Ông nội trợ

10/07/2015 - 17:34

PNO - PN - Chị thích nhất là đi chợ với chồng. Chỉ khi đi chợ cùng anh, chị mới có cảm giác thoải mái, thư thả mua sắm. Đến chợ, anh ngồi trên xe đọc báo chờ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị thong thả dạo các sạp thực phẩm, từ từ chọn lựa, kỳ kèo trả giá. Chị luôn đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, nên việc lựa chọn phải có thời gian, không thể vội vàng nôn nóng. Chọn mua được vài món, chị mang ra để trên giỏ xe, rồi lại quay vào chợ tiếp tục chọn mua các món khác. Cứ thế, xong buổi chợ, ít nhất chị ra vào không dưới năm lần. Do vậy, các con chị không bao giờ đủ kiên nhẫn ngồi chờ mẹ. Nếu có chờ, chắc chắn chúng cũng càm ràm, nhăn nhó.

Còn anh, anh luôn biết hóa giải tâm trạng bực bội ấy bằng cách đọc sách báo mang theo. Vừa đọc anh vừa canh chừng, nhác thấy dáng vợ từ xa, với lỉnh kỉnh túi đựng thực phẩm, là anh vội vã chạy đến… Khi sang hết các túi qua tay mình, anh nhỏ nhẹ: “Chà, nặng thế này, chắc em đau tay lắm phải không?”. Nghe vậy, dù có nặng nhọc, chị cũng thấy… nhẹ hều. Chẳng là lâu nay chị bị viêm đa khớp, không thể mang nặng đi xa được. Chính cách ứng xử đầy yêu thương của anh đã khiến chị luôn yên lòng, tràn đầy hạnh phúc.

Anh lại rất thích thú khi cùng vợ đi siêu thị mua sắm, vì đó cũng là khoảng thời gian thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc. Và chị, tự bao giờ đã mặc định, hễ đi siêu thị là phải đi với chồng. Những khi ấy, anh thong dong đẩy xe theo chị. Ghé kệ, quầy nào anh cũng tích cực tham gia chọn hàng. Bất cứ món gì anh chị cũng xem rất kỹ hạn sử dụng. Anh thường nói vui, người tiêu dùng thông minh phải biết chọn ngày sản xuất mới nhất. Mà hàng mới nhất thường thì nhân viên siêu thị xếp ẩn vào phía trong và nằm dưới, anh rành cả cái “mẹo” nho nhỏ đó nữa.

Dù đi chợ, hay đi siêu thị; khi về đến nhà, anh không bao giờ bỏ mặc mình chị cất đặt, dọn dẹp. Trong lúc chị chế biến thịt cá, một công đoạn tốn nhiều thời gian, thì anh loay hoay đặt để các thứ hàng tiêu dùng vào đúng “địa chỉ”. Xong, anh quay sang nhặt tất cả các loại rau, rồi rau nào bịch ấy, anh xếp gọn ghẽ vào tủ lạnh trước. Với các thứ trái cây, anh rửa sạch, để ráo và cho vào tủ lạnh sau.

Những hôm chị không khỏe lắm, anh sẵn sàng “lội” chợ, kè kè theo chị. Chị mua xong món nào anh xách món ấy. Vì anh hiểu, với khớp tay đau nhức, chị không thể xách nặng, đi lòng vòng chen lấn cả tiếng đồng hồ được.

Ong noi tro

Chị thường chọn tuần anh nghỉ làm ca ngày để đi thăm ba mẹ, cậu dì… Chị hoàn toàn yên tâm khi giao hết việc nhà cho “ông nội trợ” đảm đang. Sáng dậy, anh đi chợ, về đến nhà loay hoay chế biến, nấu nướng… Xong bữa ăn, anh rửa chén bát, soong nồi… Tất nhiên, việc giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa là chuyện thường ngày rồi. Có bận rộn suốt ngày, với vô số việc không tên như thế, anh mới thấu cảm nỗi vất vả của vợ.

Hai vợ chồng vừa ngồi nhặt rau, vừa chuyện trò vui vẻ. Nhìn anh tỉ mẩn loại bỏ từng lá rau úa, rau sâu, bất giác chị nhớ lại anh chồng “gia trưởng” của thời mới cưới, của hơn ba mươi năm về trước, thuở còn ở quê. Anh thuộc dòng gia trưởng… “cha truyền con nối”. Mẹ chồng chị đã đúc kết: “Ổng (ý nói cha chồng chị) thà nhịn ăn chứ không bao giờ chịu vô bếp”.

Vì vậy, chị không ngạc nhiên khi “lịch sử lặp lại”. Có lần, lỡ buổi chợ, chị phải về tối, nhà hàng xóm đã lên đèn, nhưng khi chị vào nhà thì vẫn bếp lạnh tro tàn. Anh mê chơi bóng chuyền ngoài sân đến nỗi quên luôn con đang đói khóc. Lúc ấy, áo vắt vai anh mới đủng đỉnh về nhà. Nén bực bội, chị từ tốn: “Sao anh không nấu giùm nồi cơm cho con ăn?”. Anh trừng mắt sừng sộ: “Đó là việc của đàn bà". Chị ngước nhìn anh, vẫn đôi mắt hiền dịu, ánh lên vẻ bất bình, rạn vỡ... Tiếng con khóc quầy quả kéo chị đi. Anh giật mình níu nhìn theo vợ, như chợt bừng tỉnh trong mình một điều gì đó.

Anh bắt đầu tập sửa... suy nghĩ với quan niệm “hôn nhân là một quá trình tự điều chỉnh”. Muốn có đời sống gia đình ấm êm, hạnh phúc, những thành viên chính là chồng và vợ phải dày công vun vén. Việc đỡ đần, chia sẻ, chung tay việc nhà của người chồng là chuyện tất yếu.

Người ta ví việc ủi quần áo nặng nhọc không thua gì lái xe ủi... đất, anh chưa vội tin, cho đến khi anh tự giác thử ủi một lô quần áo để kiểm chứng thực tế. Đúng là không hề nhẹ nhàng như anh vẫn nghĩ. Và, anh lại thử lau nhà, chỉ cần sau nửa giờ, cả người anh đã vã mồ hôi như tắm. Từ đó, anh “ngộ” ra việc nhà không thể chỉ riêng là “việc của đàn bà” như anh hằng mặc định, mà là việc của mọi thành viên trong gia đình. Suy cho cùng, ai cũng tự giác làm việc nhà, là để tự phục vụ nhu cầu tối thiểu của chính mình mà thôi. Trong đó, đặc biệt nhất là việc sẻ chia, chung tay góp sức của người chồng sẽ giúp tạo nên một “không gian xanh” cho “ngôi nhà hạnh phúc

Được “khai tâm”, ban đầu anh chỉ tập tành, dần dà siêng năng hơn, và bây giờ đã trở thành thói quen, thành nền nếp. Anh nhanh chóng hiểu rằng, khi người chồng chung tay việc nhà cùng vợ, thì ngoài việc san sẻ nỗi nhọc mệt về thể xác, còn tạo nên một niềm hứng khởi về tinh thần đối với người bạn đời của mình. Khi nhìn anh chị vừa rửa chén bát vừa chuyện trò cởi mở, sẽ thấy trọn vẹn niềm hạnh phúc viên mãn trong ánh mắt sáng rỡ, trong nụ cười nở hoa, và trong nét mặt tươi rói của chị.

 ANH ĐÀO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI