Chuẩn bị hộp thức ăn cho trẻ đến trường

27/02/2016 - 07:46

PNO - Thức ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ em là rất quan trọng vì chúng cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng, giúp bé không bị đói giữa các tiết học.

Chuan bi hop thuc an cho tre den truong

Do những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các gánh hàng rong ven đường, tự chuẩn bị hộp thức ăn cho trẻ mang đến trường là lựa chọn tối ưu của nhiều phụ huynh.

Thức ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ em là rất quan trọng vì chúng cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng, giúp bé không bị đói giữa các tiết học. Bên cạnh đó, dạy trẻ em lựa chọn món ăn bổ dưỡng còn giúp thiết lập một thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ trong cuộc sống sau này.

Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn trở thành tấm gương tốt bằng cách chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh cho mình vào mỗi buổi sáng. Nếu bạn muốn tạo niềm vui cho gia đình, hãy cùng đi siêu thị với con để lựa chọn một vài loại thực phẩm và trộn chúng lại với nhau thành những món ăn đầy màu sắc. Qua đó, cũng dạy cho trẻ biết nên ăn gì và vào lúc nào.

Cần chú ý xem xét các loại thực phẩm trên thị trường với quảng cáo ít chất béo hoặc không chứa chất béo nhưng vẫn có lượng calo và natri cao. Tương tự như vậy, các loại thực phẩm được quảng cáo không chứa cholesterol vẫn có thể mang nhiều chất béo bão hòa và đường. Kiểm tra nhãn dinh dưỡng để tìm ra thành phần thực sự trong sản phẩm, và nếu bạn nhận ra một thành phần lạ nào trong sản phẩm, tốt nhất đừng mua.

Dưới đây là bảy lời khuyên khi lựa chọn món ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ em:

1. Trái cây tươi và rau quả

Cần kết hợp thật nhiều sắc màu từ trái cây và rau quả (loại được trồng hữu cơ) trong chế độ ăn của con bạn, để đảm bảo rằng các bé đang nhận được một nguồn cung cấp vitamin và năng lượng dồi dào. Việc giữ một bát hoa quả ở giữa bàn bếp là cá ch tuyệt vời để khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, và cũng làm đẹp thêm cho căn phòng.

2. Ngũ cốc nguyên cám

Nên chọn các loại bánh mì ngũ cốc, gạo lức, bánh quy ngũ cốc... Thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên cám sẽ cung cấp chất xơ và năng lượng trong thời gian dài, giúp trẻ no lâu hơn.

3. Các sản phẩm từ sữa

Bao gồm sữa tươi, pho mát và sữa chua làm từ sữa động vật hay chất béo thực vật như sữa hạnh nhân, đậu phộng và dừa. Lượng chất béo và protein trong món ăn này sẽ giữ cho mức năng lượng của bé luôn cao cho đến tận giờ ăn tối. Bạn có thể làm cho bé món bánh kẹp sandwich trái cây và pho mát, một ly sinh tố trái cây hoặc một cốc sữa chua cùng với trái cây tươi hoặc khô (một số loại hạt cũng có thể được thêm vào để cung cấp thêm sắt, mangan, magiê và folate như hạt hạnh nhân, quả óc chó…).

4. Nhóm protein như trứng và thịt nạc

Kết hợp các loại hạt họ đậu, trứng, cá mòi, thịt gà và thịt nạc. Phần protein trong các bữa ăn nhẹ sẽ giữ cho mức năng lượng ổn định. Bạn có thể biến tấu bằng cách cuộn trứng với pho mát và thịt gà, hay một chiếc hambuger kẹp nhỏ với cà chua và rau xà lách.

5. Chọn món ngọt lành mạnh

Nhằm đem lại sự cân bằng, thỉnh thoảng bạn cũng nên thêm vào một số món ngọt như chocolate và bỏng ngô, dù chúng có thể không chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Cách tốt nhất để đảm bảo những món ngọt cho sức khỏe là tự chuẩn bị tại nhà. Bằng cách trộn hỗn hợp bột ca cao, dầu dừa, đường và dừa nạo, sau đó bỏ tủ lạnh và cắt thành những hình thù ngộ nghĩnh, bạn đã tạo ra một món bánh chocolate lạ miệng.

Bỏng ngô tại nhà có thể dùng dầu ô liu để rang, sau đó thêm một ít bơ, men dinh dưỡng hoặc bột trà xanh để thêm phần hấp dẫn. Kem cũng rất tốt và dễ dàng để làm ở nhà; nếu mua loại làm sẵn thì nên chọn loại chứa 100% thành phần trái cây nguyên chất, không có chất làm ngọt nhân tạo hay dùng nhiều hương liệu.

6. Tỷ lệ và màu sắc

Nếu bạn muốn nâng cấp bữa ăn nhẹ thành một hộp cơm cho trẻ mang đến trường, việc chia tỷ lệ tương ứng sẽ giúp bạn “lắp ráp” một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Trong đó, bao gồm bốn loại: tinh bột (carbohydrate), chất đạm, rau và trái cây. Tỷ lệ thường dùng là 4: 2: 1: 1 (bốn phần tinh bột: hai phần protein: một phần rau: một phần trái cây).

Thực phẩm để xếp vào hộp nên chọn các màu đậm để tạo tác động trực quan, những loại rau và hoa quả nhiều màu sắc không chỉ đẹp mắt mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn.

7. Vật đựng

Thông thường, phụ huynh đặt thức ăn trong những hộp nhựa dễ rửa cho trẻ mang đến trường, tuy nhiên cần chọn loại hộp không chứa phthalates, BPA, hay PVC. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể chọn loại hộp bằng inox hoặc thép không gỉ để tránh các chất độc hóa học từ nhựa ngấm vào thức ăn. Bình chứa nước bằng kim loại cũng giúp giữ nhiệt lâu hơn và chịu va chạm tốt hơn.

Bảo Tùng (Theo Huffl ingtonpost, Justonecookbook)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI