Nỗi buồn của người anh hùng

25/07/2014 - 20:35

PNO - PN - Tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điền (Mười Thương) nổi tiếng trong và ngoài nước, với ba lần ám sát hụt Ngô Đình Diệm, án tử hình treo trên đầu, qua hết nhà tù này tới nhà tù khác của địch. Nhiều...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi buon cua nguoi anh hung

Vợ chồng ông Mười Thương vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996

NGÔI NHÀ CỔNG LUÔN MỞ

Tôi gặp ông Mười Thương ngày 5/11/2011, trong hội thảo về nhà văn Vân An, bẵng đi mấy năm không thấy ông xuất hiện ở các cuộc họp quan trọng, hỏi thăm mới biết ông bị tai biến gần hai năm nay.

Vào con hẻm 17, đường Trần Hưng Đạo, KP.1, P.1, TP. Tây Ninh, hỏi thăm nhà ông Mười Thương, người ta bảo cứ thấy cổng nhà ai mở rộng cả ngày là nhà ông.

Ông Mười Thương không tập tễnh chiếc chân giả ra sân đón khách như thường lệ. Ông mặc bộ pijama trắng kẻ sọc, ngồi một chỗ giơ tay chào. So với ba năm về trước, ông gầy yếu hơn nhiều, giọng nói ngọng nghịu. Tuy đã qua cơn hiểm nghèo, nhưng ông Mười Thương vẫn chưa đi lại được, mỗi lần di chuyển phải ngồi xe lăn. Ông khoe: “Giờ không phải ăn qua ống nữa. Mỗi bữa ăn được nửa chén cháo xay nhuyễn. Trừ uống sữa, còn muốn ăn thứ gì cũng đều phải xay nghiền”.

Mỗi sáng, sau khi vệ sinh cá nhân xong, ông ràng kỹ chiếc chân giả, mặc bộ pijama sạch sẽ, ra ngồi ở phòng khách. Trên kệ là các loại báo và tạp chí. Chiếc ti vi đặt trên mặt bàn phía bên phải. Bàn uống nước, ghế ngồi, tất cả đều sạch sẽ. Trước mặt ông là khay ly tách, bình nước các loại được phân loại to nhỏ, nước trà, nước lọc, ly mời khách, ly dùng cá nhân. Khăn lau nhỏ dùng để lau ly, tách, bình trà. Khăn lau lớn hơn để lau bàn. Cả hai thứ đều được gấp gọn, để song song cùng hộp kính, điều khiển ti vi, điện thoại di động. Trong túi áo ngực của ông cũng gọn gàng đủ các loại giấy tờ cá nhân, khăn tay, lược. Ông Mười Thương nói đó là thói quen không bỏ được từ những năm còn trong ngục tù, tất cả phải gọn gàng, ngăn nắp, sẵn sàng di chuyển.

“Từ năm 18 tuổi tôi đã có thói quen thể dục hàng ngày. Ở trong tù tôi cũng tập, bây giờ ngồi một chỗ tôi vẫn tập. Không đi lại vận động được thì ngồi trên giường vươn vai, vung tay, vặn mình”, ông Mười Thương cười vui. Có lẽ thói quen đó giúp ông giữ được sức khỏe, dù trải qua rất nhiều trận đòn thù tra tấn của kẻ địch. Năm nay vào tuổi 80, mái tóc ông vẫn đen, chỉ vài sợi bạc.

Noi buon cua nguoi anh hung

Bà Nhã Nam, vợ ông Mười giờ nằm một chỗ được người thân thăm nom chăm sóc

TRỌN ĐỜI THƯƠNG YÊU VỢ

Vợ ông, bà Nguyễn Kim Hưng kém chồng chín tuổi, khi hoạt động bí mật lấy tên là Kiều Nhã Nam. Mối tình thủy chung của hai người đến nay vẫn là một bài tình ca đẹp và xúc động. Những năm bị tù đày, trong xà lim ông Mười Thương rất hay hát. Ông thường ca bài Lên ngàn để động viên đồng đội: “Kháng chiến nhất quyết thành công. Kháng chiến nhất quyết thành công! Anh về em thỏa ước mong”. Đồng đội tù ai cũng thương ông, trong đó có một cô nữ sinh Trường Gia Long tên Kiều Nhã Nam bị bắt giam vì tham gia biểu tình chống chế độ họ Ngô. Họ tìm cách liên lạc, tâm sự với nhau. Tình yêu đến, lời thề “kháng chiến thành công” đã được Nhã Nam giữ gìn, để sau khi ra tù, hai người trở thành vợ chồng, là đồng chí sát cánh bên nhau. Biệt danh Mười Thương cũng từ trong tù mà có, bởi ông bị giam ở xà lim số 10, có giọng hát hay, được anh em tù thương mến. Cái tên gắn bó đến cuối đời.

Ông Mười Thương cho biết, bà Nhã Nam trước kia cũng là một nhà báo của Ban An ninh Cục miền Nam. “Bả viết báo hay lắm. Sau giải phóng là thượng tá Trưởng phòng Công tác chính trị Công an Tây Ninh đó. Giờ nằm một chỗ tội nghiệp quá”. Bà Nhã Nam bị liệt tứ chi, không nói được, chỉ nghe. Tuy phải ngồi một chỗ, nhưng ông Mười Thương vẫn có lịch chăm sóc vợ mỗi ngày ba lần, vào lúc 6g30, 16g30 và giấc 21g sắp đi ngủ. Gia đình thuê một phụ nữ chăm sóc cho bà, nhưng ông Mười Thương muốn chia sẻ tình cảm với vợ. Tháo chiếc chân giả, ông ngồi trên giường vợ, xoa bóp chân tay, mình mẩy, chủ yếu là co duỗi tay chân đề phòng các khớp bị khô. Trong lúc ngồi xoa bóp cho vợ, ông thủ thỉ kể cho bà chuyện con cháu, chuyện thời sự Biển Đông hoặc nhắc lại những kỷ niệm thời son trẻ. Bà nằm nghe, thấy ông kể chuyện vui thì cười, chuyện buồn thì khóc. Biết bà thích ăn chuối chín xắt lát giằm nước đá, ông nhắc người nhà làm thường xuyên cho bà ăn. “Vợ chồng gắn bó với nhau từ trong gian khổ, hiểm nguy, tôi còn sống, còn ráng chăm sóc bả”, ông Mười Thương tâm sự.

Noi buon cua nguoi anh hung

Ông Mười Thương tại nhà riêng (ảnh chụp ngày 13/7/2014)

NỖI BUỒN

Trải qua bao nguy hiểm cận kề, cái chết dường như không dám đụng tới ông Mười Thương. Ông nói, chắc mình khó chết. Tháng 8/1962, bị kết án tử hình. Năm 1963, ngồi trên tàu Hàn Giang 401 ra Côn Đảo, suýt bị máy bay oanh tạc. Hồi ở trong R, một trái bom rơi ngay cạnh người, cánh bom cắt đứt chân trái, nhưng không nổ. Tai nạn giao thông thì chỉ bị trầy xước mấy ngón tay và đầu gối. Tai biến cách đây hai năm tưởng chết, nhưng nhờ được tận tình cứu chữa, nay đã hồi phục.

Ông không có gì hối tiếc vì những gì mình đã làm cho nhân dân, cho Tổ quốc. Ông chỉ buồn vì không che chở được cho người vợ thân yêu. Hòa bình, hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Ông nói, thỏa mãn nhất là được đưa vợ ba lần ra thăm Đền Hùng và hai lần vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2006, ông chở vợ đi đám cưới bằng xe máy, khi về bà cảm nắng gục xuống. Đang chạy xe, ông chỉ kịp vòng tay ra sau đỡ vợ, chiếc xe bị ngã, đầu bà đập mạnh vô gốc cây ven đường, “may có chiếc nón bảo hiểm, không bả chết rồi”. Mấy năm nay, bà Nhã Nam nằm đó, để lỡ làng lời hẹn của ông, rằng sẽ đưa vợ đi thăm đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý.

Tôi đã từng được nghe ông hát bài Lên ngàn tại cuộc hội thảo năm nào. Giọng ông còn ấm và cao. Nay thì không thể hát được nữa... Đôi khi ngồi bóp chân cho vợ, ông cũng muốn hát cho bà nghe vài bài hát cũ, mà không thể. Ông tâm sự với bà điều đó và thấy trên khóe mắt vợ nước mắt chứa chan. Ông đọc lại cho vợ nghe bài thơ ông tặng người bạn tử tù Võ Duy Quang, viết hồi còn bị giam ở khám Chí Hòa:

“Đêm lui nắng đã ửng rồi

Cành sai trái ngọt rộng trời cờ sao

Vườn xuân đỏ rực hoa đào

Chim hồng tung cánh bay vào bình minh”.

 Phùng Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI