Nước mắt của mẹ

23/07/2015 - 06:45

PNO - PN - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, cơ quan tôi có ba chị có con dự tuyển nên không khí chung dường như cũng phập phồng, lo âu và lên xuống theo tâm trạng của mấy chị. Mỗi chị một hoàn cảnh, một kiểu nuôi dạy con nhưng trước những kết quả thi khác nhau, chị nào cũng rơi nước mắt, dù vui hay buồn.

Chị thứ nhất đơn thân nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đứa đầu vừa xong lớp 9 thì đứa giữa chuẩn bị học lớp cuối cấp I, quay qua quay lại đã phải lo cho đứa út vừa “tốt nghiệp” mầm non. Thấy chị mỗi ngày đùm túm các túi ni lông đựng thức ăn còn dư ở bếp tập thể mang về nuôi con, nghe chị tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi về nhà dặn dò đứa lớn chăm đứa nhỏ, biết chị cứ đến kỳ lương thì lặng lẽ giúi trả đồng nghiệp số tiền đã mượn trước đó… mà thương cảm.

Con trai chị, cậu bé mới lớn quyết tự học ở nhà để đỡ chi phí học thêm cho mẹ, lại đạt số điểm chót vót trong ba đứa con của ba bà mẹ. Hôm nhận kết quả, chị cười nghẹn ngào trong tiếng chúc mừng đầy cảm phục của mọi người. Chưa hết mừng vì con đậu cao, đã loay hoay nghĩ cách xoay tiền để mua cho con chiếc xe đạp mới đến trường…

Nuoc mat cua me

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chị thứ hai là nhà hoàn toàn “có điều kiện”, nghe ở đâu có thầy cô dạy giỏi, vợ chồng đồng lòng đưa đón con đi học, con đòi gì cũng chiều, miễn nó chịu ngồi vào bàn học. Lúc biết số điểm của con thấp đến nỗi hụt hết cả ba nguyện vọng, chị tức tưởi khóc, vợ chồng gọi điện trách cứ nhau. Chị đấm ngực than trời: “Mấy năm liền học sinh giỏi, chỉ có năm lớp 9 bày đặt chơi game thì hậu quả như thế”.

Hỏi sao chị không kiểm soát giờ giấc lên mạng của con, chị phân bua: “Con có phòng riêng, mỗi khi đi qua thấy con mở máy, tưởng học hành, tìm tài liệu chứ đâu ngờ…”. Nói rồi chị gọi điện hỏi thăm người này người kia, chật vật tìm “đường binh” cho con.

Chị cuối cùng thì từ lâu đã ngại ngần khi nhắc đến đứa con trai trong các câu chuyện phiếm, thậm chí những dịp hội hè, nghỉ mát, chị cũng hiếm đưa con đi cùng. Đơn giản vì chị sợ người khác nhận ra sự bất lực ở chị trước tính ương bướng và lười học của con. Từ lúc thằng bé mới học cấp I, mọi người chứng kiến cảnh nó cãi tay đôi với chị ngay cổng cơ quan, đã góp ý nhẹ nhàng nhưng chị chỉ cười trừ.

Chị quá yêu chiều đứa con duy nhất đó, đến nỗi trước kết quả cực thấp của kỳ thi khá trọng đại này, chị không dám mắng nó một lời. Chị chỉ biết khóc khi đồng nghiệp hỏi han, bày tỏ lo lắng vì không đủ sức nuôi nó học trường tư thục, trong khi nó không đủ điểm vào bất kỳ trường công nào.

Nếu cả cơ quan từng xót xa cảnh các chị đội mưa đội gió đợi con ngày đi thi bao nhiêu thì giờ có kết quả, lại xa xót bấy nhiêu. Các chị có con sắp tới tuổi đó thì kháo nhau trong tương lai sẽ có những thay đổi về thi cử thế nào, các chị đã trải qua rồi thì chép miệng: “Đến lúc đại học kìa, mới đúng khổ!”. Có chị, con mới chập chững tập đi, đã sốt vó lo xa lo gần… Rõ là “con dù lớn vẫn là con của mẹ”, người làm mẹ có bao giờ hết lo âu, ngay cả nước mắt mừng vui cũng hanh hao, đắng đót.

 ĐỖ AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI