Ước mong của ông 'Gỏi'

06/04/2015 - 16:53

PNO - PN - Tên thật của ông là Phạm Văn Hải (55 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Ông "Gỏi" là cách gọi thân thương gắn với nghề bán gỏi gần bốn chục năm của ông.

edf40wrjww2tblPage:Content

Căn phòng trọ chưa đến 10m2 là nơi ông sống cùng cậu con trai 14 tuổi - Phạm Văn Nghĩa, hiện học lớp 7 Trường THCS Trần Phú, Q.10. Khác với vẻ ngoài hom hem, gầy nhom cùng mái tóc hoa râm trông già hơn tuổi, ông “Gỏi” có kiểu nói chuyện hồn nhiên dễ khiến người đối diện nhẹ lòng.

- Chuyện cơm nước của cha con bác thế nào?

- Ui, có gì ăn nấy. Ăn để sống thôi mà. Hồi đầu tui còn nấu nướng vì nghĩ thương thằng nhỏ. Nhưng… “thằng cu” bảo “bày đặt” chi, đói thì đi mua, nhà sát quán cơm mà nấu nướng gì.

- “Từ độ đó”, bác không tính chuyện quen ai nữa để có người chia sẻ hay sao?

- Ui. Vợ chồng thì chỉ một thôi chớ. Cha con tui chia sẻ với nhau đủ rồi, thêm người nữa e khó…

- Nói vậy, bác vẫn mong có ngày vợ quay về đoàn tụ?

- Có lần bả về rồi, nhưng đoàn tụ… chi? Vợ chồng bỏ nhau lúc ngặt nghèo thì “thôi” luôn.

- Bác lao động vất vả vậy, có khi nào đổ bệnh không? Những lúc đó hẳn khiến bác nhớ đến người đã bỏ đi…

- Bệnh hả? Ui, may nha. Tui với thằng con rất ít bệnh. Vài lần cảm sốt sơ sơ mua thuốc uống là hết. Chắc trời cũng không nỡ khiến mình buồn.

…“Từ độ đó” là thời điểm cách đây 13 năm. Khi ấy, Nghĩa mới hơn mười tháng tuổi. Một bữa ông “Gỏi” đang đẩy xe đi bán thì có người gọi giật: “Vợ ông bỏ đi rồi, gửi thằng nhỏ cho hàng xóm, bán xong ông nhớ ghé ẵm con về nha”. Nước mắt không chảy, cũng không ngỡ ngàng nhưng nghẹn đắng trong lòng, ông “Gỏi” lật đật đẩy xe về với con. Không ngỡ ngàng, bởi sự ra đi của người phụ nữ ấy ông đã dự cảm ngay từ lúc bà đặt chân về nhà trọ sống với ông, qua ánh mắt của bà đầy thất vọng. Bà vốn là người phụ việc quán cơm, nơi ông “Gỏi” thường ghé lại hai lần mỗi ngày. Thăm hỏi, đồng cảm rồi thương yêu, biết ông nghèo nhưng giữa sự “biết” với va chạm thực tế hoàn toàn khác biệt.

Ông không có tiền cho bà mua áo đẹp, không có cả một bữa cơm có món ngon bà thích… hai người chì chiết liên miên. Bà chán ngán, bỏ đi, để lại cho ông nỗi đau, nỗi vất vả phải chăm đứa con trai đỏ hỏn, đêm không ngừng khóc vì chưa quen xa mẹ. Kể lại giai đoạn ấy, ông vẫn hồn nhiên: “Có nhiêu tiền tui đem đi mua sữa cho con hết. Trời thương, thằng nhỏ ăn uống dễ”. Như chợt nhớ ra điều gì, ông cười khà: “Ui, thương lắm, tui đi bán, gửi nó cho bất cứ người nào quen, nó đều ngoan ngoãn ở với người ta chờ tui về”.

Năm Nghĩa lên ba, mẹ nó trở về xin bỏ qua chuyện cũ, bảo: “Số khổ, đi đến đâu cũng khổ. Tui về sống với cha con ông cho có bầu có bạn”. Ông “Gỏi” đợi bà nựng con xong - dù đứa trẻ khi ấy cứ trố mắt nhìn, chốc chốc sợ “người lạ” nên mếu khóc đòi ba - thì thả giọng chậm rãi: “Cha con tui giờ yên ổn lắm. Em bỏ đi lúc hai người tui cần em nhất, giờ em về, tui sợ nỗi lo đó có ngày lặp lại. Nếu vậy, tui lại như bước hụt chân lần nữa, nên thôi”. Bà chuyển sang lớn tiếng, đòi mang theo đứa trẻ, ông thủng thẳng: “Nó là con em, tui không can, nhưng nhắm lo được cho con thì mang theo”. Nghe vậy, bà chẳng thèm ôm đứa trẻ, chửi rủa một hồi rồi bỏ đi, đến nay chưa quay lại.

Uoc mong cua ong 'Goi'

Ông "Gỏi" trông con học bài

- Bác có… ích kỷ quá không? Đứa trẻ nào cũng rất cần mẹ. Nhiều khi người ta muốn quay về vì suy nghĩ thay đổi...

Lần này ông cắt ngang: “Ui, tính bả tui biết chớ. Về là lúc không còn chỗ để đi, chừng có chỗ đi thì không ở nữa”.

…Vật dụng trong căn phòng rất nhiều, nhưng không có gì… của ông “Gỏi”. Mấy chục năm đẩy xe gỏi đi bán trên những con đường quen, ông gần như trở thành “địa điểm” để nhiều người dành tặng những món đồ “cũ ta mới người”. Tủ áo, nồi xoong, chiếc giường hai tầng hay cái ti vi đều của… “xã hội” - như cách ông gọi: “Xã hội thương tui lắm. Cô xem, quần áo họ cho mặc không hết. Lâu lâu, người ngoài… xã hội còn… tự nhiên kêu tui cho tiền, về cha con rủ nhau làm một bữa cơm ngon lành”. Năm Nghĩa học lớp 6, một tối thấy ông về sớm vì mệt, xe hàng còn nguyên rổ gỏi nên mủi lòng: “Con nghỉ học tìm việc làm phụ kiếm tiền với ba nha?”. Ông vuốt tóc con, nuốt cơn nghẹn: “Việc của con là học hành. Chừng nào đến lúc phải đi làm thì ba nói cho con biết”.

Ông “Gỏi” không muốn Nghĩa nghỉ học, vì muốn con có tương lai tốt đẹp, được làm nghề mình thích chứ không vất vả mưu sinh như ông. Ông còn giải thích thêm: “Tui không biết chữ. Nhìn người học cao, tui ngưỡng mộ lắm”. Quay sang con, ông vuốt đầu, kể lại cảm giác vui sướng, hạnh phúc đến suýt khóc trong một lần bật ti vi, thấy Nghĩa đọc vanh vách dòng chữ chạy ngang khi mới học lớp 1. “Nhờ thằng Nghĩa, tui đánh vần được vài chữ đó nha!”.

Một ngày của ông “Gỏi” bắt đầu từ 5 giờ. Lo bữa sáng rồi mua sẵn hộp cơm trưa cho con, ông đạp xe đi chợ mua khô bò, đu đủ… về chế biến để đi bán đến khuya, chủ yếu qua những cung đường nhiều quán nhậu. Thi thoảng ông tự thưởng cho mình một ngày nghỉ xả hơi để cha con cùng nấu bữa cơm “ra trò”, “kinh phí” - ông bảo cũng vẫn do “người ngoài xã hội… tự nhiên cho”.

Ông “Gỏi” khẳng định, sẽ chẳng thể nhớ hết những gương mặt “người ngoài xã hội". Chỉ biết rằng những bữa cơm ấy là dịp để ông kể, nhắc với con bao điều tốt đẹp đã đùm bọc, cưu mang mình trong cuộc sống khổ nghèo này; và, ông ước mong con tiếp tục học hành để sau này có thể thay ông “trả nợ”…

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI