Thấy thương thì làm

18/08/2019 - 17:31

PNO - Lặng lẽ thôi, “những kẻ lạ đời” dành chút sức mọn cưu mang những sinh vật bé bỏng đang bị thu hẹp dần chốn ở, thậm chí bị con người đối xử tàn nhẫn.

 Ở thành phố tấc đất tấc vàng này, mọi thứ cứ chuyển mình lên hiện đại một cách… hăm hở, nên khi nghe chuyện ai đó tự nguyện cưu mang bầy thú hoang, bọn chim trời thì người ta bỗng nghĩ: “ôi những kẻ lạ đời”, “những kẻ dở người”, “những người rỗi hơi”...

Nhưng có hề gì, thấy thương thì làm…

Ai yêu Sài Gòn mà không rõ, mảnh đất này luôn dung nạp trong mình hàng ngàn điều thú vị cho đến kỳ dị, lạ thường. Người yêu người, tự nguyện chăm sóc, nuôi nấng nhau dù xa lạ là chuyện xưa lắm rồi ở thành phố này. Người Sài Gòn còn âm thầm chăm sóc bầy thú hoang của thành phố bao năm qua. Lặng lẽ thôi, “những kẻ lạ đời” dành chút sức mọn cưu mang những sinh vật bé bỏng đang bị thu hẹp dần chốn ở, thậm chí bị con người đối xử tàn nhẫn. 

Thay thuong thi lam
Mỗi ngày ông Cường đều đặn bỏ tiền túi để mua thóc, đậu cho bọn chim trời

Chẳng hội nhóm, những trái tim cứ lặng lẽ, hoặc có khi đơn độc mang thức ăn, sữa ngon, vải ấm… đến với những sinh linh bé bỏng, tội nghiệp. “Thấy nó đau mà chịu không nổi”, “trót mê bọn này rồi, đố ai bỏ được con ơi”, “hỏng chăm tụi nó chết, mang tội”… giản dị vậy đó - câu trả lời của “những kẻ lạ đời” khi được hỏi, sao cứ mãi nặng tình với bọn thú hoang, chim trời. Nhìn họ ôm ấp, chăm sóc, chơi đùa với chim, chó, mèo… tựa như lũ trẻ con ở nhà thì mới hay loài người và muông thú vốn chung một mái nhà. 

Bầy mèo hoang trong thành phố sẽ thế nào nếu không có những cái tên “ân nhân” như cụ Quý, cô Ba Mèo, dì Mai, cô Trinh… Huyền thoại “cụ Quý mèo hoang” vẫn còn làm rung động nhiều trái tim người Sài Gòn. Bao năm qua, cụ chỉ có tình yêu duy nhất với bọn mèo bị ghẻ lạnh và bọn chó vô chủ chạy rông ngoài đường. Không dư dả nên hằng ngày cụ lọ mọ đi nhặt nhạnh những thứ xung quanh để nuôi “bầy trẻ nhỏ” của mình, bất kể mưa nắng đỏng đảnh của tiết trời Sài Gòn. Dáng gầy khòm đẩy chiếc xe chậm chạp trên phố xá đông đúc giờ trở thành một “tượng đài” của những người yêu động vật.

Thay thuong thi lam

Rồi người thành phố lại ngạc nhiên khi nghe chuyện bà Năm bán đồ chơi trước Thảo Cầm Viên với vài đồng vốn ít ỏi lại nhiều năm lo cái ăn đàn sáo nhỏ. “Chỉ là tiện tay rải mớ này mớ kia cho chúng nó. Thấy thương thì làm, chúng nó ăn căng bụng mà mình vui”, giọng bà nhẹ bâng nhưng đôi mắt già nua đấy nếp nhăn ánh lên niềm vui khi nói về đàn chim nhỏ lao xao quanh mình mỗi ngày. Tình yêu với muông thú thì cần gì được đáp lại, chỉ cần nhìn bầy chim khỏe mạnh, tránh được những người săn bắt là bà thỏa lòng.

Sáng cuối tuần, khuôn viên trước nhà thờ Đức Bà thu hút rất nhiều du khách đến chơi và chụp ảnh cùng lũ chim bồ câu dạn dĩ. Ít ai để ý người đàn ông kiệm lời tên Cường đều đặn mỗi ngày bỏ tiền túi để mua thóc, đậu cho lũ chim. Những đôi cánh tung bay chấp chới trên trời rồi lại sà xuống… đi bộ lững thững chơi đùa cùng du khách. 

Thay thuong thi lam
Cô Liễu chu đáo cắt chuối thành từng khoanh nhỏ, rải quanh các gốc cây để bọn sóc có thể ăn dễ dàng

Ngay tại trung tâm thành phố, đàn sóc ở công viên Tao Đàn hơn 10 năm nay đang… hàm ơn người phụ nữ ở cận kề tuổi thất thập. Cô tên Liễu, bắt đầu mối lương duyên này khi thấy lũ sóc con ốm yếu phải ăn những chiếc lá vàng úa trong công viên. “Không hiểu tại sao lúc đó cô lại xót xa. Cô phải thử nhiều loại thức ăn để cứu cả bầy. Coi vậy mà chúng cũng kén lắm”, cô nhớ lại thời điểm bắt đầu. Thế là cô mang chuối - món khoái khẩu nhất đến cho khu rừng nhỏ này. Cô Liễu chu đáo cắt chuối thành từng khoanh nhỏ, rải quanh các gốc cây để bọn sóc có thể ăn dễ dàng. Niềm vui của cô Liễu thật giản đơn, đó là khi bọn sóc nhận ra mình, chạy xuống dưới gốc cây, vểnh mõm chờ những trái chuối vàng ươm. Chúng chạy nhảy tung tăng, hớn hở đậu lên vai, lên tay cô ra vẻ… vui mừng như gặp được người thân.

Chuyện những kẻ lạ đời của Sài Gòn đâu chỉ có một màu sáng như thế. Vài tiếng đời vô tình buông ra cũng cay nghiệt lắm, nhưng “quen rồi con ơi, chẳng có gì quan trọng, miễn tụi nhỏ khỏe là được” - cô Liễu cười nói. Để chăm đàn sóc, mỗi ngày cô Liễu phải tốn 4kg chuối và có những lúc cao điểm tốn cả 10kg. Lo cho bọn mèo hoang, chó vô chủ, mỗi dì, mỗi cô cũng cần ít nhất 2kg cơm hằng ngày cùng nhiều thức ăn. Mấy con số bé mọn đó có khi là một gánh nặng trên vai những người phụ nữ nhỏ bé. Thế mà trời thương, ít người bỏ cuộc. Có dứt áo ra đi rồi cũng quay về tìm bọn nhỏ mà thương yêu, chăm sóc.

Thay thuong thi lam

Rồi tin vui đến, bọn trẻ thành phố vừa lớn lên cũng không chịu đứng yên nhìn. Chúng yêu thú cưng, chúng tìm đến những kẻ lạ đời để san sẻ công việc “rỗi hơi” này. Những người lạ đời giờ đã có thêm cộng sự để tìm mái ấm cho bọn mèo con, để đưa chú chó bị nhẫn tâm đánh cho bị thương ở chân đi khám…

Sớm mai, mọi người ra phố nghe đâu đó góc trời rộn tiếng chim ca, mắt thấy vui nhìn đàn sóc chuyền cành. 


Phạm

Ảnh: Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI