Bộ ván gõ của nội

14/02/2015 - 06:03

PNO - PN - Nếu có ai hỏi khi xa quê hương tôi nhớ nhất vật dụng gì trong nhà, tôi sẽ không ngần ngại đáp: “Đó là bộ ván gõ của nội tôi”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghe ba má kể, trước khi có bộ ván gõ, bà nội tôi từng nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp. Trải qua nhiều năm làm lụng, vất vả, bà mới dành dụm chắt chiu được một số tiền, đặt ông thợ mộc trong làng đóng cho bộ ván gõ. Ba tấm ván đặt trên hai con ngựa gỗ trở thành bộ ván vững chãi. Ông thợ đã chọn gỗ gõ để làm bộ ván này vì gõ xài càng lâu càng bền, càng ngồi lâu càng láng bóng.

Cái thời chưa có đi - văng, giường gỗ, nhà nào ở miền quê có được bộ ván gỗ mun là “sang” lắm rồi! Bộ ván gõ vì thế là của cải quí giá, là cả gia tài của nội. Bộ ván gõ là chứng nhân của nhiều sinh hoạt trong gia đình tôi, gắn liền với hình ảnh thân thương của nội.

Những ngày bình yên, ván gõ giúp nội và anh em tôi có những giấc ngủ trưa ngon tuyệt! Sau những giờ làm việc vất vả, bà nội ngả lưng trên ván gõ cho mát, tay cầm cái quạt mo, vừa phe phẩy quạt, vừa kể chuyện cổ tích cho con cháu nghe. Anh em tôi rất thích leo lên bộ ván, ai cũng giành được nằm kế bên nội. Chúng tôi nằm soải chân, soải tay, tấm lưng áp trên mặt gỗ bóng mát rượi, nghe mới đã làm sao! Đến bây giờ, nhớ lại, tôi như vẫn còn cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào của tuổi thơ khi nằm bên nội, ngửi mùi thơm cửu trầu thân thương của nội, nghe giọng kể chuyện đầm ấm bùi tai.

Bo van go cua noi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhớ nhất lần nội bị bệnh, nội nằm co ro trên ván gõ, choàng khăn rằn, xức dầu nhị thiên đường - mùi dầu thân quen của nội. (Đến bây giờ cứ nghe mùi dầu này là tôi lại ngỡ như có nội bên cạnh). Tôi thức giấc nửa đêm, nghe tiếng nội rên hừ hừ, thương nội quá, tôi ngồi dậy chắp tay cầu nguyện cho nội mau khỏi bệnh. Nội nghe được, tỉnh dậy, ôm chầm lấy tôi, hai bà cháu đều rơm rớm nước mắt.

Dưới gầm ván gõ là một không gian riêng tư thú vị của tuổi thơ. Tôi cùng anh em chui dưới gầm ván để chơi năm mười, cút bắt, bán quán. .. Chúng tôi đã tưởng tượng không gian ấy chính là ngôi nhà nhỏ của mình. Nội ra vườn chặt cho mấy tàu lá dừa, lá chuối gắn hai bên chân ngựa ván để làm hai cánh cửa. Chúng tôi chui ra, chui vào “ngôi nhà nhỏ” chơi trò phân vai, đóng kịch, cả bọn nói cười rôm rã rồi trải chiếu nằm, gác chân lên nhau, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Những lúc giỗ chạp, ván gõ trở thành nơi tụ họp của họ hàng. Nhiều món ăn được nội bưng lên, bày trên ván, nào bánh hỏi, thịt quay, nào gà nấu cà ri, gỏi tôm thịt, bành bò, bánh ít…xếp thành hàng dài trên ván. Họ hàng được mời lên ngồi xếp bằng hai bên hàng thức ăn, vừa ăn uống, vừa chuyện trò vui vẻ.

Chiến tranh xảy ra, bộ ván gõ là chiếc hầm trú ẩn dã chiến của gia đình. Mặt trên của ván dày như tấm bê tông đủ sức che chắn đạn lạc, chung quanh tấn đầy bao cát, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào! Cả nhà nghe tiếng đạn bom là nhanh chân chui xuống “hầm”. Ngồi san sát dưới hầm, có dáng bà che chở, cùng ngồi niệm Phật, chúng tôi thấy nỗi lo sợ dường như biến mất.

Ngồi tại bộ ván này, bà nội từng tự hào, hãnh diện kể cho các cháu nghe chuyện ba má và các cô tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chuyện các anh bộ đội về làng. Mỗi khi nhắc đến chuyện cô Út hy sinh trong trận càn, bà nghẹn ngào xúc động, run run tấm vai gầy, nước mắt trào tuôn, tôi thấy thương bà quá! Ngày 30.4.1975, bộ ván đã chứng kiến niềm vui vỡ òa của bà nội khi đón con cháu trở về sau bao năm xa cách.
Xuân về, Tết đến, bộ ván là nơi họp mặt thiêng liêng của gia đình.

Bo van go cua noi
 

Nội và bộ ván gõ qua nét vẽ của ba tôi

Đêm Giao thừa, ván gõ là sân khấu nhỏ cho các cháu biểu diễn chương trình văn nghệ tạp kỹ. Khán giả là bà nội, ba má và cô chú, diễn viên nhí là tất cả con cháu trong nhà. Ai cũng lần lượt được giới thiệu lên sân khấu, đứa dạn dĩ, tinh nghịch, đứa rụt rè, e thẹn lần lượt trổ tài múa, hát, đọc thơ, kể chuyện… Ôi thôi đủ trò, đủ kiểu, làm cả nhà cười vui rộn rã…Người lớn ngồi xem, vỗ tay, cổ vũ liên tục. Nhìn đàn cháu ngây thơ biểu diễn, nội tôi miệng móm mém cười, ánh mắt rạng ngời yêu thương.

Sáng mồng một, bà nội, ba má và các cô chú ngồi trên ván, các cháu nhỏ đứng xúm xít chờ mừng tuổi và sung sướng nhận tiền lì xì từ nội. Bà lấy từ trong túi vải những đồng tiền thơm mùi giấy mới, những đồng xu, bạc cắc mới tinh, sáng loáng. Bà xoa đầu từng đứa, chúc cho các cháu mau lớn, học giỏi, ở hiền, gặp lành. Xong bà thắp nhang bàn thờ tổ tiên rồi dẫn các cháu đi chùa.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bà nội tôi mặc chiếc áo dài màu nâu, tay cầm dù đen, nhanh nhẹn đi trước, đàn con, cháu, chắt tíu tít theo sau thành một hàng dài. Đoàn bà cháu đi chùa cùng vui bước trên con đường quê với hoa cúc, hoa vạn thọ thọ, vàng rực, với những lũy tre, luống ruộng xanh tươi, thơm mùi rơm rạ. Hồi ấy nhà tôi chưa có máy chụp hình, nhưng trong tâm ấn tôi, đó là bức ảnh đẹp nhất của quê hương ngày Tết gắn liền với hình ảnh của nội tôi.

Bộ ván gõ đã có tuổi thọ hơn 70 năm, từ đời nội tôi vẫn còn lưu giữ đến nay. Nó như vật gia bảo của gia đình tôi. Mỗi lần nhìn đến bộ ván gỗ tôi lại nhớ nội tôi một đời khốn khó, nuôi con cháu thành người, dạy con cháu bao điều hay lẽ phải.

Những tiếng cười khúc khích của các cháu vang lên. Chuẩn bị đón Giao thừa, ngồi nhìn các cháu tập tuồng trên ván gõ, con nhớ nội vô cùng. Nội ơi!

MINH THI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI