Quá tải chỗ học đầu cấp

20/06/2013 - 07:29

PNO - PN - Thời điểm này, các quận huyện ở TP.HCM bắt đầu gửi giấy gọi cho trẻ ra lớp đầu cấp. Bậc mầm non quá tải vì phải nhận hết trẻ năm tuổi. Trường tiểu học căng mình đón “heo vàng” (trẻ sinh năm 2007) ồ ạt vào lớp 1....

Qua tai cho hoc dau cap

Do số lượng học sinh lứa tuổi mầm non, lớp 1 tăng nên phụ huynh khó kiếm cho con em một chỗ học ưng ý - Ảnh: P.Huy

Mầm non: chen nhau học hè

Hơn nửa tháng qua, ngày nào anh Thành (P.9, Q.Gò Vấp) cũng canh me trước cổng Trường mầm non (MN) Hương Sen (Q.Gò Vấp) để xin cho con vào học hè. Cuối cùng, anh may mắn được toại nguyện, trong khi nhiều phụ huynh (PH) khác không được chấp nhận. Ban giám hiệu trường cho biết: Căn cứ vào số giáo viên (GV) chúng tôi chỉ nhận học sinh (HS) có giới hạn. Thời gian đăng ký vỏn vẹn bốn ngày. PH có nhu cầu thêm thì phải đợi đến đợt giữa tháng Bảy, có thể sẽ mở thêm lớp nếu có GV.

Nhiều PH nháo nhào tìm trường đăng ký cho con vào lớp học hè, với mong muốn từ suất học hè sẽ dễ có suất học chính thức hơn. Thế nhưng, trong thông báo học hè, Trường MN Hương Sen khẳng định: đối với HS mới, nhà trường chỉ nhận cháu vào học hè, chưa phải tuyển sinh chính thức vào năm học mới. Ngoài số HS cũ, trường tuyển thêm 100 cháu nhà trẻ từ hai tuổi đến mẫu giáo năm tuổi với các tiêu chí: hộ khẩu thường trú tại P.9, cha và mẹ đều là nhân viên nhà nước đang công tác tại Q.Gò Vấp, có anh chị đang học tại trường…

Mới đây, nhiều PH ở P.3, Q.Gò Vấp đã đến Phòng GD-ĐT để khiếu nại việc không thể xin cho con vào Trường MN Hoa Hồng. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết, do trường mới nghỉ hè, quận cũng chưa duyệt kế hoạch tuyển sinh đầu cấp nên trường không thể phát đơn. Thực tế, trường này không thể đáp ứng hết nhu cầu của cả phường, số còn lại được phân vào Trường MN Nhật Quỳnh, đây cũng là trường công lập nhưng nhiều PH “chê”.

Ở nhiều địa phương khác, PH cũng phập phồng tìm chỗ học cho con. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó phòng GD-ĐT Q.8 cho biết: Năm nay, các trường MN, nhóm trẻ... trên địa bàn có khả năng nhận khoảng 11.000 trẻ. Chúng tôi chỉ dám gọi 100% trẻ năm tuổi chứ gọi hết các độ tuổi sẽ không đủ chỗ học. Tỷ lệ HS trong độ tuổi nhà trẻ chưa tới 20%, mẫu giáo khoảng 76%. Tương tự, ở Q.5, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường MN năm nay chỉ đảm đương nổi 25% trẻ trong độ tuổi vào nhà trẻ, 85% trẻ ba tuổi vào lớp mầm và 100% trẻ năm tuổi vào lớp lá.

Ở Q.Tân Phú, tình hình còn căng thẳng hơn. Bà Chung Thị Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú nói: Quận còn hai phường chưa có trường MN công lập là Phú Thạnh và Hòa Thạnh nên sẽ không tiếp nhận HS trái tuyến ngoài quận. Tất nhiên, các trường cũng không thể kham hết số trẻ các lớp mầm, chồi và nhà trẻ… Do trường lớp có hạn, trong khi chủ trương của bậc MN là ưu tiên nhận hết trẻ năm tuổi, chắc chắn số trẻ bị “đánh bật” ra không phải là ít. Số trẻ này hoặc phải học các trường MN ngoài công lập, quốc tế có học phí cao; hoặc phải vào các nhóm trẻ, nhóm lớp gia đình với chất lượng còn nhiều lo ngại.

Đuối… vì năm đẹp, tháng tốt

Không chỉ quá tải ở bậc MN, năm học 2013-2014, các trường tiểu học (TH) sẽ “căng mình” đón nhận trẻ lứa tuổi “heo vàng” (SN 2007) ồ ạt vào lớp 1. Theo thống kê, toàn TP sẽ huy động 108.758 trẻ vào lớp 1, tăng hơn 6.000 trẻ so với năm học trước đó. Thế nhưng, ước tính của các nhà quản lý, con số tăng thực tế phải trên 10.000 trẻ, vì đầu năm học mới, trẻ đến tuổi đi học sẽ theo bố mẹ nhập cư vào TP.HCM. Trong khi đó, số HS ra lớp 5 năm học này chỉ hơn 88.000 chỗ. Tại Q.Bình Tân, qua thống kê, ước tính số ”heo vàng” sẽ vào lớp 1 khoảng 10.000 trẻ, tăng hơn 3.000 so với năm trước. Trong khi đó, số HS lớp 5 ra trường chỉ khoảng 50% con số này, nghĩa là nhà quản lý phải tính toán làm sao có thêm chỗ học cho khoảng 5.000 trẻ.

Số trẻ vào lớp 1 ở Q.Gò Vấp tăng gần 3.000 trẻ, trong khi đầu năm học này, quận khó có thêm trường tiểu học mới; P.9 và P.12 của quận còn chưa có trường TH công lập, buộc các trường lân cận dù đã quá tải vẫn phải gồng gánh thêm số trẻ của hai phường này. Theo kế hoạch, những HS cư trú tại P.12 phải học tại Trường TH An Hội (ngôi trường từng nổi tiếng vì quy mô cả trăm lớp) đến hết học kỳ I, sau đó lại “di dời” về học tại địa điểm của Trường THCS Tân Sơn. Bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng (Q.Gò Vấp) cho biết, trường chỉ có chín lớp 5 ra trường nhưng phải đón hơn 600 HS lớp 1, tăng gấp đôi so với các năm học trước. Tuy khó khăn nhưng chắc chắn vẫn phải đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả HS. Ưu tiên hàng đầu là đủ chỗ học nên chỉ mở một-ba lớp bán trú, những lớp còn lại sẽ trở về học một buổi.

Tương tự, Q.Tân Phú, Tân Bình… cũng tăng khoảng 1.000 trẻ so với năm học trước. Trong cuộc họp với UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cách đây không lâu, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận việc xây dựng, cải tạo trường lớp của TP không thể “đua” nổi với tốc độ tăng dân số cơ học. Cứ một vài năm là TP gần như có thêm một quận về dân số. Vì vậy, năm học mới này, nhiều trường dự đoán sĩ số khoảng 45-50 HS/lớp là bình thường, thậm chí trên 50 HS/lớp.

Hiện các quận đang lên nhiều phương án để đảm bảo có đủ chỗ học cho tất cả trẻ trong tuyến. Giải pháp ở Q.Bình Tân là giảm học hai buổi, bán trú tối đa… Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.6 yêu cầu các trường chỉ tổ chức cho trẻ học bán trú khi đảm bảo đủ chỗ học, cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc. Tân Phú vốn là một trong những quận có tỷ lệ HS TH học bán trú thấp nhất TP.HCM, chỉ hơn 20% và chắc chắn năm nay, tỷ lệ này sẽ còn giảm.

Cứ đến những năm mà dân gian quan niệm là năm đẹp, tháng tốt, số trẻ sẽ tăng đột biến. Khi trẻ lứa tuổi này đến tuổi đi học là áp lực kinh khủng. Dự án xây trường học không thể nói là làm ngay được. Chưa kể, GV cũng chỉ có chừng ấy người được định biên theo quy mô trường, không thể tuyển thêm. Giải pháp bắt buộc là tăng sĩ số lớp, nhồi nhét sao cho có thể nhận hết số trẻ theo luật; rồi cắt luôn học hai buổi, bán trú. Tất cả sẽ đi ngược lại với những tiêu chí hiện đại để nâng chất lượng như: sĩ số ít, dạy học cá thể hóa, trẻ được học hai buổi…

 Gia Tuệ - Nguyễn Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI