Nỗi buồn "gà trống"

10/07/2014 - 11:11

PNO - PN - Thực lòng mà nói, phụ nữ đơn thân bao giờ cũng thu hút sự chú ý nhiều hơn đàn ông đơn thân. Họ có câu lạc bộ “bà mẹ đơn thân”, có diễn đàn để cùng san sẻ cô đơn, có bạn bè để cùng "mắng mỏ" cánh đàn ông và cảnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi buon

Tự do nhưng...

Giằng co mãi đến hơn một năm rưỡi, cuộc hôn nhân của anh chị H. - T. mới chính thức đứt gãy. Chị theo chồng mới ra miền Bắc sống, anh ở lại thành phố với đứa con gái 12 tuổi, cha mẹ già, một cô em gái và căn nhà cũ. Tiền dự định xây nhà mới đã bay vèo theo những kiện tụng, chia bôi, bù đắp… Thoát khỏi cuộc hôn nhân, anh nhẹ hẳn người. Mọi thứ được anh hoạch định: nhà cửa bếp núc đã có má anh, công việc của anh đang tốt, em gái anh có thể chăm lo cho con bé. Nhìn chung, anh chẳng có gì lo lắng, nên mới khăng khăng giành quyền nuôi con. Vợ anh đã có chồng mới, anh không muốn con anh gọi “thằng chả” là ba, chị muốn đi đâu, mang gì theo, anh không chấp.

Cuộc sống “gà trống nuôi con” chẳng có gì đáng phải lo lắng. Gà nào nuôi gà nào thời này cũng là nuôi công nghiệp thôi. Kinh tế vững vàng, thương con, thế là đủ! Những suy nghĩ đó đã hình thành từ lâu trong anh. Anh nghĩ mình hoàn toàn tự do. Cho đến ngày, con “gà công nghiệp” của anh bỏ nhà đi bốn ngày, vì anh mắng nó hỗn láo hôm cô bạn gái anh đến chơi. Anh bắt đầu nhận ra mình không hề tự do như mình tưởng. Ông bà nội xót cháu, ngất lên ngất xuống, cứ nghĩ cháu gái mình bị bắt cóc. Cô bồ mới trẻ trung nhìn cảnh nhà anh, ngán ngẩm bảo thôi từ từ hãy cưới.

Anh thấy rõ, mình không đủ khả năng chăm cả con bé đang thời kỳ ẩm ương, lẫn hai ông bà già thường xuyên đau nhức mình mẩy, lạt miệng khó ăn khó ngủ. Ngày vợ cũ anh còn, chỉ nghe ông bà ca thán con dâu, chứ không có mấy vụ này, hay cũng có, mà anh không biết?

Dấu tích người xưa

Khoe với mấy bà đồng nghiệp cái thẻ khách hàng của một siêu thị lớn ở thành phố, anh Th. tuyên bố: đảm đương vai trò làm vợ thì có gì mà khó khăn! Thế nhưng, hỏi đến ngọn ngành tấm thẻ ấy, mới thấy chuyện cũng không đơn giản.

Sau ngày anh chị chia nhà, anh bắt đầu hành trình gà trống nuôi con bằng một buổi dẫn con đi siêu thị. Cha con ríu rít vui vẻ, thậm chí vui hơn cả khi còn mẹ con bé, vì anh không hạn chế, con gái tha hồ lựa cái gì nó muốn. Lúc tính tiền, cô nhân viên thu ngân hỏi anh có thẻ khách hàng không, anh lắc đầu. Cô hỏi chứng minh nhân dân, anh bắt đầu thắc mắc: chẳng lẽ có luật bắt đàn ông đi siêu thị phải trình CMND? Anh tính cự nhưng nghĩ thôi bỏ qua. Kinh nghiệm cay đắng là không bao giờ tranh cãi với phụ nữ. CMND và bằng lái xe là vật bất ly thân, anh mở bóp lấy đưa ngay cho cô thu ngân mẫn cán. Cô đưa cho anh một tờ giấy, bảng ghi thông tin, đề nghị anh điền vào để làm thẻ khách hàng, tích điểm thưởng. Ba cái trò tích cóp cò con, anh chẳng quan tâm. Định phẩy tay cho qua, thì con bé đã cầm lấy tờ giấy, đòi để nó làm. Thôi thì chiều con vậy. Ghi cắm cúi một lúc, đi tới đi lui mấy quầy, đến lúc cầm được cái thẻ, con bé bảo: “Mẹ cũng có một cái thẻ khách hàng như vậy…”.

Noi buon

Th. nghe như mình bước hẫng một nhịp. Hóa ra vợ cũ của anh vẫn còn đó, trong cái thẻ khách hàng mà con bé nhớ. Cái thẻ thực cô ấy mang đi rồi, nhưng cái thẻ - thói quen thì còn lại! Con gái đâu biết, không chỉ riêng cái thẻ khách hàng, mẹ nó đã mang đi bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời ba nó, không thể kể xiết. Những gói đồ trên tay trở nên nặng trĩu. Anh chở con rời siêu thị về, chỉ muốn để con bé vào nhà rồi quay xe đi tiếp, chợt thèm một chầu nhậu say cho quên đi nỗi cay đắng vừa cuộn lên trong lòng.

Họp phụ huynh cuối năm, cả lớp 6 của con trai anh B. có 45 học sinh, chỉ có con anh là học sinh trung bình. Cô giáo chủ nhiệm nói như van xin trước cả lớp: phụ huynh nên chuyển cháu sang trường khác, vì ở đây cháu không có chút tự tin nào khi vào lớp học, ở đây thầy cô giảng bài nhanh theo học lực chung, còn cháu thì quá yếu, mất căn bản lại hay nói hỗn… Phụ huynh trong lớp xì xầm. Anh ngồi yên, cúi xuống mặt bàn chi chít những hình trẻ con vẽ vời vô nghĩa. Cuối buổi họp, anh nói thật lòng với cô: vợ tôi đấy, mà chính xác là vợ cũ. Cô ấy đã chạy chọt bằng được để cho con vào học ở trường chuyên nổi tiếng này, để vênh mặt lên với chồng: anh không lo nổi cho con thì để tôi lo! Chúng tôi vừa ly hôn, cô ấy bỏ đi rồi… Anh không trách cô giáo vô tình, hứa sẽ dành thời gian kèm cặp con cẩn thận trong hè, sao cho vào năm sau nó học khá lên một chút. Giờ chuyển con sang trường khác biết thế nào mà chuyển. Đó là chưa nói, mai kia chẳng may vợ cũ của anh biết, thế nào cũng sinh chuyện ồn ào, lôi thôi chứ chẳng chơi… Chuyện học của thằng bé không hề đơn giản. Sau mấy tuần kèm cặp, cả cha lẫn con đều phờ phạc. Anh đành chọn cách cho con đi học thêm. Con đường đưa đón bắt đầu. Thời gian thằng bé ở lớp học thêm còn ít hơn thời gian anh chạy đi chạy về đưa đón nó. Bao nhiêu công chuyện của anh dở dang, mà có vẻ nó chưa khá lên được bao nhiêu. Có lần tan lớp, thằng bé cứ lần chần trong trường, ra trễ bắt anh phải đợi, anh tát con một cái trời giáng. Nó khóc “má ơi…”. Nỗi nhục của thằng đàn ông từ ngày nào kia vẫn còn trong anh đến tận bây giờ, dội lên đắng chát.

Tập hai đối phó

Không thể một mình đương đầu mãi với những gian nan, nhiều "gà trống" đã chọn giải pháp “tập hai” như một sự cứu vãn tình thế, tùy thuộc vào diễn viên mà thay đổi kịch bản cho phù hợp, cốt sao có người cùng đỡ gánh nặng gia đình.

Đám chiến hữu của anh T. vô bàn nhậu vỗ vai nhau: từ ngày thằng T. bị vợ bỏ, nó cũng bỏ nhậu luôn hay sao mậy? Chắc nó đang… tu, để cua con vợ mới. Anh em mình ráng động viên nó, chứ để nó nuôi con vầy hoài chắc nó… tự kỷ luôn!

Trước, chở con tới trung tâm học thêm xong là anh B. trở xe chạy đi việc khác, nhưng hơn tuần nay, anh đã nhập hội đứng đợi con trước cổng trường. Nhìn những bà mẹ, những ông bố cũng nhàu nhĩ mệt mỏi như mình, người chống chân ngồi một mình, người tụm lại tán chuyện… anh lại thấy trước mặt mình nét buồn nản tù túng của một gương mặt đàn bà, mà anh từng rất khó chịu khi bắt gặp. Hình như vợ cũ của anh cũng từng đứng chỗ này đợi con mà anh không biết.

Có một thực tế ít người nói tới là: gia đình không hề biến mất sau ly hôn. Một khi nó đã được hai người cùng tạo ra, những dấu tích của nó là vĩnh viễn. Trong mỗi thành viên xa gần, trong mỗi bước trưởng thành hay tàn lụi của từng cuộc đời mà nó từng gắn kết lại, luôn luôn có bóng dáng của một gia đình. Những người đàn ông còn lại sau ly hôn đều biết có thêm một người đàn bà mới là chuyện dễ thôi, nhưng có được một gia đình mới là điều khó, khó lắm…

Gia đình không hề biến mất sau ly hôn. Những người đàn ông còn lại sau ly hôn đều biết có thêm một người đàn bà mới là chuyện dễ thôi, nhưng có được một gia đình mới là điều khó, khó lắm…

 HOÀNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI