Nhật Bản hai năm tái thiết sau thảm họa: Mọi thứ vẫn ngổn ngang

13/03/2013 - 14:08

PNO - PN - Trong thời điểm phải quan tâm đến biến động khó lường về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc ở vùng biển Hoa Đông, cũng như lời đe dọa của CHDCND Triều Tiên về một cuộc chiến toàn diện với láng giềng Hàn...

Có hơn 18.500 người chết và mất tích cùng sự hoang tàn của cả một vùng duyên hải rộng lớn thuộc khu vực Tohuku ở ven biển Thái Bình Dương từ thảm họa này. Đến lúc này, người ta vẫn chưa thống kê được đầy đủ số người chết vì thảm họa này và danh sách những người được xem là “mất tích” vẫn còn dài.

Không chỉ là nỗi đau mất người thân và cơ nghiệp, cuộc sống hiện nay của người dân khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Có khoảng 315.000 người đang phải tiếp tục sống xa ngôi nhà thân quen của mình, do buộc phải sơ tán khỏi khu vực Fukushima. Mong muốn của phần lớn những người này là được “trở về mái nhà xưa” nhưng chẳng ai dám khẳng định khi nào thì nguyện vọng đó sẽ được đáp ứng.

Nhat Ban hai nam tai thiet sau tham hoa: Moi thu van ngon ngang

Khu vực Natori đang dần hồi sinh, từ trái qua là ngày 14/3/2011; 12/1/2012; 21/2/2013 (Ảnh: AFP)

Đã có những bất đồng xảy ra giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng như người dân về định hướng tái thiết khu vực bị tàn phá. Chính quyền trung ương muốn di dời toàn bộ người dân đến một vùng đất cao hơn, nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản nếu chẳng may một thảm họa tương tự lại xảy ra. Tuy nhiên, phần lớn cư dân lại muốn được trở về sinh sống ở chốn cũ, miễn là chính quyền có thể đảm bảo họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ rò rỉ từ các nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó là những tranh luận về việc có nên hoàn toàn phá hủy các nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi hay không. Cũng không ai dám khẳng định các nhà máy này hoàn toàn chấm dứt nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Cần nhớ, nền công nghiệp Nhật phần lớn dựa vào năng lượng hạt nhân. Sự chậm trễ trong việc tái định cư khiến nhiều người dân khu vực bị thảm họa tàn phá nổi giận. Đã có hàng ngàn lá đơn kiện Chính phủ Nhật và Công ty Điện lực Nhật (TEPCO), đơn vị quản lý nhà máy điện Fukushima, để đòi bồi thường.

Do vậy lễ kỷ niệm hai năm thảm họa Fukushima đã như một lời nhắc nhở ông Abe là chính phủ của ông vẫn còn rất nhiều điều phải làm để xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân.

THIỆN NGA
(tổng hợp từ Japan Times, Huffington Post, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI