Hồn bướm trong tranh

26/12/2017 - 08:09

PNO - Ánh tự mày mò, tìm hiểu đời sống của bướm, để mỗi ngày nhặt những cánh bướm vừa hết vòng đời, gom lại làm tranh. Lâu dần, qua bàn tay của Ánh, những sắc màu cánh bướm sẽ sống đời trong các tác phẩm tạo hình sinh động.

Thật khó để dựng lại những vất vả mà Ánh cùng gia đình đã trải qua trên hành trình làm tranh bướm. Công việc ướp xác, bảo quản bướm sao cho vẫn giữ được màu sắc tự nhiên đã lấy đi không ít tâm sức của chị. Nghiên cứu sách, báo chưa đủ, Ánh quay về trường cũ, gõ cửa phòng thí nghiệm, xin học phương pháp ướp xác côn trùng.

Tôi đã lạc vào xứ sở thần tiên thu nhỏ của loài bướm tại phòng tranh Ánh Kim (xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Dường như cả mùa bướm Tây Nguyên đã tề tựu về đây để được sống cuộc đời bất tử trong những bức họa về bướm của nghệ nhân Nguyệt Ánh.

Hon buom trong tranh
Nhà ươm bướm của nghệ nhân Nguyệt Ánh có hơn 100 chủng loại bướm khác nhau

Tranh bướm là tác phẩm nghệ thuật mới lạ, độc đáo, làm từ cánh bướm. Với tác phẩm Chuyện tình Đà Lạt, đạt giải nhì cuộc thi Tuyển chọn, sản xuất hàng mẫu lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng tỉnh Lâm Đồng 2010, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (người sáng lập thương hiệu tranh bướm Ánh Kim) đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh.

Nhiều năm nay, tranh bướm Ánh Kim liên tục có mặt trong các kỳ triển lãm Festival hoa Đà Lạt và nằm trong top những gian hàng đắt khách nhất của Hội hoa Xuân Tao Đàn. Ánh Kim, sau 15 năm thành lập, đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong làng tranh Việt, được trao tặng giải thưởng Tinh hoa Việt Nam năm 2005.

Với màu sắc tự nhiên từ cánh bướm, mỗi bức tranh, dù chung một chủ đề, chung một gam màu, vẫn là hai bức tranh khác biệt. Đây cũng là một trong những khó khăn khi làm tranh từ cánh bướm tự nhiên.

Nếu những thể loại tranh khác, như sơn dầu, chỉ cần pha màu là có thể phối theo sắc độ tùy ý, thì với tranh bướm phải đi tìm, thậm chí chờ đợi nguyên liệu, bởi sắc bướm phụ thuộc lớn vào chủng loại bướm, mùa sinh sản, nguồn thức ăn và cả nơi lưu trú của bướm. Trường hợp không tìm được màu, tranh phải gác lại, đợi mùa bướm về.

Gian phòng hơn 100m2 vừa là không gian trưng bày sản phẩm, vừa là nơi làm việc của Ánh và sáu nhân công do chính chị đào tạo. Mỗi ngày, hàng chục bức tranh tỏa đi các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM… mức giá dao động từ 400.000 đồng đến vài chục triệu đồng/bức. 

Hon buom trong tranh
Nghệ nhân Nguyệt Ánh đang xử lý cánh bướm trước khi làm tranh

Phòng tranh Ánh Kim cũng thường xuyên đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Ngoài tranh ghép từ những cánh bướm, du khách còn được chiêm ngưỡng những bức tranh thêu thủ công kết hợp với bướm tiêu bản.

Nếu như loài bướm được ca ngợi là nữ hoàng sắc đẹp của côn trùng thì Ánh là người lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu của bướm. Tuổi thơ của Ánh gắn liền với đồi chè, nương dâu và những buổi chiều cùng bè bạn rong chơi khắp các triền đồi để hái hoa, bắt bướm. Biết con gái mê sưu tầm bướm, một lần, ba Ánh gợi ý: “Sao mình không tận dụng chúng để làm thành một bức tranh”. Ý tưởng của ba là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Ánh.

Ánh đã gác lại tấm bằng tốt nghiệp Trường trung cấp nghề Bảo Lộc, vận dụng những kiến thức đã học để nuôi bướm, làm tranh. Nhiều loài bướm Ánh nuôi trông thật lạ, bởi ngoài thiên nhiên rất hiếm. Nhiều loại trông thật quen, nhưng bên ngoài khó gặp, bởi đó là kết quả lai tạo của một người đã dành hết tình yêu, nhiệt huyết tuổi trẻ cho việc nghiên cứu bướm.

Ánh đã tự mày mò, tìm hiểu đời sống của bướm, để mỗi ngày nhặt những cánh bướm vừa hết vòng đời, gom lại làm tranh. Lâu dần, qua bàn tay của Ánh, những sắc màu cánh bướm sẽ sống đời trong các tác phẩm tạo hình sinh động.

Những tác phẩm ấy, cho dù là khắc họa chân dung một vị lãnh tụ với đôi mắt hiền từ, phúc hậu hay phong cảnh làng quê lãng đãng hương đồng gió nội đều bật lên cái hồn của tác phẩm, theo cách phối màu khéo léo, tinh tế.

Bướm, trong vòng đời ngắn ngủi của mình đã kịp tô điểm cho không gian thêm phần thi vị. Còn Ánh, bằng khao khát giữ lại vẻ đẹp của bướm đã làm rung động, lan tỏa tình yêu ấy đến bao người. Bất kỳ ai, khi thưởng lãm tranh bướm của Ánh đều không chỉ thăng hoa với nghệ thuật mà còn xúc động, trân quý một tấm gương nghị lực.

Chị là thành viên của Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc. Nhiều năm qua, Ánh đã đào tạo nghề và truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em có hoàn cảnh kém may mắn khác trong hội.

Vừa nhặt những cánh bướm hết vòng đời, Ánh mỉm cười: “Đam mê xuất phát từ tình yêu thiên nhiên bao giờ cũng đẹp vĩnh cửu. Những cánh bướm này sẽ thay Ánh gửi thông điệp yêu thương đến với mọi người”. 

Một tác phẩm tranh bướm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn thủ công: chọn loại bướm, ướp xác bướm, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... Thật hiếm có thể loại tranh nào làm khó nghệ nhân đến mức phải “nín thở” như tranh bướm, bởi trong quá trình ghép tranh, chỉ cần vô tình thở mạnh một chút là toàn bộ cánh bướm sẽ bay tung tóe. Những cánh bướm mong manh, nhỏ xíu, có lẽ chỉ có bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo của người phụ nữ mới chịu nằm yên trong tranh.

Sen Vàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI