Đàn bà… quạu quọ

24/07/2015 - 11:51

PNO - PN - Quán cà phê sáng yên tĩnh.

Mọi người đang thưởng thức bữa sáng, thư giãn trò chuyện nhỏ nhẹ trong góc quán được bài trí trang nhã, bỗng nghe tiếng… chửi!

Người phụ nữ tầm ngoài 40 tuổi, đi cùng với chồng và hai con gái khoảng bảy, tám tuổi, lớn tiếng quát mắng nhân viên phục vụ chậm trễ vì mang thức ăn cho những người đến sau chị. “Làm ăn kiểu gì vậy, tôi đến trước mà. Đã bảo là mang cơm ra ngay cho hai đứa nhỏ đang đói bụng. Phục vụ kiểu gì vậy, đuổi việc đi!” - tiếng chị oang oang khiến nhiều người khách e ngại, quay lại nhìn. Hai người khách - cũng đã độ tuổi trung niên nhìn phần cơm được phục vụ trước của mình, tỏ ý nhường. Người phụ nữ ấy vẫn chưa thôi chua ngoa: “Không nhường gì cả, của ai người đó ăn! Ở đây là lỗi của phục vụ”. Tôi thấy có những cái lắc đầu. Còn người phụ nữ kia vẫn… mặt mày quạu quọ.

Tôi buông đũa ngồi ngẩn ra, bữa sáng thanh bình bị quấy nhiễu bởi những thanh âm đanh đá, chát chúa. Chỉ vài phút sau, các phần cơm nóng hổi ngon lành khác đã được bưng ra phục vụ bàn chị. Vậy mà… Không quan sát người phụ nữ đó lâu, tôi nhìn sang người đàn ông đi cùng chị. Anh ta cúi đầu. Chẳng thấy anh ta có lời nào ngăn vợ đừng tru tréo nữa.

Có vẻ người chồng như chịu đựng những ánh nhìn, có thể đó là cách anh ta ứng xử trước rất nhiều lần chị vợ nổi quạu một cách… vô duyên giữa bàn dân thiên hạ. Hoặc cũng có thể tình huống quá bất ngờ khiến anh bối rối. Tôi ngồi quan sát và suy đoán rồi tự hỏi, thời yêu nhau son rỗi, người phụ nữ ấy có… quạu quọ đến vậy không? Sao bây giờ ngồi bên gia đình - vốn là cội nguồn yêu thương mà chị lại dễ nổi cáu như thế? Làm sao để chị thôi quát tháo?

Ở vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, hai phụ nữ, một già một trẻ bị va quẹt xe và quyết định… rượt theo người kia chửi! Tôi vô tình đi cùng đường phía sau, thấy người chạy trước im lặng. Nắng đổ trên đầu, vậy mà hai chị cứ tuôn hết tràng này đến tràng khác vào người đàn ông ấy suốt một đoạn đường. Có lẽ thấm mệt, họ vòng xe trở lại.

Tôi tròn mắt kinh ngạc vì cuộc “bám đuôi chửi” này quả là độc đáo. Hóa ra họ không đi cùng đường với người bị chửi. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có mỗi một suy nghĩ: sao những người phụ nữ ấy có thể siêng đến vậy, rõ ràng cứ đường ai nấy đi và đừng có cuộc “rượt chửi” này có phải họ đỡ mệt hơn không? Người bạn đi cùng tôi bảo, chắc hai chị ấy có “nhu cầu chửi”, mà cũng có thể đó đã là thói quen chợ búa trong những ứng xử thường ngày.

Dan ba…  quau quo

Tôi có một người chị họ ở quê thường xuyên làm tổn thương con gái chỉ vì nóng tính, đổ quạu lên là không kiểm soát được hành vi. Có lần giận con nấu cơm khê, chị chẳng ngại lấy vá múc canh đánh vào đầu con. Lần khác con gái (14 tuổi) đi chơi về muộn, bỏ bê nhà cửa, chị cũng tức khí đánh cho mấy bạt tai.

Kiểu dạy con bạo lực khiến cô bé sợ hãi, cúi đầu răm rắp và làm gì cũng sợ. Không phải chị không thương con, lúc bình thường nhắc lại vẫn biết mình có lỗi, hứa với con sẽ không như thế nữa, nhưng lúc có chuyện gì thì đâu lại vào đó. Chị không biết những lần như thế, nhật ký của con gái đẫm nước mắt. Tuổi trưởng thành đi qua đầy những tủi buồn, nước mắt và sợ hãi, ảnh hưởng đến tính cách của bé về sau này.

Đâu phải tự nhiên mà người ta hay gọi những cô gái mới lớn là nai mà phụ nữ có gia đình lại trở thành… cáo già, sư tử Hà Đông? Có rất nhiều lý do để phụ nữ thay đổi tính nết, nhưng nói rằng do hoàn cảnh, áp lực cuộc sống, những lo toan, vất vả… có lẽ chỉ là một cách đổ lỗi. Chắc chắn rằng ai cũng sẽ gặp phải những điều muộn phiền, bực bội thường ngày. Chuyện ngoài ý muốn luôn xảy đến khiến người ta mệt mỏi, dễ nổi quạu.

Nhưng mỗi người một tính, một cách kiềm chế cảm xúc và hành xử khác nhau.Tôi nhớ hoài hình ảnh một vị nữ lãnh đạo cương nghị, nghiêm khắc nhưng luôn cư xử hòa nhã. Ngay cả khi đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng trên đường công tác, chị cũng luôn xử trí bằng sự trầm tĩnh, dù tôi thấy đôi mày chị chau lại, gương mặt cực kỳ căng thẳng và chắc chắn là giận cấp dưới, những người có liên quan. Cách xử lý của chị không có lời nói nào làm tổn thương đến ai. Sự ôn tồn kìm nén mới thật sự là bản lĩnh và giá trị của một nhân cách trước những sự cố bất đắc dĩ và cả những va đập của đời sống.

Có câu nói của các bậc thiền sư truyền dạy tâm an: “thở nhẹ và mỉm cười”. Đành rằng, chẳng dễ dàng gì để người ta có thể cười trước mọi tình huống gây bực mình. Chỉ có điều cảm xúc thuộc về bên trong, mỗi người hoàn toàn có thể tự điều khiển được. Đó chỉ là một dạng cảm xúc tồn tại ngắn hạn. Nhưng nếu không tiết chế được cảm xúc, ngôn từ một khi đã nói ra không cách gì có thể rút lại. Lời nói dịu dàng như một bát nước ngọt lành, ngược lại có thể là những nhát dao.

Khi bình tâm, chúng ta nhận ra một thực tế rõ ràng rằng: quạu quọ không giải quyết được cái gì, chỉ để lại “ấn tượng khó phai” trong lòng người khác. Tôi nghĩ, ai cũng có thể làm tan biến năng lượng tiêu cực, cảm giác quạu quọ, bực mình. Khi gặp sự cố, hãy thử nghĩ về điều yêu thương nhất trong cuộc đời, có thể sẽ thấy lòng dịu dàng trở lại.

 BÙI HOÀNG HẠC

Có câu nói của các bậc thiền sư truyền dạy tâm an: “thở nhẹ và mỉm cười”. Đành rằng, chẳng dễ dàng gì để người ta có thể cười trước mọi tình huống gây bực mình. Chỉ có điều cảm xúc thuộc về bên trong, mỗi người hoàn toàn có thể tự điều khiển được.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI