'Về nhà đi con' hay 'chết làm ma quê chồng'?

25/07/2019 - 15:55

PNO - Sau câu "về nhà đi con', mạng xã hội đang tràn ngập câu "Nơi con đến không sinh ra con, nhưng là nơi con gắn bó vĩnh viễn. Nó ấm áp hay giá lạnh là do con đó" trong một đám cưới ở Hà Tĩnh...

Bộ phim Về nhà đi con đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, thu hút hàng triệu khán giả. Trên các diễn đàn mạng xã hội, các chị em xôn xao bình luận về từng chi tiết của những tập phim. Tranh cãi về các nhân vật thì nhiều, nhưng có một điều không ai phủ nhận, đó là tình thương yêu của bố Sơn dành cho những cô con gái.

Ông Sơn đau đớn khi nhìn các con lần lượt lấy chồng rồi phải gánh chịu sóng gió hôn nhân. Nhưng ông không khoanh tay đứng nhìn mà luôn ở bên động viên hoặc giải quyết cùng con. Khi hôn nhân của Huệ và Khải gặp trục trặc, ông đã bán đất lấy tiền đưa cho con rể để đổi lấy sự tự do cho con gái.

'Ve nha di con' hay 'chet lam ma que chong'?
Bố Sơn luôn giang rộng vòng tay đón các con gái về nhà khi hôn nhân trục trặc. Ảnh phim "Về nhà đi con".

Phân cảnh ám ảnh và nhận được nhiều nước mắt của khán giả chính là lúc bố Sơn đến nhà thông gia xin con gái Anh Thư về khi phát hiện con rể ngoại tình. Ông bố đã giang rộng vòng tay đón các gái về nhà khi hôn nhân trục trặc chứ không bắt con phải hi sinh, chịu đựng.

Ông Sơn nói với Thư: “Người ta đã không yêu thương mình thì cố làm gì hả con?”. Tình thương của ông khiến cho trái tim hàng triệu phụ nữ thổn thức, thương cha mẹ. Trong tâm thức mỗi người phụ nữ đi lấy chồng, khi sóng gió ai cũng mong có một nơi trở về để trú ẩn.

Đâu chỉ chuyện phim, ngoài đời chúng ta cũng thấy rất nhiều ông bố bà mẹ luôn bênh vực con, sẵn sàng đón con về khi con bất hạnh. Tuy nhiên, việc này nếu không đúng lúc, hợp tình hợp cảnh, có thể lại là hành động can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư và hạnh phúc của đôi lứa.

Anh đồng nghiệp của tôi đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài chưa đến năm năm vì một lý do tưởng như là nhỏ: hễ vợ chồng va chạm, vợ lại xách vali về nhà ngoại. Bố mẹ vợ không khuyên con gái mà còn đổ thêm dầu vào lửa: “Không sống được thì về nhà bố mẹ nuôi, việc gì phải cam chịu”, “Anh không đối xử tốt với nó thì để nó về với tôi”.

Do có sự hậu thuẫn từ phía nhà ngoại, mỗi lần có xung đột, bất chấp mình đúng hay sai, vợ anh lại thách thức: “Đây không sợ nhé, cùng lắm thì về nhà ngoại”. Cứ như thế, anh nhiều lần xuống nước đến năn nỉ đón vợ về dù trong lòng rất hậm hực. Đâu phải anh cờ bạc, ngoại tình, gái gú gì cho cam, đằng này chỉ nhắc vợ siêng quét nhà, đổ rác thôi cũng bị làm lớn chuyện, quy ra hành hạ vợ.

Những mâu thuẫn tích tụ dồn nén lâu ngày thành lớn cộng thêm sự uất ức khi vợ ỷ vào nhà ngoại mà anh quyết định chia tay. Anh buồn buồn: “Cô ấy luôn nghĩ ba mẹ mình giàu có lại ở gần nên đụng tí là bỏ về, ba mẹ vợ bênh con chẳng phân biệt đúng sai cứ mắng mình sa sả. Xét cho đến cùng, hôn nhân chỉ là chuyện hai người, đằng này cứ có người thứ tư thứ năm từ ngoài nhìn vào như thế, thành ra tan nát cả”. 

'Ve nha di con' hay 'chet lam ma que chong'?
Không phải khi nào giải pháp xách vali về ngoại cũng là giải pháp tốt. Hình minh họa.

Ngày trước, khi chị gái tôi mới lấy chồng, cứ dăm bữa nửa tháng chị lại ôm con về ngoại. Ba mẹ tôi vui vẻ đón tiếp nhưng lần nào cũng hỏi “Về chơi hay có chuyện gì”. Nếu về chơi thì đã xin phép ba mẹ chồng chưa còn nếu vợ chồng cãi nhau mà bỏ về thì ba nhất quyết không cho ở lại qua đêm, phải giải quyết cho xong rồi sang chơi.

Lúc đó, tôi không hiểu sao ba lại lạnh lùng với chị như vậy, nhưng về sau khi đã có gia đình, tôi mới biết ba làm vậy là có lý do. Ba muốn vợ chồng chị tự giải quyết chuyện của mình, chứ hễ có chuyện lại ôm con xách túi đi như thế thì không ổn. Ai nấy đều đề cao cái tôi, nếu có chỗ dựa dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại, không nhượng bộ và không chịu tìm tiếng nói chung.

Ba mẹ tôi chọn luôn ở đằng sau hỗ trợ nhưng không can thiệp quá sâu vào hôn nhân của con gái. Những khúc mắc nhỏ hãy để con tự giải quyết, đừng vô tình làm nảy sinh thêm mâu thuẫn thậm chí gây đổ vỡ hôn nhân của con.

 
'Ve nha di con' hay 'chet lam ma que chong'?
Cô dâu Hà Trang đã khóc nức nở khi nghe em trai đọc thư của bố gửi từ nước Anh.

Mới đây, một video đám cưới xuất hiện trên Facebook đã khiến hàng triệu người xem xúc động. Trong video, Nguyễn Hải Hà Trang (20 tuổi) và chồng là Trần Tuấn Anh (28 tuổi) ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) không kìm được nước mắt khi nghe thư cha: 

"Con gái yêu thương! Bố biết con hạnh phúc vì được lựa chọn và tin tưởng, bố biết con có một bờ vai vững vàng tin cậy, nhưng bố muốn nhắc dù con tìm hiểu kỹ bao nhiêu, yêu thương bao nhiêu, thời gian bên người con yêu dài bao nhiêu, cũng không thể hiểu hết người con cưới. 

Ngày mai con sẽ rời nơi sống từ lúc ấu thơ để đến một nơi ở mới. Ở đó có một gia đình yêu thương, chờ đón con nhưng cũng có những khác biệt con chưa nghĩ tới. Bố mong con biết bỏ đi một phần cái tôi của mình để vun đắp cho nơi con sẽ gắn bó suốt đời.

Hãy nghĩ tới câu: "Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục" con nhé! Đời người con gái Á Đông "sống quê cha, chết làm ma quê chồng". Nơi con đến không sinh ra con nhưng là nơi con gắn bó vĩnh viễn. Nó ấm áp hay giá lạnh là do con đó".

500 người trong lễ cưới hôm ấy đã nghẹn ngào xúc động theo dòng nước mắt của cô dâu Hà Trang. Trên các trang báo và mạng, nhiều người trích dẫn bức thư thắm thiết yêu thương của cha với cô dâu. Tuy nhiên, bên cạnh sự cảm động trước tình cha con, vẫn có người so sánh lời dặn của ông bố này với quan điểm "Về nhà đi con. Người ta đã không yêu thương mình thì cố làm gì hả con" của nhân vật bố Sơn...


                                                                                                    Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI