. Cho dù mối liên hệ giữa việc bắt giữ tên khủng bố này và vụ đánh bom có được vạch ra hay không, người ta vẫn lo lắng phập phồng trước bất kỳ động thái nào của nhà chức trách, e rằng nó sẽ làm bùng phát thêm vụ tấn công trả thù khác, mà rồi hứng chịu tất cả vẫn là dân thường.

Nước Bỉ không chọn biểu tượng quốc gia là vị thần mang tính chân lý thống lĩnh, hay chiến thắng, như các đất nước khác. Biểu tượng của nước Bỉ là chú bé Manneken - Pis đứng tè, dáng vẻ hồn nhiên, vô tư. Bức tượng chú bé Manneken - Pis chỉ cao 60cm, được coi là một trong những biểu tượng “nhỏ mà vĩ đại” của cả châu Âu. Ít quốc gia nào chọn biểu tượng theo cách như vậy. Đó là biểu tượng của tinh thần tự do, của sự bình yên. Nay thì, sự bình yên ấy đã bị phá vỡ.

Những vụ đánh bom nhắm vào dân thường, nhắm vào sân bay, vào ga tàu điện ngầm - những nơi tập trung nhiều người đi lại. Đó là những cuộc tấn công nhằm cô lập người dân trong nỗi sợ hãi. Các nước khối Schengen đã bỏ thị thực, để người dân có thể đi lại giữa các quốc gia trong liên minh một cách tự do. Nhưng những quả bom tự sát, và lớn hơn, mối nguy khủng bố đã nhắm tới việc phá vỡ những đầu mối giao thông, liên lạc này, phá vỡ sự tin cậy mà cộng đồng đã cố xây dựng, gìn giữ, để thay vào đó nỗi sợ hãi, nghi ngờ, bất an.

Cách Brussels hai giờ xe bus, từ một thị trấn miền bắc nước Pháp, một phụ nữ Việt cho biết gia đình chị đã đượ c khuyến cáo ở yên trong nhà gần hết cả buổi sáng, vì một người dân đã báo cảnh sát về chiếc va li của ai đó để trong buồng điện thoại công cộng trên con phố mà họ ở. Cả khu phố phập phồng lo sợ. Cảnh sát phong tỏa con đường, dò tìm bom trong chiếc va li bỏ ở buồng điện thoại kia. Cho đến gần hết buổi sáng, thông báo an toàn mới được chính quyền phát đi, mọi người mới có thể ra khỏi nhà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI