Con quá cảnh giác

25/10/2015 - 08:13

PNO - “Nếu chú muốn ôm con thì phải hỏi ý kiến con, không thì con la lên đó. Mà có hỏi ý kiến, con cũng không cho ôm đâu..."

Tôi đưa con gái bảy tuổi đi dự tiệc cưới của đồng nghiệp, bất ngờ một người bạn đã lâu không gặp chạy đến ôm con tôi hôn lấy hôn để: “Trời, con của anh chị đây sao? Lớn quá chừng rồi he”.

Con bé liền đẩy người ấy ra ngay lập tức và nói thật to: “Nếu chú muốn ôm con thì phải hỏi ý kiến con, không thì con la lên đó. Mà có hỏi ý kiến, con cũng không cho ôm đâu. Người lạ chỉ được phép chạm vào vai, tay thôi”.

Người bạn tôi sượng ngắt như bị tạt gáo nước lạnh, trong khi vài người chứng kiến sự việc thì bình phẩm “con nhỏ chảnh và hỗn quá” làm tôi không biết chui vào đâu.

Về nhà, ông xã tôi bực mình la con, ai ngờ bé trả lời: “Người ta ôm mình, lỡ đụng vào những chỗ quan trọng trên người mình thì sao, nhất là bụng nè, rồi chỗ mặc quần chíp nữa… Nguy hiểm lắm!”. Tôi nên khuyên thế nào để giúp con có lối ứng xử thích hợp mà vẫn bảo vệ mình được.

Một người mẹ giấu tên (Q. Tân Phú)

Con qua canh giac
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bé còn nhỏ mà đã có ý thức gìn giữ thân thể mình và phòng tránh bị xâm hại như vậy là tốt chứ chị. Sự cố bị lạm dụng tình dục có thể xảy ra với bất kỳ ai, lứa tuổi nào, giới tính nào, nghề nghiệp nào và ở bất cứ nơi đâu.

Đối tượng có thể là người lạ, người quen, thậm chí người thân (họ hàng, đồng nghiệp, hàng xóm, người trong nhà) hoặc người có quyền (giáo viên, thầy thuốc, người giám hộ…). Nhưng ý thức cảnh giác quá cao sẽ khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, tách biệt, khó kết thân, tự cô lập mình với thế giới xung quanh và có thể mắc chứng… hoang tưởng bị hại, thậm chí lo âu, hoang mang, có những suy nghĩ đánh giá lệch lạc về tình dục (thu mình lại, sợ hãi, rụt rè, coi tình dục là chuyện xấu).

Con của chị đang ở giai đoạn giữa và cuối tuổi thơ (từ bảy tuổi đến lúc dậy thì), đã phát triển ý thức xã hội, có ý thức về bản thân, tăng tính tò mò hoặc có biểu hiện của sự phát dục. Nhiều trẻ ở tuổi này không thích bị bắt gặp đang tắm hoặc thay quần áo, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến cơ thể mình và bạn bè (cả cùng giới lẫn khác giới). Bé cao hơn rất nhanh, khuôn mặt có nhiều biến đổi, bắt đầu thay răng sữa và tỏ ra “già dặn” như… bà cụ non.

Chị có thể khen ngợi: Con làm thế là đúng quy tắc an toàn ứng xử, nhưng cũng nên đặt mình vào vị trí người kia để hiểu “kẻ lạ mặt” ấy cảm thấy thế nào: bị cụt hứng, "quê" vì tình cảm thân thiện bị phủ nhận.

Khuyên bé không nhất thiết phải… “hình sự” như vậy trong tình huống đang có bố mẹ ngay bên cạnh, có thể chọn cách “mềm” hơn mà vẫn hiệu quả, vừa đúng lại vừa đẹp. Bé chỉ cần cảm ơn người đó và nói rằng: “Thưa cô/ chú con không thích như vậy ạ” rồi lùi lại một bước, giữ khoảng cách khoảng một cánh tay để tránh người đó tiếp tục ôm hôn nữa.

Chị nên nói chuyện thẳng thắn về những điều bé “không thích” khi tiếp xúc với người ngoài (hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp của ba mẹ, khách lạ, người không quen biết) và cùng bé vạch ra những mức độ đáp lại mỗi khi cần “tỏ thái độ” với ai đó.

Vừa áp dụng quy tắc an toàn mà vẫn giữ được phép lịch sự và nét hồn nhiên của tuổi thơ: làm sao phòng, tránh nguy cơ bị xâm hại khi gặp phải tình huống xấu; phân biệt sự khác nhau giữa hành vi âu yếm yêu thương và hành vi đụng chạm có dụng ý xấu; nhận biết được đâu là cử chỉ thân mật giữa người thân với nhau, đâu là hành vi không được phép; làm thế nào để phản đối hay tìm sự trợ giúp.

Biết mình làm đúng thì không “lung lay” trước lời bình phẩm, xúi bẩy của người khác. Làm vậy, bé sẽ được ủng hộ, tôn trọng và gây được thiện cảm với mọi người.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI