Cấp dưỡng 'người xưa'

02/04/2015 - 07:09

PNO - PN - ''Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là quy định mang tính nhân văn, phù hợp với đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam luôn coi trọng tình cảm, đề cao nhân nghĩa".

edf40wrjww2tblPage:Content

 Biết bỏ cho ai?

Không hề biết luật có quy định ràng buộc về trách nhiệm vợ chồng sau ly hôn hay không, nhưng bà Nguyễn Kim M. (chủ xưởng nhựa ở Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn tiếp tục cưu mang ông chồng già yếu vì ông cứ “nằm vạ” trong nhà bà. Trên thực tế, bà M. không dứt được “cục nợ” - ông chồng vũ phu, bài bạc, quen thói chôm đồ nhà. Đuổi đi, ông không hung hăng, bạo ngược như trước khi ly hôn mà đổ lì: “Nhà của tui đây, tui ở đây. Bà lấy quyền gì đuổi tui? Tui già yếu rồi biết đi đâu, làm gì, rồi cơm đâu tui ăn?”.

Dù tội nghiệp ông tuổi đã 68, lại mắc chứng bệnh hen suyễn nhưng bà chán ông đến tận cổ. Lần bà và con gái định đưa ông vào trung tâm dưỡng lão hay nhờ công an trục xuất khỏi nhà, ông bất ngờ lên cơn suyễn rồi tăng huyết áp, hai mẹ con phải tức tốc chở vô bệnh viện và túc trực chăm lo. “Không còn thương, không muốn nhìn mặt nhưng biết bỏ ổng cho ai?” - bà Kim M. ngao ngán.

Mở lòng với “cố nhân” cũng là chọn lựa không thể khác được của bà Nguyễn Ngọc Loan (nhân viên một nhà máy chế biến thực phẩm ở Q.Gò Vấp, TP.HCM), khi sau nhiều năm “theo cái”, ông bất ngờ trở về nhà. Thực ra, ông cũng chẳng còn sức để trở về. Nhân lúc bà đi vắng, “cái” đã chở ông đến “trả hàng”, bỏ mặc ông ngồi oặt ẹo trước cửa nhà bà với túi quần áo, đồ dùng cá nhân. Vẫn biết ông vừa phát bệnh tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người nhưng bà không ngờ ông thân tàn ma dại đến thế. Hỏi, ông ú ớ, cái miệng méo buông từng lời khó nhọc, bà nghe mà nước mắt cứ chực ứa.

Từ lâu, bà muốn loại bỏ tên ông và người đàn bà ấy ra khỏi trí nhớ. Đỉnh điểm của sự bạc bẽo, hèn hạ không phải là lúc ông nỡ bỏ bà lúc bụng mang dạ chửa, mà chính là khi bước ra cổng tòa sau phiên xử ly hôn, ông chộp lấy tay bà, cố tuột chiếc vòng ra, bẻ đôi, bỏ phân nửa vô túi, đi thẳng.

Với ông, chiếc vòng là tài sản chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân mà ông bỏ sót, quên kê khai để nhờ tòa phân chia… “Khi đi trai tráng khi về bủng beo, giờ nếu mình vì oán hận mà không mở lòng thì ai sẽ mở lòng với ông đây? Ông đâu còn ai thân thích, ruột rà ngoài mình và hai con. Thôi thì “làm phước” cho cha của con mình” - bà chua chát nghĩ. Bà giúp ông số tiền tạm đủ để thuê nhà, thuê người giúp việc, mua thuốc thang, tập vật lý trị liệu…

Lúc đầu, người thân của bà phản đối, các con cũng cự tuyệt. Bà kiên trì cắt nghĩa, giải thích, xoa dịu rồi dần tạo điều kiện để các con gần gũi, chăm sóc cha. Mỗi tháng bà đều đến thăm và “phát lương” cho ông. Thuốc thang chưa giúp ông khỏi hẳn di chứng bệnh tai biến, nhưng ông đã nói với bà được trọn vẹn tiếng “cảm ơn”. Có khi ông cầm tiền và cầm luôn bàn tay bà, ghì chặt…

Cap duong 'nguoi xua'

Chiếc phao cứu sinh

Thuận tình ly hôn với lý do sống không hợp nhau nhưng bà Trần Thị Cúc (53 tuổi, buôn bán, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại rấm rứt khóc ở tòa. Thẩm phán thấy lạ vì chính bà là nguyên đơn của vụ ly hôn, tòa đã chấp nhận yêu cầu, sao bà không toại nguyện? Hỏi ra mới biết, lý do khiến bà đau buồn, lo âu không phải vì tiếc nuối cuộc hôn nhân mười mấy năm mà vì bà đang mắc bệnh nặng, chi phí điều trị vượt quá khả năng.

Bà lấy giỏ, lôi ra cả xấp bệnh án, hóa đơn mua thuốc ở bệnh viện. Tiền lời bán bánh tráng trộn của bà gói ghém lắm cũng chỉ đủ cái ăn, cái mặc. Sắp tới, một mình sống trọ, buôn gánh bán bưng, bà không biết đào đâu ra tiền để tiếp tục trị bệnh. Cũng chính vì căn bệnh này nên bà không sinh con, và cũng không thể đáp ứng thú vui phòng the, khiến ông ra ngoài “ăn vụng”, rồi công khai quan hệ ngoài luồng.

Cùng làm lại từ tay trắng sau ly hôn nhưng so với bà, cuộc sống của ông ổn định hơn vì ông có thể nhờ vả anh em ruột. Vả lại, ông mới được thừa kế riêng một số vàng kha khá sau khi mẹ mất. Khi bà có yêu cầu được giúp đỡ, hỗ trợ, cám cảnh bệnh tật, neo đơn, thẩm phán đã vận động và thuyết phục ông cấp dưỡng một lần để bà chữa bệnh.

Lúc đầu, ông không chấp thuận vì đã ly hôn thì “mạnh ai nấy lo”. Sau khi được thẩm phán kiên trì giải thích, khơi gợi lòng trắc ẩn, ông đã chấp nhận cấp dưỡng một lần cho bà. Được một số tiền đáng kể, được san sẻ nỗi đau, bà Cúc có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật. Chồng cũ, ân nhân của bà Cúc bộc bạch: “Lúc mới nghe thẩm phán đề nghị cấp dưỡng cho bà ấy, tôi thấy họ thật vô lý và thiên vị, nhưng sau này tôi mới thấm. Cho bà ấy, tôi không mất đi số vàng đó mà một phần chuộc lại lỗi lầm với bà ấy, để tôi đỡ ray rứt. Họ hàng, bạn bè trước đây quay lưng với tôi, giờ biết chuyện này, đã tôn trọng và chấp nhận tôi hơn”.

Cap duong 'nguoi xua'

Bà Nguyễn Kim M. vất vả bươn chải kiếm tiền vừa lo cho con ăn học vừa phải chu cấp cho chồng cũ

Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là quy định mang tính nhân văn, phù hợp với đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam luôn coi trọng tình cảm, đề cao nhân nghĩa. Với người nghèo khó, gặp tai ương, nghịch cảnh thì sự trợ giúp ấy quý như chiếc phao cứu sinh trong cơn lũ dữ.

Theo luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 - Bộ Tư pháp), cùng với nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ, con, anh, chị, em…, nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ/chồng khi ly hôn đã được quy định xuyên suốt trong Luật Hôn nhân và gia đình sau bao lần sửa đổi, bổ sung. Nghĩa vụ này chấm dứt nếu bên được cấp dưỡng đã có thu nhập hoặc có tài sản để tự nuôi mình, đã kết hôn với người khác hay một trong hai bên qua đời.

Trên thực tế, việc yêu cầu cấp dưỡng giữa các bên khi ly hôn là trường hợp ít xảy ra vì nhiều người không biết có điều luật này. Khi đã đưa nhau ra tòa ly hôn, hai người thường không muốn nhìn mặt nhau, có cần cũng không “thèm” nhờ cậy; người kia sẽ phản đối, không chấp nhận cấp dưỡng cho vợ/chồng cũ; ngay khi tòa đã đưa nội dung cấp dưỡng vào bản án và có hiệu lực thì việc thi hành án cũng khó khăn, người cấp dưỡng trốn tránh, người được cấp dưỡng nản lòng, buông bỏ.

Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện đẹp về sự bao dung, bảo bọc, quan tâm ngay khi có thể dửng dưng, bỏ mặc vì đã không còn là vợ/chồng, vì người ấy đã gây cho mình nhiều tổn thương, đáng nhận lãnh “trái đắng”. Chữ “nghĩa” đã dẫn họ bước qua những hẹp hòi, sân si...

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI