Tai nạn của con, lỗi của mẹ

10/11/2019 - 09:35

PNO - Khi gặp chuyện, cố gắng giữ bình tĩnh cho mình và cho trẻ. Mẹ không nên kêu gào hoảng loạn, khiến trẻ hoảng sợ sẽ vùng vẫy, tình thế nguy hiểm hơn.

​Sáng, vừa vào Facebook tôi đã chựng lại trước thông tin: Bé gái tầm năm tuổi đi lạc, chỉ nhớ tên mình và tên bố mẹ, còn lại không biết nhà mình ở đâu.

Phía dưới đa phần là những bình luận: “Trẻ con ba tuổi đã nhớ địa chỉ và số điện thoại nhà mình”. “Ba mẹ làm gì mà không dạy con mấy điề​​u cơ bản”. “Phải chăng bố mẹ nghĩ mình có thể bảo bọc con cả ngày nên chủ quan?”…

Hàng trăm bình luận, đều đại ý trách móc phụ huynh không trang bị cho con những kiến thức tối thiểu cần có. Bên cạnh đó cũng có những bình luận, nói dù có dạy trẻ, có hướng dẫn nhưng vẫn có những đáng tiếc xảy ra.

Là em bé bị kẹt tay vào cửa thang máy. Là em bé bị cây bút đâm vào ngực khi cầm bút chơi đùa. Là em học sinh ăn cá viên chiên bị cây xiên vào họng. Là em bé một tuổi bị kẹp tay vào cửa kính ở siêu thị Bách Hóa Xanh. Là em bé ba tuổi chết đuối do ngã vào thùng nước trong nhà tắm khi mẹ bận nấu nướng trong bếp...

Những phụ huynh ấy có cảnh giác không, có trang bị kiến thức cho mình, cho con không, có đấy. Nhưng vẫn có những tai nạn thình lình xảy ra mà không ai ngờ tới. Chỉ một vài phút lơ đãng thôi để rồi ruột đau con xót, những ông bố bà mẹ chỉ biết đấm ngực kêu trời trong ân hận muôn vàn.

Chị đồng nghiệp tôi, một lần dọn cơm, con trai mười tám tháng ngửi mùi cơm chạy ào tới. Chị đứng cạnh đó nhưng... kệ. Kết quả là anh nhóc ôm cái ruột nồi cơm, bị nóng giãy nảy và từ đó tránh xa các loại nồi niêu xoong chảo. Bà nội thằng bé trách chị làm mẹ mà ác, làm thằng bé sợ xanh mắt mèo. Chị bình tĩnh: “Ruột nồi cơm đã được ngâm nước nên dù còn nóng cũng không đến mức bỏng. Cứ để cho con tự nhận biết nguy hiểm còn tránh những lần sau”.

Cô Nam làm mẹ đơn thân còn để cho con trai hai tuổi rưỡi tự đi mua vài món lặt vặt ở siêu thị gần nhà. Trước khi "thả" con, cô hướng dẫn cho con hai lần rồi giao việc luôn. Tất nhiên là cô len lén đi theo. Thấy con tự tin đi men theo những bồn hoa trên vỉa hè, biết thắc mắc "gói này không giống" khi cô bán hàng đưa gói muối khác hiệu. Cô nói, “mình chọn nuôi dạy con theo phương pháp “nuôi thả” chứ không “nuôi nhốt”. Làm sao mình biết ngày mai thế nào mà bảo bọc nó mãi được”. 

Tai nan cua con, loi cua me
Dạy con trẻ biết sợ, biết tránh... Ảnh minh họa

Tất nhiên không phải ai cũng dám “nuôi thả” như cô Nam hay đủ “tàn nhẫn” như chị Quý. Nhưng mỗi phụ huynh đều có cho mình một cách dạy con khác nhau.

Không phụ huynh nào đủ tự tin nói cách chăm con, dạy con của mình là hoàn hảo. Có thể đúng đắn hôm nay nhưng ngày mai lại khác rồi. Đúng với đứa trẻ này nhưng lại be bét với đứa trẻ khác. Nên "gà ai nuôi nấy biết", mỗi phụ huynh phải chọn một phương pháp hợp và tốt nhất cho con mình. Phụ huynh có thể cho trẻ thấy, dạy trẻ các kỹ năng thông qua các bài thơ, câu chuyện, hình ảnh. Làm sao cho trẻ biết tránh, biết sợ.

Nhưng cơ bản, phụ huynh cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu, cộng thêm tính đề phòng cảnh giác với những sự việc nhìn thấy hay được biết qua các phương tiện truyền thông. Trẻ con đứa nào cũng hiếu động, nhất là được ra ngoài chúng càng thỏa sức vùng vẫy chạy nhảy, có thể vuột khỏi tầm tay ba mẹ lúc nào không biết chừng. Nên trẻ dưới ba tuổi, ba mẹ nên luôn giữ con bên người bằng cách địu trẻ, ẵm bồng trên tay. Đồng thời đừng bao giờ để con khuất khỏi tầm mắt mình mọi nơi mọi lúc, nhất là ở trên phố, trong siêu thị, trung tâm thương mại hay quán xá. Nếu phải đến những nơi đó không phải để chơi thì nên để trẻ ở nhà hay gửi người quen nếu có thể.

Với trẻ lớn hơn thì luôn nắm tay hoặc nối với trẻ bằng sợi dây ngắn, chắc chắn và an toàn. Tốt nhất là đừng bao giờ để trẻ vượt quá một cánh tay người lớn.

Thường xuyên trang bị cho trẻ những kỹ năng và dạy trẻ biết sợ, biết tránh những nguy cơ. Ví dụ nên đứng dựa vào thành thang máy và nắm chắc tay vịn. Không thử thò tay xem cửa thang có "nhạy" không. Với thang cuốn thì nên đứng bên phải, tay vịn vào thành, tránh xa vạch vàng nếu là thang gấp..., dù là cửa tự động cũng nên chờ cửa mở hẳn rồi đi qua. Ở lớp trẻ cũng nên được dạy các kỹ năng như đề phòng người lạ, quan sát khi tham gia giao thông, các biển báo cấm, nguy hiểm...

Tai nan cua con, loi cua me
Luôn phải để mắt đến trẻ, mọi lúc mọi nơi. Ảnh minh họa

Trong nhiều trường hợp, dù cha mẹ đã đề phòng nhưng vẫn gặp những sự cố, tai nạn không mong muốn. Con người còn vậy nói gì máy móc không hư hỏng bất chợt. Khi gặp chuyện cố gắng giữ bình tĩnh cho mình và cho trẻ, không kêu gào gây hoảng loạn khiến trẻ vùng vẫy sẽ làm tai nạn nặng hơn. Ngay lập tức kêu gọi nhờ người xung quanh giúp đỡ và đợi người có nghề, có kinh nghiệm xử lý. Dù sao tai nạn cũng đã xảy ra, điều cần nhất lúc này là giảm thiểu thương vong đến mức thấp nhất.

Biết là tai nạn là tránh không thoát, nhưng đừng để bị tai nạn vì kém hiểu biết. Làm cha mẹ, con cái là máu thịt ruột gan, nên làm gì cũng đừng để phải sống trong ân hận và dằn vặt suốt đời.

Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI