"Hy sinh có nên là đức hạnh?": Thế nào là hy sinh?

28/03/2016 - 18:57

PNO - Cần nhìn lại cho đúng thế nào là hy sinh để khéo léo gắn kết cả nhà thành một khối, biết quan tâm, chia sẻ...

Từ lúc còn bé, chị em tôi đã được mẹ tập thói quen tự chăm sóc vệ sinh thân thể. Con gái biết nấu ăn, dịp lễ tết biết gói bánh chưng, cắm hoa, trang trí nhà cửa. Con trai biết bơm sửa xe đạp, điện nước, sơn tường, không vứt đồ dùng bừa bãi, đỡ đần ba việc nặng nhọc. Mẹ tôi không thật sự giỏi hết mọi thứ, không mất quá nhiều thời gian loay hoay với việc nội trợ, nhưng nhà cửa luôn tươm tất. Mỗi khi làm việc gì, mẹ đều kéo các con vào làm chung, vừa đông vui vừa hoàn thành nhanh chóng.

Chị em tôi quen nếp, hễ thấy việc là cùng sốt sắng làm mà không nghĩ mẹ đã ý tứ giáo dục kỹ năng sống. Trong ngoài tươm tất, thời gian rỗi, mẹ tôi trồng kiểng, trồng hoa. Chỉ là thú vui an nhàn, nhưng mẹ có thu nhập riêng nhờ vào vườn kiểng nho nhỏ. Dù vậy, không một ai có thể nói mẹ không biết hy sinh khi chị em chúng tôi lớn lên đều có nền tảng hiểu biết nhất định về “quản trị cuộc sống”, tự tin hơn khi quản lý gia đình riêng.

Ảnh minh họa: Internet

Chị em song sinh của mẹ, dì tôi, cũng lớn lên trong vòng tay ngoại. Nhưng khi so sánh với mẹ tôi, ai cũng nói dì “số khổ”. Dì tôi giỏi lắm, nấu món gì cũng ngon, nhà ngoại có hội họp giỗ cưới thì đầu bếp chính luôn là dì. Có lẽ vì quá giỏi nên con cái làm gì dì cũng không ưng. Vì thế, mấy đứa em con dì của tôi đều dở tệ. Chính xác hơn là đứa nào xớ rớ vào bếp hay đến gần chỗ dì đang làm được một lúc thì đều bị... đuổi đi vì chẳng ai khiến mẹ vừa ý.

Dì cưới dâu, nhà gái thú thật: “Con tôi từ đó giờ chỉ biết ăn học, không phải động móng tay việc nhà, có gì nhờ chị chỉ bảo cho nó”. Dì vui vẻ: “Chuyện bếp núc ở nhà tôi bao hết, con dâu con gái ở với tôi không phải vào bếp, cháu nội cháu ngoại một tay tôi nuôi, anh chị yên tâm”. Các con dì thì khỏi nói, từ trai tới gái, đứa nào cũng bừa bộn. Quần áo giày vớ vứt lung tung.

Đến giờ giặt, dì phải tự đi từng phòng thu gom. Chén bát ăn xong bày đầy ra bếp, dì tự thu dọn rửa... Ngay cả dượng tôi cũng vô tư y hệt mấy đứa con, không bao giờ quan tâm chuyện lặt vặt trong nhà. Thấy dì tất bật, mẹ tôi không hài lòng, góp ý hoài, nhưng dì không nghe. Dì bảo đàn bà trong nhà phải hy sinh, lo cho chồng cho con, phẩm hạnh người phụ nữ bao đời nay đều thế. Mẹ tôi hỏi vậy sao không chia bớt cái “phẩm hạnh” ấy cho con gái, con dâu, dì nói “bọn trẻ thời nay khác rồi”.

Cực vì chồng con chưa xong, giờ dì thêm bận rộn với đám cháu. Ba đứa con lấy chồng, lấy vợ đều ở chung nên mỗi ngày dì “hầu” lớn nhỏ mười mấy người. Sáng sớm dậy lo nấu điểm tâm. Múc cho đứa lớn, đút đứa nhỏ ăn. Thay đồng phục giúp mấy đứa nhỏ, dắt chúng đến trường mầm non gần nhà trong khi cha mẹ chúng còn... ngủ nướng. Mẹ tôi thấy cảnh ấy, nhắc nhở, dì bảo kệ, tụi nó phải đi làm, để cho ngủ thêm chút nào đỡ chút ấy.

Mấy đứa em chỉ làm công việc văn phòng nhẹ nhàng, chẳng mấy vất vả. Chỉ tại chúng không biết sắp xếp thời gian, buổi tối thức khuya ngồi lướt internet nên sáng ra ngủ nướng là phải. Chúng vô lo nên đứa nào cũng giao chuyện chăm sóc con cái cho dì. Kết quả là mấy đứa nhỏ “đeo” bà hơn cha mẹ. Thức khuya dậy sớm, dì không còn thời gian nhìn lại bản thân nên quần áo nhăn nhúm, đầu tóc rối bời, trông rõ già hơn mẹ tôi. Đã vậy thêm phải cảnh cơm bưng nước rót cho dượng.

Mẹ tôi bảo nhà bên ấy, dì mà nằm xuống thì cả nhà loạn cào cào, vì từ lớn tới nhỏ đều sống quá vô tâm. Còn tôi thấy hy sinh như dì, đức hạnh như dì vừa thiệt thân, vừa khiến con cái... dở tệ.

Một chị bạn trẻ từng khoe trên facebook rằng một sáng Chủ nhật, như thường lệ, trong khi chị còn quấn chăn lướt mạng xã hội, con gái nhỏ tự pha ba ly sữa, một cho mình, một cho chị và một cho mẹ rồi đem đến tận giường mời mẹ. Hỏi chị của bé đang làm gì, bé nói chị nấu ăn dưới bếp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI