Làm sao để giải thoát cho mẹ?

11/03/2015 - 11:27

PNO - PN - Năm tôi lên 12 tuổi, mẹ tôi lấy chồng lần thứ 2. Người đàn ông mẹ tôi gọi làm chồng, tôi phải gọi bằng ba ấy trẻ hơn mẹ tôi tới năm tuổi và là một thầy giáo.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ tôi rất tin tưởng ông ta và giao tôi cho ông ta dạy dỗ, quản lý. Ở lứa tuổi đó, tôi đã ngay lập tức cảm nhận được những cái ôm ấp, vuốt ve của ông ta không phải của một người cha. Nó làm tôi hết sức ghê tởm.

Cũng may, 5 năm mất cha, sống với một người mẹ yếu đuối cả tinh thần lẫn thể xác, tôi trở thành một cô bé gái hết sức cứng cỏi, mạnh mẽ. Lần đầu tiên, khi ông ta mò vào phòng tôi lúc nửa đêm, khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi đã chuẩn bị tinh thần trước. Vì thế, khi nhìn thấy con dao Thái Lan trong tay tôi, nghe thấy giọng nói hung dữ của tôi: "Nếu ông không cút khỏi phòng tôi, tôi sẽ không ngại ngần gì mà đâm ông sâu vào tới tim hay rạch nát cuống họng ông ra", ông ta im thin thít bước ra khỏi phòng. Tôi còn với theo với ông ta: "Tất cả mọi chỗ trong nhà này, tôi đều có cài đủ mọi loại dao. Ông nhớ đấy". Ông ta tin như thế khi một lần tôi nói với mẹ rằng tôi không thích wax lông tay lông chân, tôi thích cạo và tôi sẽ để nguyên một hộp dao cạo trong phòng tắm của tôi.

 Lam sao de giai thoat cho me?


Mẹ tôi là người yếu đuối, bà luôn cần một người đàn ông bên cạnh và bà yêu ông ta, thờ phụng ông ta tuyệt đối, bất chấp cả việc tôi tố cáo với bà hành vi đê tiện của ông ta. Bà nghĩ tôi là trẻ con, tôi tưởng tượng… chứ ông ta yêu bà hết lòng. Không thuyết phục được mẹ, tôi đã nói chuyện với bà nội và vì gia đình bên nội rất giàu, ngay khi tôi tròn 18 tuổi, bà nội đã mua cho tôi một căn nhà, cho tôi ra ở riêng.

Dù sống riêng nhưng tôi vẫn phải đi về thăm mẹ, chạm mặt với gã đàn ông ghê tởm đó. Tất nhiên từ sau khi bị tôi dí dao vào mặt, gã không bao giờ còn dám dở trò gì nữa. Thậm chí gã luôn cố gắng tỏ ra là một người cha dượng tử tế. Nhưng tôi không bao giờ tin gã, không bao giờ nở một nụ cười hay chào gã dù chỉ một lần. Và tôi không bao giờ hết ghê tởm gã.

Đã 14 năm trôi qua. Cuộc sống của tôi giờ đã ổn định. Tôi có công ăn việc làm đàng hoàng, đủ sức nuôi bản thân tôi và có thể thỉnh thoảng biếu tặng mẹ tôi ít tiền. Thế nhưng tôi không biết làm sao để báo hiếu mẹ tôi cho trọn vẹn. Bởi gã cha dượng với đủ căn bệnh từ tiểu đường tới tai biến, Parkinson đã trở thành một con quái vật có thân hình nặng 80 ký, tính càu nhàu, chửi bới thô lỗ và khó chịu. Mẹ tôi ngày ngày chăm sóc gã, đút ăn, đổ bô, tắm rửa cho gã. Thế nhưng hễ không vừa lòng là gã dùng gậy vụt mẹ tôi.

Tôi đã buộc lòng phải thuê người giúp việc chăm sóc gã, nhưng hình như gã biết đó là ý đồ của tôi nên gã không chấp nhận ai chăm sóc cho gã ngoài mẹ tôi. Chỉ vài lần gã vụt gậy hay ụp nước lên đầu họ là họ đều bỏ ra đi. Cuối cùng là chỉ còn mẹ tôi ngày ngày cần mẫn hầu hạ phục dịch gã. Nhìn cảnh đó, tôi không thể nào chịu nổi. Cuối cùng tôi đã tìm được cách đưa gã vào một nhà dưỡng lão tư nhân nho nhỏ. Ở đó, gã được chăm sóc khá tốt bởi mọi thứ đều được tôi trả tiền.

Lam sao de giai thoat cho me?

Thế nhưng mẹ tôi không chịu. Mỗi lần đến thăm gã, thấy gã rên rỉ khổ sở và bấu lấy mẹ tôi như con nít bấu mẹ là bà lại khóc nức nở. Cuối cùng, cách đây vài ngày, mẹ khẩn khoản xin tôi: Hoặc đưa gã quay trở lại nhà và giúp mẹ tôi chăm sóc gã. Hoặc cho mẹ vào ở chung với gã, tôi có thể bán hay cho thuê nhà của mẹ để lấy tiền trả cho chi phí dịch vụ Viện dưỡng lão. Mẹ cần phải làm trọn nghĩa vợ chồng với gã.

Không, tôi không thể để cho gã về nhà và tiếp tục hành hạ mẹ tôi. Tôi cũng không thể cho mẹ tôi vào ở nơi đó. Tôi muốn giải phóng mẹ khỏi kẻ khốn nạn đó. Tôi muốn được tự do sống với mẹ, chăm sóc mẹ đến tận trăm tuổi. Tôi phải làm sao để mẹ tôi có thể quên đi tình nghĩa vợ chồng với con người đáng khinh, đáng căm thù đó?

Tôi phải làm sao để có thể giành lại mẹ của tôi ít nhất là trong những năm tháng cuối cùng của đời bà?


DẠ MIÊN

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI